Theo C.Mác, sản xuất vật chất là hoạt động thực tiễn đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Trong lịch sử sản xuất vật chất của nhân loại đã hình thành mối quan hệ khách quan, phổ biến: một mặt, con người phải quan hệ với giới tự nhiên nhằm khai thác, cải tạo, biến đổi giới tự nhiên đó, bởi, “Công nhân không thể tạo ra cái gì nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài”. Quan hệ này được biểu hiện là lực lượng sản xuất; mặt khác, con người phải quan hệ với nhau để tiến hành sản xuất, quan hệ này được biểu hiện là quan hệ sản xuất.
C.Mác gọi đây là quan hệ “song trùng” và quan hệ này hợp thành quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất: “Khi những tư liệu sản xuất vật chất, những lực lượng sản xuất mà thay đổi và phát triển thì những quan hệ xã hội trong đó những cá nhân sản xuất, tức là những quan hệ sản xuất xã hội cũng thay đổi, biến đổi theo”.
Thực tiễn đã cho thấy hiểu và vận dụng đúng quy luật này là điều kiện cần để đảm bảo Việt Nam đi đúng hướng, đặc biệt trong bước quá độ lên xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta.
Thời kỳ trước đổi mới, do chủ quan, nóng vội, duy ý chí trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất “vượt trước”, thực chất là tách rời lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Vì vậy, kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng và xã hội có nguy cơ mất ổn định.
Tổng kết những năm trước đổi mới, Đại hội VI của Đảng (12-1986) cho rằng: “Kinh nghiệm thực tế chỉ rõ: lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Do đó, đổi mới là đòi hỏi tất yếu khách quan đối với Việt Nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới, do nhận thức và vận dụng đúng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp trình độ của lực lượng sản xuất, Đảng ta đã chủ trương đổi mới toàn diện đất nước. Tuy nhiên, lực lượng sản xuất luôn được ưu tiên phát triển để mở đường cho phát triển kinh tế, đồng thời quan hệ sản xuất luôn được đổi mới, hoàn thiện nhằm hỗ trợ cho việc giải phóng, khai thác có hiệu quả những tiềm năng kinh tế. Do vậy, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương phát triển cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Biểu hiện cụ thể:
Về lực lượng sản xuất, tại Đại hội VI, chuyển từ cơ cấu kinh tế một thành phần sang nền kinh tế nhiều thành phần để phát triển lực lượng sản xuất. Đại hội VII, thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã nêu 6 đặc trưng về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó, đặc trưng thứ 2 là: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”.
Đảng ta đã nhấn mạnh lực lượng sản xuất hiện đại, bởi Đảng muốn khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội không chỉ thể hiện trong quan hệ sản xuất mà cả trong lực lượng sản xuất. Đồng thời, “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” là cơ sở kinh tế khách quan để xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp cũng như xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Đại hội IX Đảng ta khẳng định: "ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Điều này có thể hiểu, trong điều kiện lực lượng sản xuất còn thấp kém, thì việc “ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất” là đòi hỏi cấp bách.
Cương lĩnh 2011 (Đại hội XI), đã bổ sung: ''Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp'', điều này là cần thiết và đúng đắn. Bởi, “tiến bộ” ở đây không mang tính chất chủ quan duy ý chí, mà có tính chất định hướng ở tầm vĩ mô, lựa chọn loại hình quan hệ sản xuất như thế nào cho vừa phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất, vừa phù hợp với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là sự định hướng chính trị trên cơ sở quy luật phát triển kinh tế.
Về quan hệ sản xuất, tại Đại hội VI, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất". Từ đó, Đảng ta đã quyết định, chuyển nền kinh tế từ mô hình, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sang thừa nhận sự tồn tại khách quan của nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất và thay đổi cơ chế quản lý, cơ chế phân phối.
Cụ thể, chuyển từ hình thức chủ yếu là công hữu về tư liệu sản xuất sang đa hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân; Đại hội VIII bổ sung hình thức sở hữu hỗn hợp); chuyển từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; chuyển từ cơ chế phân phối bình quân, cào bằng sang cơ chế phân phối theo hiệu quả lao động, theo vốn đóng góp và theo phúc lợi xã hội.
Đây là "một quá trình cải cách có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu và chỉ ra những nguyên tắc, phương hướng để thực hiện quá trình đổi mới kinh tế".
Điểm lại quá tình nhận thức và vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của Đảng trong quá trình đổi mới để thấy: trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, với điều kiện vật chất khác nhau, Đảng ta đã thường xuyên bổ sung lý luận phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ mới của lực lượng sản xuất. Sự phát triển vững vàng của đất nước cho đến thời điểm này là minh chứng cho sự vận dụng đúng đắn quy luật này vào từng giai đoạn phát triển của Việt Nam và là minh chứng cho ý nghĩa thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Hà Lê