Chiến lược ngoại giao vaccine triển khai quyết liệt, bài bản
Thế giới sẽ trở nên an toàn trước Covid-19 nếu như 85-95% dân số được tiêm chủng. Điều đó có nghĩa là muốn an toàn thì phải tiêm vaccine cho nhiều người nhất có thể và thế giới sẽ cần tới hàng chục tỷ liều vaccine để đáp ứng mục tiêu này. Vaccine chính là tấm lá chắn hữu hiệu để bảo vệ con người trong cuộc chiến chống Covid-19. Một chiến dịch tiêm chủng tổng lực có quy mô lớn trên thế giới đang được triển khai, với hơn 6 tỷ liều vaccine đã được tiêm. Tiến độ tiêm chủng được đẩy nhanh tại nhiều khu vực trên thế giới để đạt miễn dịch cộng đồng góp phần làm chậm sự lây lan của đại dịch và đưa con người quay trở lại nhịp sống bình thường.
Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.
Trước diễn biến phức tạp của làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu, chiến lược vaccine và ngoại giao vaccine của Việt Nam được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp: Thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine; tổ chức các chuyến thăm và làm việc, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine để có cơ hội tiếp cận vaccine. Cùng với Chính phủ, một số địa phương, tổ chức cũng có kế hoạch nhập khẩu vaccine Covid-19 theo chủ trương, kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19.
Chiến lược vaccine và ngoại giao vaccine gồm 3 nội dung lớn:
(1) Tiếp cận nguồn vaccine nhiều, nhanh và sớm nhất có thể. Sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao trong việc đôn đốc, đeo bám triển khai cam kết mà Việt Nam đã ký với các đối tác, nước láng giềng và bạn bè quốc tế150 triệu liều vaccine để cung cấp cho ít nhất 70% dân số Việt Nam, tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2020. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 60 triệu liều vaccine Covid-19 các loại khác nhau hỗ trợ từ các nước và các đối tác; trong đó có thông qua cơ chế COVAX (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên Bang Nga…). Các nước như Ấn Độ, Anh, Australia, Cuba, Đức cũng hỗ trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Về thiết bị, vật tư y tế và nguồn lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ UNICEF, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Campuchia, Saudi Arabia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận khoản hỗ trợ 2,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Đại sứ Đức Guido Hildner - Ảnh: BNG
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của bạn bè quốc tế trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế chống lại dịch bệnh nguy hiểm này thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phòng chống dịch trong khả năng có thể cho nhân dân các nước, tận tình cứu chữa người nước ngoài mắc bệnh và đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ COVAX.
(2) Đẩy nhanh tiếp cận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine tại Việt Nam. Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia có nhiều đơn vị tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19: Nanocovax, Covivac. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của các loại vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài, hiện có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ từ các đối tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga. Hiện, các đơn vị, doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất, với tổng công suất từ 200-300 triệu liều vaccine/năm.
(3) Thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Thủ tướng Chínhphủ Phạm Minh Chính phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trên toàn quốc. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường để phát triển theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Tính đến ngày 29/9, cả nước đã tiêm được 42.165.168 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.669.057 liều, tiêm mũi 2 là 9.496.111 liều.
Để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức điều phối tiêm hiệu quả. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vaccine. Đặc biệt trong thời gian tới, lượng vaccine về nhiều, cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng nhanh chóng, kịp thời, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho nhân dân.
Việt Nam đã tiêm được trên 42 triệu liều vaccine (đến ngày 29/9/2021).
“Vaccine+5K+công nghệ” - Chìa khóa sống chung an toàn với Covid-19
Với sự xuất hiện các biến chủng mới, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới và ở trong nước, có thể nói cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đang có những điều kiện tốt để kiểm soát dịchCovid-19như sự vào cuộc đồng bộ và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức xã hội, của tất cả người dân.
Việt Nam đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch “Vaccine+5K+công nghệ" của Thủ tướng Chính phủ thành hành động thực tế. Mục tiêu xuyên suốt được Chính phủ đưa ra là đặt sức khỏe, lợi ích của nhân dân là trên hết, trước hết. Bên cạnh đó, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Chúng ta chống dịch quyết liệt, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, như vậy mới có nguồn lực để chống dịch, bảo đảm đời sống, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Mở cửa trở lại và chấp nhận sống chung an toàn với Covid, đó là lựa chọn và nỗ lực của một số quốc gia để thoát khỏi đại dịch hiện nay thay vì chờ đến lúc đại dịch kết thúc như: Đan Mạch, Singapore, Thái Lan, Nam Phi và Chile. Có thể thấy, sống chung an toàn với đại dịch đã không còn là phương châm của riêng quốc gia nào. Sự thay đổi này từng bước một, hướng đến việc chủ động kiểm soát để chiến thắng Covid-19.
Trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống Covid-19, vaccine được kỳ vọng sẽ là vũ khí được mang lại sự đột phá để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sớm đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai một cách quyết liệt nhất, hiệu quả nhất thực hiện thành công chiến lược vaccine và ngoại giao vaccine mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Lê Thu