Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trên mọi phương diện. CMCN 4.0 (bản chất là việc ứng dụng công nghệ, khoa học dữ liệu và sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ sản xuất và cuộc sống con người) tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít các khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong quá trình đổi mới. Nếu chúng ta không kịp thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết (vật chất, tinh thần, cơ chế, chính sách, nhân lực, vật lực...) để tiếp thu và ứng dụng ngay công nghệ mới của CMCN 4.0, Việt Nam có thể “lỡ hẹn” với các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại và điều này không chỉ dẫn đến sự tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới về kinh tế mà còn tụt hậu cả về khoa học - công nghệ, tiềm lực an ninh, quốc phòng…
Vậy, làm thế nào để nước ta có thể đón đầu những thành tựu được tạo ra từ CMCN 4.0 nhằm tận dụng được những thời cơ mà nó mang lại đồng thời đẩy lùi được những nguy cơ, khó khăn, thách thức nó tạo ra, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có vai trò rất lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam. Hơn bao giờ hết, đội ngũ trí thức Việt Nam - lực lượng tinh hoa của xã hội phải là nhân tố tiên phong, nhận trách nhiệm dẫn dắt xã hội thích ứng và nắm bắt những cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 đang tạo ra cho sự phát triển đất nước, bắt kịp các nhóm nước phát triển trên thế giới. Lịch sử sẽ tôn vinh hay phủ nhận vai trò của trí thức Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI chủ yếu sẽ tùy thuộc vào năng lực của họ trong việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Có thể thấy, trong CMCN 4.0, trí thức Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, điều đó được thể hiện ở một số điểm cụ thể sau đây:
Thứ nhất, trí thức sẽ là lực lượng đi đầu trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt những nội dung của CMCN 4.0 với tất cả những thời cơ, thách thức mà nó mang lại, sự tác động của nó đối với tiến trình phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, đội ngũ trí thức sẽ là người tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản này đến đông đảo các tầng lớp nhân dân làm cho họ thấu hiểu sâu sắc rằng “cơ hội” và “nguy cơ” do CMCN 4.0 đem lại đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là không thể tránh khỏi để người dân tiếp nhận và tự nguyện chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm sẵn sàng tham gia vào những chương trình, dự án “lập thân, khởi nghiệp”, đổi mới, sáng tạo áp dụng khoa học - công nghệ mới vào cuộc sống.
Thứ hai, trí thức là những tấm gương tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển và áp dụng những thành tựu, tiến bộ của CMCN 4.0 vào cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức cuộc sống, bảo vệ môi trường, quản lý xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng: Ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất nhằm tăng năng xuất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm; vào lĩnh vực chính trị nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử và nền dịch vụ công trực tuyến; vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền giáo dục 4.0; vào lĩnh vực quốc phòng - an ninh nhằm tăng tiềm lực quốc phòng - an ninh để thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc từ sớm và từ xa, từ khi nước chưa nguy; vào lĩnh vực văn hóa gắn với việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam;…
Và, chỉ khi đội ngũ trí thức Việt Nam tự mình thúc đẩy nghiên cứu khoa học tạo ra những phát minh, sáng chế trên nền tảng công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0, chúng ta mới có một nền khoa học, công nghệ độc lập không phụ thuộc vào các nước lớn và không trở thành “bãi rác công nghệ” - nơi trung chuyển công nghệ lỗi thời, lạc hậu của thế giới.
Hội nghị toàn quốc “Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng’’. Ảnh: Internet.
Thứ ba, trí thức là lực lượng nòng cốt trong việc tư vấn cho Đảng và Nhà nước hoạch định các đường lối, chính sách liên quan đến phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ nhất là các thành tựu của CMCN 4.0, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước; đồng thời, trí thức cũng như vai trò giám sát, phản biện các chính sách về vấn đề này.
Thứ tư, trí thức là lực lượng đi đầu trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CMCN 4.0. Thực tế cho thấy, lợi dụng các thành tựu của CMCN 4.0 với sự phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là internet tốc độ cao, mạng xã hội…, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống phá sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta… Trước tình hình đó, với tư cách là những người am hiểu khoa học, công nghệ, trí thức phải là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch từ đó đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ.
Xác định đúng vị trí, vai trò của trí thức trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm đào tạo, bồi dưỡng trí thức, sử dụng trí thức, tôn vinh, trọng dụng trí thức, nhân tài… nhờ đó, trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như bước đầu đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho đội ngũ này trong CMCN 4.0.
Song, so với yêu cầu của CMCN 4.0, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, như: Cơ cấu đội ngũ trí thức thiếu cân đối về ngành nghề, độ tuổi, vùng miền, giới tính… Đặc biệt, đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong CMCN 4.0) còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; số lượng các chuyên gia đầu ngành còn ít, các tập thể khoa học mạnh có uy tín cao trong khu vực và trên thế giới chưa nhiều; số lượng các công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn khá khiêm tốn; số trí thức chưa có việc làm còn nhiều,…
Xuất phát từ thực trạng đó, nhằm đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 hiện nay, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”[1], “có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”[2].
Hoàng Thu Trang