Tăng cường vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục “nóng” hơn bao giờ hết với hàng loạt cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật, bị truy tố. Hàng loạt Ủy viên Trung ương mất chức, bị cho thôi chức hoặc tự nguyện xin rời chức vụ. Chủ trương "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ" trong phòng, chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Lần đầu tiên, hàng loạt các sai phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu đã bị xử lý. Những nhóm cổ phiếu đầu cơ một thời "làm mưa, làm gió" như FLC hay Louis Holdings đã bị đưa vào tầm ngắm và những người đứng đầu đã bị khởi tố với tội danh thao túng, thổi giá cổ phiếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ngày 18/11/2022
Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về các vấn đề trọng đại của đất nước. Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã thông qua 4 nghị quyết quan trọng với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định rất cụ thể: Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; Nghị quyết số 21-NQ/TW về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới".
Hội nghị Trung ương 6 đã quyết nghị thông qua 1 kết luận và 3 nghị quyết đặc biệt quan trọng: Kết luận số 45-KL/TW về “định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.
Các quy định của Đảng về công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật tiếp tục được ban hành tạo nên hệ thống các quy định đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Các quy định của Bộ Chính trị đã được ban hành như: Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 “Về luân chuyển cán bộ”; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 “Về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 về “Kỷ luật tổ chức Đảng. Đảng viên vi phạm”; Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”…
Kinh tế tăng trưởng vượt trội
Kinh tế Việt Nam bước vào năm 2022 với những khó khăn thách thức rất lớn sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là ảnh hưởng, tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine, thế nhưng, kinh tế Việt Nam tiếp tục trụ vững, phát triển và tăng trưởng vượt trội. Có được kết quả này là nhờ khả năng linh hoạt, ứng phó trước những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đã đúc kết được kinh nghiệm qua 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19 trước đó. Ngay từ đầu năm, tháng 1/2022, Việt Nam thông qua gói kích thích tài chính trị giá 15,4 tỉ USD - gần 4% GDP - để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Kết quả là năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đạt 8%, vượt chỉ tiêu 6-6,5% được giao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Một góc khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, tháng 12/2022. Ảnh: Internet.
Báo cáo kinh tế Châu Á cập nhật ngày 22/12/2022, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1% (kết quả tăng 8,02%). HSBC cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở Châu Á. Trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang cắt giảm hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để nỗ lực kiềm chế lạm phát, thì triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là tươi sáng. Trong năm 2022, đã có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2022 đạt và vượt. Kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế (lập đỉnh mới so với gần 670 tỷ USD của năm 2021); vốn FDI thực hiện gần 20 tỷ USD là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua; thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với 2021. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động gấp 1,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Năm 2022, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực. Ngày 6/9, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định." Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Một năm đối ngoại đầy sôi động
Năm 2022 có thể coi là một trong những năm chúng ta đã đạt được nhiều thành quả trong hoạt động đối ngoại. Việc đảm nhiệm các cương vị khác nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực cùng với hàng loạt các chuyển công du cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như đón tiếp hàng loạt các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo quốc tế tới Việt Nam đã góp phần tạo dựng và duy trì vị thế mới của đất nước với cộng đồng quốc tế.
Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất phải kể tới là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc từ ngày 30/10 đến 1/11. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đại hội XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với 21 phát đại bác chào mừng và tổ chức tiệc trà thân mật. Hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ song phương giữa 2 nước. Trong chuyến thăm này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đồng thời kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương quan hệ, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Năm 2022, Việt Nam đã đón nhiều vị khách quý từ các quốc gia, các tổ chức như Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres; Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz; Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern v.v…
Đặc biệt, thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia LHQ, Tổng Thư ký LHQ đã đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam đối với quốc tế và tổ chức LHQ. Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam gia nhập LHQ ngày 21/10/2022, Tổng thư ký LHQ đã đề cập hai lần Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an và chủ trì thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an về đề cao Hiến chương LHQ, cũng như ghi nhận thành công mới của Việt Nam khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền: "Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành tiên phong cho những giá trị mới. LHQ tự hào khi được là đối tác của Việt Nam, từng bước trên chặng đường này".
Cũng trong năm 2022, ngày 7/6, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong một năm kể từ ngày 13/9. Đại hội đồng LHQ là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc và là cơ quan duy nhất của LHQ có đại diện của tất cả 193 nước thành viên. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/10, Việt Nam là một trong 14 quốc gia được Đại hội đồng bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sau lần đầu vào năm 2013, nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có nhiều chuyến công du nước ngoài góp phần thúc đẩy các mối quan hệ song phương phát huy hiệu quả đường lối đối ngoại đa dạng hóa. Năm 2022 cũng là năm ghi dấu ấn đặc biệt trong quan hệ giữa Việt Nam với 2 nước láng giềng thân thiết Lào và Campuchia. Năm 2022 đánh dấu tròn 60 năm Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác; 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia…Tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và LHQ. Chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc, tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện trong việc tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và các nước ASEAN, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp với bạn bè quốc tế.
Có thể thấy, với Việt Nam, năm 2022 là năm sôi động và đầy ắp các sự kiện. Tất cả những thành tựu ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong năm 2022 sẽ là bệ đỡ, là niềm tin để Việt Nam tiếp tục đứng vững và phát triển trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.
Ngọc Anh