Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc vào những năm cuối thế kỷ XX, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng thế giới sẽ chuyển mình từ trạng thái lưỡng cực, đối đầu sang một trạng thái mới ôn hòa hơn; nguy cơ về các xung đột chính trị quân sự sẽ giảm xuống, thay vào đó là một sự cởi mở hơn trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia xuất phát từ các mối liên hệ kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình chính trị thế giới đã có rất nhiều biến động. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống như xung đột quân sự, can thiệp chính trị, còn nảy sinh các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh năng lượng, an ninh mạng, hay vấn đề dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, một số liên minh chính trị, quân sự trên thế giới đã có những dấu hiệu hồi sinh sau một thời gian đi vào thoái trào.
Lợi ích của các nước lớn
Quan điểm ủng hộ Việt Nam tham gia liên minh quân sự cho rằng việc liên minh với một nước lớn trên thế giới sẽ giúp Việt Nam nhận được sự bảo vệ trước những thế lực mạnh hơn trong khu vực. Quan điểm này cho rằng liên minh với những nước như Mỹ hoặc Nga có thể giúp Việt Nam có một đồng minh mạnh, phòng trường hợp xung đột quân sự hoặc căng thẳng chính trị trong khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương gia tăng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các nước lớn bao giờ cũng đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết, và không ít trường hợp đã phớt lờ lợi ích của đồng minh để đạt được những lợi ích chiến lược cho mình.
Không phải đến khi nhiệm kỳ Tổng thống Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” thì Mỹ mới đặt lợi ích quốc gia mình lên ưu tiên số một, mà điều này đã luôn diễn ra trong lịch sử. Nước Mỹ xây dựng cho mình hình ảnh về một cường quốc có trách nhiệm, với sứ mệnh bảo vệ tự do dân chủ và hòa bình thế giới. Ngay cả khi tham gia vào hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX, Mỹ viện dẫn rằng mình ở thế rất bị động và buộc phải can dự để bảo vệ lợi ích của công dân mình[1]. Nhưng nếu phân tích một cách kĩ lưỡng hơn, có thể thấy thời điểm tham gia vào các cuộc thế chiến của Mỹ đã đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia này. Thực tế, chiến tranh thế giới thứ nhất đã có vai trò rất lớn trong việc hình thành nên vị thế của nước Mỹ. Trong khi Châu Âu bị tàn phá và suy yếu, thì Mỹ lại hưởng lợi rất nhiều từ thương mại với các bên tham chiến. Trước năm 1914, nền kinh tế của Mỹ chỉ hơn Đức khoảng 30%, mặc dù Mỹ có diện tích và trữ lượng tài nguyên vượt trội. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc vào năm 1918, quy mô kinh tế Mỹ đã gấp hai lần kinh tế Đức. Mỹ thực hiện được điều này chủ yếu thông qua xuất khẩu lương thực và dầu mỏ sang Anh và Pháp. Tính đến năm 1916, Mỹ đã thu lợi khoảng 2 tỷ USD từ chiến tranh, để có GDP khoảng 50 tỷ USD, tương đương với khoảng 560 tỷ USD theo giá hiện hành[2]. Nếu như thế chiến thứ nhất chuẩn bị các tiền đề, thì thế chiến thứ hai đã chính thức trao vị trí lãnh đạo các nước phương Tây cho Mỹ. Tính đến năm 1943, trước khi chiến tranh kết thúc, quy mô kinh tế Mỹ đã gấp tới bốn lần kinh tế Đức.
