48 năm đã trôi qua kể từ khi gấm vóc non sông ta liền một dải, hòa bình thống nhất và Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà. Tuy nhiên để hiện thực hóa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước ta thực sự “dân chủ”, thực sự “giàu mạnh”, thì còn nhiều nhiệm vụ cần tiếp tục chung sức đồng lòng thực hiện, trong cả hiện tại và tương lai.
Hồ Chí Minh đi thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Cạn đang thu hoạch lúa mùa năm 1950. (Ảnh tư liệu).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là phải làm sao cho người dân có quyền làm chủ, có điều kiện làm chủ, biết hưởng quyền làm chủ, đồng thời biết dùng quyền làm chủ. Và để hiện thực hóa được những điều đó, nhân dân phải có năng lực làm chủ. Người cho rằng năng lực đó của dân không phải bỗng dưng mà có được, càng không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là do “ban phát”. Năng lực làm chủ của dân có được một khi Đảng, Nhà nước phải tạo ra cơ chế, chính sách, luật pháp thích hợp; đồng thời, người dân phải phấn đấu, rèn luyện, phải học dân chủ, phải nâng cao trình độ hiểu biết về dân chủ, phương pháp thực hành dân chủ và bản lĩnh thực hành dân chủ. Có như vậy, nhân dân mới có quyền dân chủ thực sự, tránh tình trạng dân chủ chung chung, dân chủ hình thức.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ thực sự của dân, do dân và vì dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Theo đó, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay phải dựa trên ba trụ cột chính đó là: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; và các tổ chức xã hội tự nguyện, hợp pháp của nhân dân.
Bên cạnh đó, còn phải không ngừng nâng cao dân trí, văn hóa pháp luật cho toàn thể xã hội (cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân…); lấy thực hành dân chủ trong Đảng làm trung tâm, dân chủ trong Đảng là hạt nhân để thực hiện dân chủ ngoài xã hội. Đảng cần tiếp tục đổi mới công tác lý luận, tư tưởng, tổ chức cán bộ, kiểm tra, phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ hơn nữa. Đảng phải thật sự thấm nhuần dân là gốc, dân là chủ và dân làm chủ; tránh dân chủ hình thức. Đảng phải giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng và công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng với việc chủ động nâng cao đạo đức trong Đảng, phải rất coi trọng việc nâng cao trí tuệ của Đảng, thu hút được nhiều nhân tài. Với dân, phải “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa[1].
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vấn đề khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[2].
Qua hơn 35 năm đổi mới, nước ta từ một nước đi lên giữa muôn vàn khó khăn, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đã trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi tiếng và đầy cảm hứng; vị thế, uy tín, cơ đồ, tiềm lực quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao. Theo một đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì: “Ngày nay hầu hết người Việt Nam đều được hưởng những điều kiện sống mà khó có thể tưởng tượng vào 30 năm trước, khi đất nước đang trên bờ vực sụp đổ về kinh tế và xã hội. Công cuộc “Đổi mới” bắt đầu vào năm 1986 đã đưa Việt Nam từ nhóm những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất”[3].
Năm 2022, khi thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn kinh tế, chính trị, hay dịch bệnh… thì theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương[4]. Mặt khác, việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025 (ngày 11/10/2022), một lần nữa đã chứng minh cho vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Theo đó, đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, như tinh thần Đại hội XIII của Đảng.
Từ những thành tựu đã đạt được, chúng ta càng thêm vững tâm, tin tưởng và tự hào, luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có niềm tin lớn lao với với chủ nghĩa xã hội, với con đường chúng ta đang đi: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”.
Nhâm Hồ