Bình đẳng giới là một trong những chủ trương đúng đắn và quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Quyền phụ nữ tham gia vào các lực lượng lao động, vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định được khuyến khích trong các nghị quyết và chính sách, được áp dụng tại mọi cấp, mọi khu vực và mỗi địa phương. Từ nhận thức đó, Đảng ta đã có những hoạt động tích cực trong việc tăng tỷ lệ phụ nữ đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện chưa được như mong muốn. Nếu khách quan nhìn nhận thì tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội từ khóa XI đến XV đã có chiều hướng gia tăng (tỷ lệ nữ đại biểu các khóa XI, khóa XII, khóa XIII, khóa XIV và khóa XV lần lượt là 27,31%, 25,76%, 24,40%; 26,80% và 30,26%. Trong cơ cấu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tỷ lệ đại biểu nữ tăng 1-2% mỗi khóa, cấp huyện và xã tăng từ 2-4% mỗi khoá. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân là 26,72% (cấp tỉnh); 27,50% (cấp huyện); 26,59% (cấp xã). Đây là những kết quả đáng ghi nhận, song so với mục tiêu đặt ra là ít nhất 35% số đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là nữ thì còn là một khoảng cách không nhỏ.
Cần phải nhìn nhận rằng, một khi phụ nữ chưa được đại diện một cách đầy đủ tại các cơ quan dân cử thì những nhu cầu và sự quan tâm của phụ nữ cũng không có cơ hội được phản ánh một cách bình đẳng trong các chính sách hay được giải quyết thông qua chương trình của Chính phủ. Vậy, trên thực tế tỷ lệ phụ nữ còn “khiêm tốn” trong cơ cấu đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là do nguyên nhân gì? Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu nằm trong một số yếu tố liên quan đến quy trình bầu cử, ứng cử viên và cử tri.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Lãnh đạo Quốc hội, nguyên Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Internet.
Đơn cử, những thành viên của ban hướng dẫn bầu cử, những người theo dõi chung quá trình lựa chọn các ứng viên, hầu hết là nam giới. Điều này không tránh khỏi những định kiến giới trong quy trình bầu cử. Một số khảo sát cho thấy một ứng cử viên (thông thường là nữ) được lựa chọn phải đáp ứng một loạt các tiêu chí như: độ tuổi, dân tộc, trình độ, trong khi đó phụ nữ còn phải đảm nhận các chức năng trong gia đình, điều này khiến cho phụ nữ ít có kinh nghiệm hơn nam giới trong khu vực công cộng và tranh luận; cử tri ít được chuẩn bị để lựa chọn ứng cử viên nữ hơn là nam giới. Khi chấp nhận những giá trị xã hội về đánh giá thấp khả năng lãnh đạo của phụ nữ và không khuyến khích phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị, nhiều cử tri tin rằng các ứng viên nữ khó có thể trở thành những người đại diện tốt. Bên cạnh đó, vẫn còn những biểu hiện của “trọng nam khinh nữ”; hiện tượng kỳ thị giới là những yếu tố tác động đến quá trình cử tri lựa chọn đại biểu; dư luận xã hội còn phán xét khá nặng nề đối với vị trí, vai trò của phụ nữ, thậm chí hình thành những rào cản trong cách hành xử, phán quyết khi phụ nữ không may mắc phải những lỗi lầm,…
Không còn nghi ngờ gì nữa, phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu đại hiểu Quốc hội và hội đồng nhân dân của Việt Nam hiện nay là một thực tế. Để xóa dần khoảng cách chênh lệch này là cả một quá trình nhận thức và hành động. Muốn thực hiện được điều đó, cần có những chuyển biến sau đây:
Thứ nhất, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức giới cho lãnh đạo, cho cán bộ tham gia vào xây dựng các quy định và quy trình hướng dẫn trong quá trình bầu cử. Trên thực tế, nhiều địa phương khi triển khai các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và nâng cao năng lực của phụ nữ khi tham chính thì đa số người tham dự cũng chỉ là… phụ nữ. Nếu dùng lăng kính giới về nhìn nhận thì chính đây cũng là “hiện tượng” bất công bằng mà chí ít thể hiện sự thiếu quan tâm của lãnh đạo (là nam giới) trong hoạt động này. Hơn nữa, bình đẳng giới sẽ khó đạt được mục tiêu khi mà đa số nam giới không tham gia và ít chuyển biến về trách nhiệm giới, văn hóa giới.
Thứ hai, tăng chỉ tiêu cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp và cần chú trọng cân nhắc tỷ lệ hợp lý qua những lần hiệp thương. Nhiều trường hợp tỷ lệ nữ được giới thiệu ban đầu là khá cao nhưng giảm dần qua các lần hiệp thương và qua bỏ phiếu bầu thì tỷ lệ đạt được không cao như mong đợi.
Thứ ba, tăng cường vai trò của các hội đoàn thể mà trực tiếp là hội phụ nữ trong việc tìm kiếm, hỗ trợ cho các nữ ứng cử viên và giám sát quá trình bầu cử.
Thứ tư, tổ chức hoạt động giao tiếp để nâng cao nhận thức giới cho cử tri; vận động toàn xã hội ủng hộ cho phụ nữ; củng cố việc chấp nhận vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định.
Thứ năm, tăng cường đào đạo cho nữ ứng cử viên; đào tạo thêm cho các đại biểu nữ trong hội đồng nhân dân để tăng cường khả năng của họ trong việc thúc đẩy vấn đề giới trong hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp.
Cần phải nghiêm túc nhìn nhận, phụ nữ tham chính và gia tăng tỷ lệ nữ trong cơ cấu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp không là “thúc đẩy” một cách cơ học, thậm chí vội vàng, duy ý chí mà là quá trình chuyển đổi tư duy, nhận thức và phương thức hành động phù hợp, từng bước, có lộ trình, có kế hoạch và hướng đến tính bền vững. Trong đó, bản thân phụ nữ cũng phải tự nỗ lực trong học tập, phấn đấu để “đóng đúng vai”, “đóng tròn vai”; đồng thời,xã hội cũng phải từng bước tháo gỡ các định kiến về vai trò của phụ nữvà việc thực hiện “nam nữ bình quyền” ngày càng phải đi vào thực chất để phát huy toàn bộ nguồn lực trong xã hội. Theo đó, cần phải thấm nhuần lời dạy củaChủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa,…
Phạm Đi