Thay đổi không nhiều dù có đi lên
Tìm theo mục lục phần xếp hạng (E-Government rankings in 2020) thấy Việt Nam đứng thứ 86 trong tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên Liên hiệp quốc, được đánh giá có chỉ số chính phủ điện tử (E-Gov) cao, tăng hai bậc so với năm 2018, tức vẫn ở nhóm có thứ hạng cao với khung điểm từ 0,5-0,75, trên trung bình của thế giới, chứ chưa lên... rất cao.
EGDI là một bộ chỉ số tổng hợp trung bình về ba lĩnh vực quan trọng nhất của chính phủ điện tử là: quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI - Online Services Index); chỉ số hạ tầng viễn thông (TII - Telecommunications Infrastructure Index) và nguồn nhân lực (HCI - Human Capacity Index). Chỉ số này được sử dụng để đo lường sự sẵn sàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để cung cấp các dịch vụ công của các quốc gia.
EGDI giúp các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, nhà hoạch định hiểu biết sâu sắc hơn về điểm chuẩn so sánh của các vị trí tương đối của một quốc gia trong việc sử dụng chính phủ điện tử cho các hoạt động, trách nhiệm công dân và khả năng cung cấp dịch vụ công.
So với năm 2003, sau 17 năm, Việt Nam tăng 11 bậc từ vị trí thứ 97, từ trung bình lên cao. Sự thay đổi thứ hạng này giống Campuchia. Năm 2003 họ đứng thứ 134 và năm 2020 ở vị trí 124, trong khi Hàn Quốc cũng chỉ tăng 11 bậc như ta nhưng vì hiện họ đứng thứ 2 thế giới về E-Gov, khó có chỗ để tăng.
Các chỉ số OSI, TII của Việt Nam đều cao hơn trung bình so với thế giới và khu vực trong khi HCI lại thấp hơn. Thú vị là năm 2003 Việt Nam có hai chỉ số OSI và TII dưới xa mức trung bình, HCI lại cao hơn trung bình. Dường như sau hai thập kỷ, nguồn nhân lực có vẻ không đi lên như mong muốn.
So với Philippines giảm 44 bậc trong EGDI, Indonesia giảm 18, Thái Lan giảm 1, Malaysia tăng 4, thì trong khu vực ta cảm thấy bình chân do họ giảm, mình tăng. Nhưng nhìn Timor Leste mới độc lập đã tăng 35 bậc hay hàng xóm Trung Quốc hơn một tỉ dân nhưng thứ hạng tăng 29 bậc, thì ta cũng không nên quá vui.
Nhìn vào bảng xếp hạng các nước Asean như Thái Lan (57), Malaysia (47), Philippines (77), tuy có thụt lùi nhưng để Việt Nam đuổi kịp họ mà không có những thay đổi căn bản thì vẫn vô cùng khó.
Mất điểm ở HCI và OSI
Nhìn lại kết quả 10 khảo sát từ năm 2003-2020, tương đương với gần hai thập kỷ, Việt Nam không có đột biến nhiều về xếp hạng. Hai chỉ số OSI và TII có xu hướng cải thiện rõ từ 0,1 lên 0,65 (tối đa là 1). Tuy nhiên, chỉ số nguồn nhân lực HCI lại đi xuống, dù từ năm 2016 tới nay có cải thiện chút, từ 0,59 lên 0,67; trong khi OSI lại đi lên vượt bậc trong sáu năm qua còn TII tiếp tục ổn định.
Trong hai thập kỷ, OSI lúc lên lúc xuống nhưng mấy năm gần đây cải thiện rõ rệt, HCI đi xuống, TII đi lên và mấy năm nay lại ổn định. Như vậy muốn thay đổi thứ hạng E-Gov của Việt Nam trong bức tranh toàn cầu và khu vực thì phải đảm bảo OSI ổn định và đi lên như hiện nay và HCI phải đạt và vượt so với năm 2003, trong khi TII cần được cải thiện tương ứng.
Cổng Dịch vụ công quốc gia vừa khai trương tháng 12-2019 đã và đang kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Tính tới ngày 1-7-2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến. Theo số liệu báo cáo, qua sáu tháng vận hành đã có 37 triệu lượt người truy cập vào hệ thống. Bộ phận kỹ thuật tiếp nhận và hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi, trên 5.600 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Nếu thống kê này được đưa vào khảo sát của Liên hiệp quốc thì chỉ số OSI chắc chắn còn thay đổi. Để cho thứ hạng của Việt Nam thay đổi đi lên thì Cổng Dịch vụ công trực tuyến là một chìa khóa quan trọng kích thích nhu cầu dùng dịch vụ công trực tuyến mang tầm quốc gia.
Để cổng này trở thành cầu nối thông suốt giữa các nhà cung cấp dịch vụ (các cơ quan nhà nước) và người sử dụng dịch vụ (công dân và doanh nghiệp), đòi hỏi phải có ba nền tảng quan trọng: công nghệ, thể chế và con người. Mô hình kiềng ba chân đặc biệt này là thiết yếu nhằm đảm bảo tiến trình Việt Nam tiến tới nền công nghiệp 4.0.
Thay đổi và để HCI đi lên thì nền tảng con người không thể thiếu. Việt Nam cần phải đầu tư vào các kỹ năng và chất lượng của lực lượng lao động, bao gồm và đặc biệt là công chức, cho tương lai của chính phủ số, mới mong cuộc khảo sát lần sau (2022) có HCI đi lên.
Muốn được lên nhóm đầu khu vực hay thế giới như Estonia hay Singapore nhỏ bé thì những con số về quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI) phải đột biến và ấn tượng giúp cho Chỉ số phát triển Chính phủ Điện tử (EGDI) thay đổi theo.
Theo TBKTSG