Phát huy truyền thống và sức mạnh của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ở những thời khắc lịch sử quan trọng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được quan tâm đúng mức. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tình hình cách mạng Việt Nam đặt trong thời cơ và thách thức mới. Trước tình hình đó, Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 26-6-1992 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng ra đời. Qua quá trình thực hiện, những yếu kém trong nội bộ Đảng dần được khắc phục. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 02-02-1999, Nghị quyết số 10-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được ban hành. Trong đó, Nghị quyết đặc biệt quan tâm đến vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ.
Tiếp đó, ngày 16-01-2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 12-NQ/TW, về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Ngày 30-10-2016, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW, về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết như một “liều thuốc” cấp bách để chỉnh đốn Đảng, đồng thời sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021. Ảnh: Internet.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021) xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đối Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[1]. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Đây là những dấu mốc quan trọng khẳng định Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tức là sự khẳng định tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Vững vàng về chính trị sẽ tạo nên thế đứng vững chắc của Đảng, không dao động, chủ quan, buông lỏng; đó là sự thể hiện khát vọng, quyết tâm phấn đấu đến cùng; sự kiên định lập trường quan điểm sẽ xây dựng cho Đảng một bản lĩnh ngang tầm với thời đại, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân dân tin tưởng giao phó.
Đường lối của Đảng thực chất là ý nguyện của nhân dân. Tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng chính là khẳng định sự thắng lợi, sự đồng thuận của “ý Đảng - lòng dân”. Đảng là Đảng của dân, nên Đảng không thể “từ bỏ” nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sức mạnh của dân tộc, lợi ích của dân tộc chính là lợi ích của Đảng.
Đảng mạnh về chính trị là Đảng biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc hoạch định Cương lĩnh, đường lối chiến lược, sách lược cho phù hợp với từng thời kỳ, hoàn cảnh lịch sử. Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng Đảng về mặt chính trị là “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”[2].
Đảng vững về mặt chính trị chính là sự vững vàng về đường lối. Vững vàng không phải “chết cứng”, rập khuôn, không xoay chuyển, mà luôn phải có sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng đặt ra.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; tuy nhiên, trước sự thay đổi của tình hình thế giới khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Nhật nhảy vào Đông Dương, tại Hội nghị Trung ương tám (5-1941), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng xác định: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”[3].
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngày 9/12/2021. Ảnh: Internet.
Vững vàng về chính trị, tức là trong mọi hoàn cảnh Đảng không được dao động, hoài nghi, mà phải "vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[4].
Sau ngày Cách mạng Tháng tám, trước tình hình đất nước lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, để giữ vững chính quyền, bảo vệ nền độc lập của dân tộc, ngày 11-11-1945, Đảng ra “Thông cáo… tự ý giải tán” nêu rõ: “những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hi sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc”[5].
Đường lối của Đảng phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc, mọi quyền lợi phải gắn với quyền lợi của dân. Quá trình hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, bên cạnh những thắng lợi đạt được, chúng ta gặp phải không ít khó khăn gây cản trở quá trình phát triển của đất nước, đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Chúng cố tình hạ thấp, phê phán, hòng “tẩy trần” sạch sẽ chế độ xã hội chủ nghĩa bằng những lời lẽ vu cáo, thêu dệt, kích động hết sức gian xảo. Chúng thường tìm hiểu, nghiên cứu, nắm rõ hoàn cảnh, nội tình khó khăn của một bộ phận nhân dân. Chúng lợi dụng vào lòng tin của nhân dân, lợi dụng tôn giáo, đồng bào dân tộc ít người, nơi hẻo lánh, xa xôi, ít tiếp cận với thông tin; nơi có sự quản lý thiếu chặt chẽ của một số cơ quan cấp ủy, chính quyền địa phương...; với lời lẽ mị dân, mua chuộc, dụ dỗ, cung cấp tiền bạc, chúng vẽ ra thiên đường tương lai, hứa hẹn với những mỹ từ đầy “quyến rũ” để xúi giục nhân dân phản bội lại Đảng, phản bội lại Tổ quốc thân yêu của mình, qua đó thỏa mãn âm mưu làm chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân.
Trước tình hình đó, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng đã nhận diện rõ, đầy đủ âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội, từ đó lãnh đạo, định hướng toàn dân tộc tạo nên “bức tường thành” vững chắc, ngăn chặn và làm thất bại nhiều thủ đoạn chống phá của kẻ thù.
Như vậy, có thể nói, giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng chính là khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng - chính là sự kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đập tan những luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
TS Đoàn Phú Hưng