Tư tưởng V.I.Lênin về kinh tế hợp tác xã
Một là, V.I.Lênin đã chỉ rõ sự biến đổi bản chất kinh tế xã hội của chế độ hợp tác xã trong điều kiện chính quyền của nhân dân lao động. Người cho rằng: “Xí nghiệp hợp tác xã khác hẳn với xí nghiệp tư bản tư nhân ở chỗ, nó là xí nghiệp tập thể, nhưng nó không khác với các xí nghiệp xã hội chủ nghĩa nếu miếng đất trên đó nó được xây dựng và những tư liệu sản xuất đều thuộc về nhà nước…”[1]. Như vậy, tư tưởng đó của Người được thể hiện rõ ở hình thức hợp tác hoá không tự nó quy định tính chất các quan hệ sản xuất hiện có mà ngược lại tính chất của hợp tác xã được quyết định bởi quan hệ sản xuất đang thống trị trong đất nước và sự phát triển của hợp tác xã trong những điều kiện ấy cũng chính là sự tăng lên của chủ nghĩa xã hội.
Hai là, các nguyên tắc hợp tác hoá trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chế độ hợp tác xã cho phép kết hợp đúng đắn lợi ích cá nhân của người sản xuất với lợi ích của xã hội. Đây là con đường giản đơn nhất, dễ tiếp thu nhất để đưa nông dân lên chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, quá trình hợp tác hóa phải tuân thủ các nguyên tắc: nhà nước nắm quyền sở hữu những tư liệu sản xuất; giải thích, thuyết phục bằng những tấm gương, bằng sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội; phải làm cho nông dân dần dần hiểu được tính hợp lý, thấy rõ lợi ích của việc gia nhập hợp tác xã để họ tham gia một cách tự nguyện, chứ không bằng cách cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã…
Ba là, V.I.Lênin cho rằng để tiến hành hợp tác hoá, cần phải nâng cao trình độ văn hoá của nông dân. Người nói: “Chỉ cần phải làm cho dân cư nước ta “văn minh” đến mức họ thấy rõ tất cả lợi ích của việc tham gia phổ biến vào hợp tác xã và đến mức họ tổ chức việc tham gia đó”… Nhưng muốn làm được chữ “chỉ” đó cần phải có cả một cuộc cách mạng, cả một thời kỳ phát triển văn hóa của toàn thể quần chúng nhân dân”[2]. Cách mạng văn hoá còn có ý nghĩa lớn hơn nữa, nó cần thiết cho việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thích hợp và nâng cao nhanh chóng trình độ văn hoá của nhân dân, bởi không nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân thì chúng ta không thể đạt được mục đích.
Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về phát triển kinh tế hợp tác xã
Vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng V.I.Lênin về hợp tác xã, Đảng ta luôn chủ trương phát triển các hình thức kinh tế hợp tác. Chủ trương của Đảng được thể hiện ở nhiều nghị quyết và gần đây, tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”[3].
Quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển, củng cố kinh tế tập thể là chủ trương đúng đắn, kịp thời trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và ngày càng thể hiện có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, được thực hiện theo Luật Hợp tác xã. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có trên 29.378 hợp tác xã, tăng 5, 4% so với năm 2021; với 5.936 nghìn thành viên và thu hút 166,2 nghìn lao động trong các hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; tổng nguồn vốn đạt được 326,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2020; doanh thu đạt được 94,1 nghìn tỷ đồng (tăng 2,0% so với năm 2020), lợi nhuận đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (giảm 15,2% so với năm 2020. Trong đó, có khoảng 5.000 hợp tác xã và hơn 10 nghìn tổ hợp tác ở vùng dân tộc thiểu số - chiếm tỷ lệ 17,24% tổng số hợp tác xã.
Hiện nay, số hợp tác xã công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên (năm 2021 chiếm 48,81%) đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước nói chung và của các địa phương nói riêng. Đặc biệt, hợp tác xã đã góp phần vào chương trình OCOP của cả nước với 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao và 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Tương ứng với 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Trong những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã dịch vụ làm ăn có hiệu quả góp phần giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 giảm xuống khoảng 1,2% so với năm 2021 (năm 2021 là 2,23% - đạt mục tiêu đề ra) và giảm 1,27%/năm giai đoạn 2015 - 2021 (năm 2015 là 9,88%); thu nhập bình quân của 1 lao động đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, trong đó ngành dịch vụ là 7,2 triệu đồng/tháng (năm 2021)
Tiếp tục vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về kinh tế hợp tác xã, trong thời gian tới, khi Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực và thực hiện mục tiêu đến năm 2030, cần thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân, người lao động, các tổ chức chính trị xã hội về lợi ích, vai trò của kinh tế tập thể. Hiện nay, sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ làm cho lực lượng sản xuất ngày càng hiện đại thì kinh tế tập thể không chỉ là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư mà còn là chủ thể kinh tế nhằm phát huy nội lực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ (chính sách vốn, đất đai, kết cấu hạ tầng, bảo hiểm, đào tạo nhân lực, khoa học công nghệ…) nhằm thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã có nhiều lao động trẻ, thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các hợp tác xã xây dựng thương hiệu, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số đối với kinh tế tập thể. Hiện nay, hợp tác xã hoạt động kinh doanh bình đẳng và cơ hội phát triển như các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hợp tác xã, liên thông từ đăng ký kinh doanh, thông tin thị trường, đến kê khai, đóng thuế đảm bảo minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác xã.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.
Để đạt được mục tiêu giải phóng sức sản xuất của người lao động đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh hợp tác xã cần phối hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động để các thành viên hợp tác xã nắm bắt kịp thời nội dung, nhiệm vụ và lợi ích từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể. Đồng thời, thực hiện liên kết của các chủ thể, tiếp nhận sự hỗ trợ của hệ thống Chính trị, trong đó Liên minh hợp tác xã với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với hợp tác xã, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, tư tưởng V.I.Lênin nói chung, tư tưởng về kinh tế hợp tác nói riêng đã và đang được nhận thức, vận dụng sáng tạo và thành công ở Việt Nam. Theo đó, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội gần 40 năm đổi đất nước có phần đóng góp không nhỏ của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Chính khu vực kinh tế này đã góp phần bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, hình thành nhiều ngành nghề mới; nâng cao năng lực cạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu; tạo thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số ở Việt Nam.
Lê Huyền