Biểu tượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Thời gian gần đây, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam thường xuyên bị xâm phạm bởi các thế lực bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đề ra chủ trương “kiên quyết”, “kiên trì” đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo. Đây cũng là quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, đồng thời là nguyên tắc, sách lược của Việt Nam.
“Kiên quyết” thể hiện quyết tâm dứt khoát, không do dự, không khoan nhượng, không thỏa hiệp về chủ quyền biển đảo. Đồng thời, kiên quyết thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia.
“Kiên trì” bao hàm ý nghĩa cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo có tính chất lâu dài; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không nản lòng, không nóng vội. Kiên trì còn có hàm ý cuộc đấu tranh đó được tiến hành bằng con đường hòa bình, không phải bằng vũ trang.
Chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo xuất phát từ những lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, thiêng liêng của quốc gia
Việt Nam là một quốc gia biển, nằm trên phần cực Đông của bán đảo Đông Dương. Những tuyến thông thương tự nhiên với thế giới bên ngoài về phía Bắc và phía Tây hầu như bị rào chắn bởi những dãy núi hiểm trở, gây khó khăn cho hoạt động giao thông, thương mại. Cửa ngõ thông thoáng duy nhất để giao lưu với bên ngoài nằm ở đường bờ biển dài hàng nghìn kilômét.
Biển đối với Việt Nam không phải là yếu tố ngăn cách, mà là yếu tố kết nối. Biển cũng như sông, là những “con đường biết đi”, giúp chúng ta vận chuyển, đi lại. Mặt khác, biển còn là một kho chứa bao la với trữ lượng vô tận về muối và cá cùng những hải sản khác. Biển còn là lá phổi khổng lồ điều hòa khí hậu cho một đất nước ở vị thế “lưng tựa núi cao, mặt trông ra biển lớn”.
Thế kỷ XXI, vai trò của biển và đại dương ngày càng quan trọng, thậm chí được cho là “thế kỷ biển và đại dương”. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2 (chiếm gần 30% diện tích Biển Đông), 3000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với Việt Nam, biển, đảo là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta nhiều lần khẳng định dựa trên những chứng cứ lịch sử rõ ràng và cơ sở pháp lý được quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần không nhỏ quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị thế lực bên ngoài chiếm giữ trái phép.
Ảnh tư liệu
Chủ quyền biển, đảo, thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia, là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài và gian lao của cả dân tộc, trong đó, không ít chiến sĩ, người dân đã phải hy sinh xương máu để bảo vệ. Do vậy, chủ quyền biển đảo không chỉ là không gian sinh tồn, cơ sở, tiền đề, nguồn lực cho sự phát triển mà còn là vấn đề thiêng liêng của quốc gia - dân tộc.
Trong bối cảnh chủ quyền biển, đảo bị vi phạm, thách thức nghiêm trọng, Đảng và Nhà nước ta nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo vì đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ hai, luật pháp quốc tế quy định
Luật pháp quốc tế về chủ quyền biển,đảo được thể hiện rõ nhất trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luận Biển năm 1982.
Hiến chương Liên hiệp quốc ra đời năm 1945 trong bối cảnh cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, có mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Đây là hiệp ước của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, có vai trò như một bản hiến pháp đối với các quốc gia thành viên. Khoản 3 Điều 2 quy định: “Tất cả các thành viên của Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình”(1); Khoản 1 Điều 33 quy định các bên giải quyết tranh chấp “bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tuỳ theo sự lựa chọn của mình”(2).
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nhấn mạnh việc lấy Hiến chương Liên Hợp quốc làm căn cứ, áp dụng phương thức hoà bình để giải quyết tranh chấp. Điều 279 của Công ước quy định: “Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các phương pháp hòa bình theo đúng Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên hợp quốc và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở Điều 33, khoản 1 của Hiến chương”(3).
Ngoài ra, ngày 4-11-2002, tại Phnôm Pênh (Campuchia), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Tuyên bố khẳng định các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế(4).
Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)
Như vậy, có thể thấy luật pháp quốc tế đều nhấn mạnh đến việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình. Việt Nam đã ký các điều ước quốc tế vì vậy phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc sử dụng biện pháp hòa bình trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay có nghĩa là không được nóng vội, không được thỏa hiệp mà phải kiên quyết, kiên trì.
Thứ ba, kiên quyết, kiên trì là biện pháp phù hợp, hiệu quả
Chúng ta biết rằng, trên bình diện khu vực và quốc tế nói chung, mâu thuẫn chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước.
Về so sánh lực lượng, sức mạnh tổng hợp quốc gia giữa Việt Nam và một số quốc gia có liên quan đến Biển Đông (trong đó có Trung Quốc) cho thấy cán cân không nghiêng hẳn về phía Việt Nam. Vì vậy, việc xử lý các vấn đề trên Biển Đông cần phải hết sức khéo léo, không được nóng vội, nhưng cũng không được thỏa hiệp. Nếu nóng vội có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường như xung đột vũ trang, làm mất đi môi trường hòa bình và điều kiện phát triển của đất nước. Ngược lại, nếu thỏa hiệp, nhượng bộ sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, uy tín của quốc gia, thậm chí nếu chúng ta nhân nhượng thì các thế lực bên ngoài sẽ càng lấn tới.
Chủ trương kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay nhận được sự đánh giá cao và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Điều đó làm hạn chế các hành vi áp đặt, xâm phạm của các thế lực cường quyền hiếu chiến, góp phần vào việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thực hiện chủ trương kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Việt Nam đã đấu tranh buộc các tàu nước ngoài phải rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiêu biểu như tàu Hải Dương 981 (năm 2014), tàu Hải Dương 8 (tại bãi Tư Chính năm 2019), tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc (tháng 5-2023)... Sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh của Việt Nam đã góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo, không để xảy ra tình trạng đổ máu trong bối cảnh chính trị cường quyền trỗi dậy là một thành công của Việt Nam.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh là một thể thống nhất, không tách rời nhau trong quá trình thực hiện. Đây là đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Việt Nam cần phải thấu suốt chủ trương đó của Đảng.
----------------------------------------------------------
Nguyễn Văn Chuyên