Là một thiết chế xã hội, gia đình được hình thành tương đối sớm. Từ gia đình huyết tộc, gia đình Pu-na-lu-an, gia đình cặp đôi đến gia đình một vợ, một chồng. Gia đình một vợ, một chồng là “hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa trên những điều kiện kinh tế”[1] . Trong hình thức gia đình này, vai trò của người chồng trong sản xuất cũng như trong đời sống gia đình ngày càng tăng. Đến đây, xã hội đã chuyển từ chế độ “mẫu quyền” sang chế độ “phụ quyền” , Ph.Ăngghen cho rằng “Chế độ mẫu quyền bị lật đổ là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới nữ”[2].
C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, ngay từ đầu tham dự vào quá trình phát triển lịch sử, con người không chỉ tìm kiếm, tạo ra của cải vật chất để nuôi sống mình mà còn tạo ra các mối quan hệ xã hội khác. Đó là “hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”[3]. Với quan niệm này, gia đình vừa có chức năng kinh tế, chức năng tổ chức đời sống gia đình, vừa có chức năng đáp ứng nhu cầu tình cảm và duy trì nòi giống.
Với tư cách là tế bào, là đơn vị cấu thành của xã hội, gia đình không chỉ là nơi duy trì, bảo tồn nòi giống mà còn là nơi lưu giữ, phát huy truyền thống, nền nếp gia phong; nơi mà tình yêu thương và sự sẻ chia không ngừng được vun đắp và tôn trọng; nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cũng là môi trường xã hội đầu tiên nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách của con trẻ. Tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII, Đảng ta chủ trương: “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”[4].
Gia đình là nơi lưu giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Việt Nam. Ảnh: Internet.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”[5]. Có nghĩa là, muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp thì xã hội đó phải được xây dựng trên nền tảng gia đình vững chắc.
Là sản phẩm của lịch sử, gia đình Việt Nam đã và đang có những thay đổi nhất định trong cấu trúc và quan hệ. Tuy nhiên những giá trị truyền thống tốt đẹp, như: tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu thương và sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau “như thể tay chân”; đức tính thủy chung, hiếu nghĩa; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; dũng cảm, bất khuất, kiên cường; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách… vẫn được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới,trở thành động lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Trong đó nêu rõ: “Lấy ngày 28 tháng 6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam”, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng, bên cạnh mặt tích cực, nó cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn, gây ra không ít hệ lụy đối với gia đình, trong đó có văn hoá gia đình, bởi “Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”[6]vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để. Hơn nữa, hiện nay tình trạng bạo lực gia đình chưa chấm dứt, số vụ bao hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng chưa có chiều hướng suy giảm; tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng con người vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em; bình đẳng giới chưa được tôn trọng…
Gia đình - nơi gắn kết, sẻ chiatình yêu thương, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Ảnh: Internet.
Trước thực trạng đó, tôn vinh “Ngày Gia đình Việt Nam”, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt, giữ gìn truyền thống, nền nếp gia phong, tình yêu thương và sự sẻ chia, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh có ý nghĩa hết sức to lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Để khắc phục các hạn chế trong đời sống gia đình, nhất là tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em,để “Ngày Gia đình Việt Nam” thực sự trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, trước mắt cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản:
Một là, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước về gia đình, nhất là Chỉ thị số11/CT-TTg (ngày 29/3/2017) của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và Quyết định số1163/QĐ-BVHTTDL (ngày 02/04/2021) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông về gia đình để cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tầm quan trọng của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục, phát triển nhân cách con trẻ cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ba là, chủ động và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và giá trị gia đình Việt Nam.
Cùng với việc đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, cũng cần kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, gia đình tốt theo như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để… xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[7].
[1]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t. 21, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 103-104
[2]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t. 21, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr 93
[3]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t. 3, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 41.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2014, tr.47
[5]Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.300
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2014, tr.45
[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.672
Tuyết Mai