Gia đình là tế bào của xã hội, sự tồn tại và phát triển của gia đình luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của kinh tế - xã hội. Nhưng với tư cách là tế bào của xã hội, gia đình không chỉ là nhân tố thụ động chịu tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mà ngược lại “gia đình là một yếu tố năng động: nó không bao giờ đứng yên một chỗ”[1].Vì vậy, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân gia đình cho tốt. Khẳng định điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”[2]. Nhưng quan tâm đến gia đình phải được bắt đầu từ việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam, làm căn cứ để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[3]. Hệ giá trị gia đình đã được Đảng ta nêu lên qua nhiều kỳ Đại hội và được xác định rõ trong hai nhiệm kỳ Đại hội XII và XIII, gồm 4 giá trị cốt lõi là: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh[4]. Đây là nhận thức mới của Đảng về vai trò, vị trí trung tâm của gia đình với tư cách là “một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước”[5]. Đặc biệt, khi Việt Nam đang ngày càng tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, việc xây dựng "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" sẽ phác họa nên những nét khác biệt so với các dân tộc khác. Việc xác định “hệ giá trị gia đình Việt Nam” là cơ sở, là trung tâm để xây dựng hệ giá trị văn hóa con người, hệ giá trị quốc gia lại càng trở nên cần thiết và cấp thiết hơn.
Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa con người Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gia đình vừa là cội nguồn sản sinh, đồng thời là cội nguồn lưu giữ, trau truyền mọi giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng giá trị và nuôi dưỡng nótrong thời kỳ mới, Đảng ta yêu cầu việc xác định và triển khai xây dựng “hệ giá trị quốc gia”, “hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người”. Nhưng việc xây dựng "hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người" của Việt Nam mà không có những căn cứ xác đáng, rất có thể làm cho những giá trị đó không gắn với nguồn gốc, không có cội nguồi nuôi dưỡng, và khi đó mọi giá trị sẽ trở nên sáo rỗng, hình thức.
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên góp phần hình thành và nuôi dưỡng định hướng nhân cách con người, đặc biệt là con trẻ. Hơn thế nữa, gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, là nơi lưu truyền “hệ giá trị quốc gia” (gồm các giá trị như: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc), “hệ giá trị con người Việt Nam” (gồm các giá trị chủ yếu: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo), “hệ giá trị gia đình Việt Nam” (no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh). Đó chính là một bước nhận thức mới rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới.
“Đối với xã hội - Việt Nam là một xã hội coi trọng gia đình”[6], việc xác định hệ giá trị gia đình Việt Nam là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người, nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã chủ động đưa ra những quan điểm mới về gia đình và xây dựng gia đình trong tình hình mới. Qua đó cho thấy, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững sẽ là điểm tựa quan trọng để “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[7], dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Anh Đặng