Gần đây hơn, các đồng minh của Mỹ cũng không ít lần bất ngờ trước những động thái đơn phương từ phía Mỹ, dù có thể mang lại lợi ích quốc gia này nhưng lại gây ra những hệ lụy nhất định cho các đồng minh. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đã buộc các nước đồng minh EU phải tìm cách đàm phán lại để cứu vãn thỏa thuận mà không có sự tham gia của Mỹ. Các động thái khác của Mỹ như đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan hay ký kết thỏa thuận an ninh AUKUS, cũng khiến cho các lãnh đạo EU phải đánh giá lại mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Thậm chí, một đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á như Phillipines cũng có những điều chỉnh nhất định và giảm hợp tác quân sự với Mỹ trong thời gian gần đây.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (ngày 11/5/2022), trong đó khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải. Ảnh: Internet.
Một nước lớn khác cũng quan tâm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà Việt Nam có thể liên minh là Nga. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự xoay trục về châu Á của Nga cũng rất khác so với Mỹ. Nếu như nguyên nhân chính để Mỹ chuyển hướng sang châu Á là kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc, thì Nga lại có cách tiếp cận mang tính thực dụng hơn là hướng đến châu Á thông qua Trung Quốc. Quan điểm của một số học giả và chính trị gia của Nga về sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự trở lại vị trí đương nhiên của quốc gia này tại khu vực Đông Á. Họ hướng đến xây dựng một trật tự thế giới đa cực, trong đó Nga và Trung Quốc là những trung tâm quyền lực ngang hàng trên thế giới[3]. Với quan điểm thực dụng như vậy của Nga, thì một liên minh với Việt Nam, nếu được hình thành, nhiều khả năng cũng sẽ tan vỡ khi có một sự xung đột lợi ích nào đó với Trung Quốc.
Rủi ro chính trị khi tham gia liên minh
Qua sự phân tích ở trên cho thấy, việc tìm kiếm một liên minh đáng tin cậy, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của các đồng minh tại khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn. Những lợi ích mà liên minh này mang lại cho Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở triển vọng, dự báo và còn mang nhiều tranh cãi. Nhưng có một điều có thể nhận thấy ngay là các rủi ro chính trị khi Việt Nam tham gia vào một liên minh quân sự.
Lịch sử Việt Nam đã cho thấy nhiều hậu quả to lớn của việc lựa chọn phe phái và phụ thuộc vào sự bảo trợ quân sự của một nước lớn trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, các nước lớn thường đề cao lợi ích quốc gia mình và sẵn sàng hy sinh lợi ích của các nước khác, dù là các nước đồng minh. Dù không còn duy trì vị trí một siêu cường, nhưng Nga vẫn là một cường quốc về quân sự. Dù bị cộng đồng quốc tế lên án, dù phải chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề khi trở thành quốc gia bị áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới, nhưng Nga vẫn phát động một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột Nga - Ukraine, nhưng một trong số đó chính là việc chính quyền Tổng thống Bush năm 2008 đưa ra tuyên bố Ukraine và Georgia sẽ trở thành các thành viên của NATO trong tương lai. Tuyên bố này không đề ra một lộ trình cụ thể nào, nhưng nó đã vượt qua “làn ranh đỏ” mà Nga đặt ra, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp cho việc sáp nhập Crimea năm 2014 và xung đột Ukraine năm 2022.
Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ về cả kinh tế, quân sự, tài chính quốc tế và khoa học - công nghệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sẽ không khó để hình dung phản ứng của nước này khi một nước láng giềng lân cận trong khu vực gia nhập một liên minh quân sự. Dù liên minh đó nhằm mục đích gì thì nó cũng có thể trở thành một cái cớ để Trung Quốc gia tăng căng thẳng trong một khu vực vốn đã rất nhạy cảm hiện nay. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không lệ thuộc quá lớn vào một quốc gia cụ thể nào. Dù đa dạng hóa các hình thức ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao quân sự, nhưng Việt Nam cần tránh tham gia vào các liên minh quân sự. Điều này vừa giúp Việt Nam tranh thủ được cơ hội từ những quốc gia lớn, đồng thời trấn an các nhà đầu tư quốc tế về một môi trường đầu tư an toàn và ổn định.
Nguyễn Thanh Sơn