Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; ban hành chính sách thưởng xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; chính sách cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn; phát động phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”.
Với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời đó, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đông đảo nhân dân.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm đặc biệt. Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung các cây con chủ lực theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, ứng dụng công nghệ cao gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các hình thức liên kết sản xuất. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được các doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Phú Hà
(ảnh: internet)
Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều qua các năm. Toàn tỉnh có 130/196 xã đạt tiêu chí thu nhập; 170/196 xã đạt tiêu chí về giảm hộ nghèo; 188/196 xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm; 192/196 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất. Diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét.
Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả. Công tác quản lý, điều hành thực hiện Chương trình được quan tâm thực hiện. Bộ máy chỉ đạo và bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn đồng bộ.
Đến cuối năm 2021, tỉnh Phú Thọ có 118/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 15,9 tiêu chí trên một xã; 2 huyện Lâm Thao và Thanh Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 13/13 huyện, thành, thị đều có xã đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã đạt dưới 8 tiêu chí. Hoàn thành vượt ở mức cao các mục tiêu kế hoạch thực hiện chương trình trong giai đoạn 2016-2020.
Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
(ảnh: phutho.gov.vn)
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương, cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở còn chậm. Phát triển sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc thu gom xử lý rác thải, nước thải ở một số địa phương còn chưa đảm bảo, cảnh quan môi trường ở một số địa phương còn chưa được sạch đẹp...
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với tiêu chí giảm nghèo bền vững, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những năm tới. Từ những kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn trước, để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã đề ra, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng nông thôn mới, phải phân công trách nhiệm, phân cấp rõ ràng, cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Xây dựng hoàn thiện bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình, thành lập, củng cố bộ máy tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo các cấp đủ mạnh, chuyên trách, chuyên nghiệp. Phát huy vai trò của cán bộ chủ chốt là hết sức quan trọng, thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền (đặc biệt là cấp huyện), đoàn thể đoàn kết, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt, thì ở nơi đó sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét và đạt được kết quả tốt trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hai là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng đối với phong trào xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận. Phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quyết định đến tính bền vững của kết quả xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; lấy sự hài lòng của người dân là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đưa ra giải pháp, cam kết tiến độ xử lý để bảo đảm xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ba là, xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân nông thôn. Do đó, phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bốn là, việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm có vai trò rất quan trọng, giúp đúc kết, phát hiện cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, làm cơ sở nhân rộng, tạo sự lan tỏa tới các địa bàn. Song song với việc xây dựng mô hình điểm, phải có hệ thống chính sách đủ mạnh để hỗ trợ chính quyền, nhân dân các địa phương, đồng thời, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Năm là, trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước có hạn, phải đa dạng hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, tín dụng, các tổ chức, đóng góp của nhân dân,....); đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Thuý Hằng