Thanh niên là lực lượng to lớn của cách mạng. Vì vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen dành sự quan tâm đặc biệt đối với thanh niên, đánh giá cao vai trò của thanh niên trong phong trào của giai cấp công nhân, tầng lớp lao động. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chú ý nhiều đến việc giáo dục thanh niên, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để đào tạo, hình thành những con người mới, một thế hệ mới với tư cách là những người làm chủ tiến bộ, sáng tạo và có ý thức cho xã hội tương lai-xã hội xã hội chủ nghĩa.
Thanh niên với lòng nhiệt tình, tuổi trẻ và lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, họ có những sự sáng tạo riêng, luôn khao khát tự do và hiến dâng cho lý tưởng cao đẹp. Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng thanh niên “là đạo quân xung kích của giai cấp vô sản quốc tế và đội hậu bị của Đảng”[1]. V.I.Lênin cho rằng thanh niên là nguồn sinh lực chiến đấu cách mạng của Đảng. Với việc coi thế hệ trẻ là nguồn sinh lực cho cách mạng, cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. V.I.Lênin đã kêu gọi những người cộng sản phải hết sức quan tâm đến tầng lớp này. V.I.Lênin cho rằng cần tập hợp thanh niên lại thành tổ chức độc lập, thành những tổ chức hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng mácxít, điều này cho phép thanh niên tiến hành một cách tốt hơn công việc giáo dục và rèn luyện các đồng chí của mình trong điều kiện cùng những đặc điểm chung như về lứa tuổi, tính cách, tâm lý... đó là tổ chức Đoàn thanh niên.
Nói về nhiệm vụ của thanh niên, V.I.Lênin cho rằng nhiệm vụ của thanh niên nói chung và của đoàn thanh niên cộng sản và các tổ chức khác nói riêng, có thể tóm gọn bằng một từ. Nhiệm vụ đó là: học tập. Theo Ông, nếu bắt đầu từ việc học, thanh niên sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong công việc của mình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại một sự kiện của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet.
Ngoài nhiệm vụ học tập, thanh niên còn phải tham gia thực hiện một nhiệm cũng hết sức quan trọng và cần thiết cho sự nghiệp cách mạng. Đó là nhiệm vụ thu hút, lôi kéo các thành phần trong nhân dân, dưới sự lãnh đạo chung của đảng mácxít đoàn kết thống nhất đấu tranh cho lợi ích chung của toàn dân tộc.
Kế thừa quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Trong Thư gửi các bạn thanh niên (ngày 17-8-1947), Người viết “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”[2]. Hồ Chí Minh nhận rõ thanh niên - thế hệ trẻ Việt Nam là lực lượng xung kích to lớn và quan trọng trên mọi mặt trận của sự nghiệp cách mạng. Họ là đại diện cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc; là chủ lực quân, là lực lượng cơ bản trong lực lượng vũ trang, trên mặt trận công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục... “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết tập hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ"[3]. Nhận rõ vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào thanh niên, vào việc thanh niên sẽ hoàn thành những nhiệm vụ rất vẻ vang của mình - nhiệm vụ của đội quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên trong đời sống xã hội, nhưng Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại trong thanh niên, những nhược điểm, hạn chế của một bộ phận thanh niên. Đó là sự thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, ít được rèn luyện, thử thách, chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, cá nhân, tự cao, tự đại... Thế hệ trẻ cần được chăm lo, bồi dưỡng để họ phát triển từ “tự phát” đến “tự giác” mới hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của cả dân tộc. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược về bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Ngày 22-7-1926, Người đã viết thư gửi Đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp tại Quốc tế Thanh niên cộng sản để gửi một số thiếu nhi Việt Nam sang Nga học tập "để các em được tiếp thụ một nền giáo dục cộng sản chủ nghĩa tốt đẹp”[4].
Trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nguyên tắc giáo dục toàn diện, đầy đủ các mặt “đức, trí, thể, mỹ”.
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ phải hết sức chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt tới. Lý tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam được Hồ Chí Minh chỉ ra và nhắc nhở là: “Chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”[5]. Đó là lý tưởng cao cả mà thế hệ trẻ phải được giáo dục và vươn tới. Hồ Chí Minh chỉ rõ giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ tức là phải dạy cho họ biết yêu nước thương nòi, biết tự lực tự cường, không chịu thua kém ai; làm cho thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; xây dựng niềm tin ở tương lai của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Chương trình kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 - 26/3/2023) và trao Giải thưởng Lý Tự Trọng.
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên, Đảng cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng"[6].
Đảng ta khẳng định, thanh niên một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do vậy, chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.Trong đó cần tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức kinh tế- xã hội và gia đình, phối hợp giáo dục, bồi dưỡng, phát huy thanh niên;xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước.
Trong thời gian tới cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc, lý tưởng cách mạng, xây dựng chuẩn mực đạo đức và định hướng giá trị mới cho thanh niên. Bên cạnh đó cần phải quan tâm tới những nguyện vọng, những lợi ích chính đáng của thanh niên, phải thực sự hiểu thanh niên. Bởi thanh niên là một nhóm xã hội đặc thù,là độ tuổi sung sức nhất về thể chất của con người, là giai đoạn có sự phát triểnmạnh mẽ về phẩm chất, nhân cách, trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Do vậy, cần tạo môi trường hoạt động rộng mở, sinh động thông qua các phong trào thực tiễn cho thành niên.Phải gắn các nhiệm vụ chính trị vào chương trình hành động của thanh niên. Chủ động, tin tưởng giao việc cho thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên có điều kiện và cơ hội để phấn đấu, trưởng thành, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho quê hương, đất nước.Bố trí cán bộ trẻ có tài năng đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, phù hợp trong hệ thống chính trị. Tạo bước đột phá trong việc bố trí, sử dụng cán bộ trong độ tuổi thanh niên để từng bước nâng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ ở tất cả các ngành, các cấp.
Đặc biệt, mỗi thanh niên phải luôn rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống; nhận thức rõ vị trí, vai trò, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của thanh niên với Tổquốc; thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc; tích cực tham gia sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Kiên Định