Các nghiên cứu về già hóa dân số trên thế giới đã chỉ ra tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động đến mọi chiều cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Dễ dàng nhận ra nhất đó là sự khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế và lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với chăm sóc cho người cao tuổi… Thực tiễn của các quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang phải đối diện với thách thức của dân số già tác động đến nền kinh tế và hệ thống lương hưu, bảo trợ xã hội cũng như thị trường lao động là bài học kinh nghiệm tham chiếu cho Việt Nam hiện nay.
Thực trạng chính sách xã hội đối với người cao tuổi
Theo UNFPA (2011), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số[1]. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa và ước tính vào năm 2049, nước ta sẽ có 26,10% là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên)[2]. Điều đáng nói, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi đó quá trình này ở các quốc gia phát triển thường kéo dài hàng trăm năm.
Đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; hơn 7 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%)[3]. Trong tổng số người cao tuổi hiện chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu và 1,7 triệu người có trợ cấp xã hội và mới có khoảng 10 triệu người cao tuổi tham gia bảo hiểm y tế (đạt 95%). 5% còn lại chủ yếu là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và từ mục tiêu bản chất của việc xây dựng chế độ xã hội mới, nội dung bao trùm trong chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi đều nhấn mạnh đến công tác bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó bao hàm cả lĩnh vực sức khoẻ, việc làm, văn hóa, thể thao, du lịch; lĩnh vực giao thông cũng như xây dựng và quản lý hiệu quả quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…
Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của việc giải bài toán già hóa dân số trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ngày 22/11/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó Chính phủ đã đưa mục tiêu duy trì mức sinh thay thế là mục tiêu đầu tiên để góp phần giải quyết bài toán ứng phó với quá trình già hóa nhanh dân số và nhấn mạnh đến các giải pháp ứng phó với vấn đề già hóa dân sốở nước ta hiện nay. Đồng thời, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, với dự báo Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới thì trong tương lai việc ứng phó với những áp lực dân số già, tỷ trọng dân số phụ thuộc tăng nhanh trong bối cảnh vừa phải giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội vừa phải nỗ lực vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thì Việt Nam sẽ có những thách thức không nhỏ đối với việc xây dựng chính sách xã hội thích ứng với già hóa dân số.
Những hàm ý chính sách xã hội đối với người cao tuổi
Thứ nhất, cần rà soát tổng thể các chính sách xã hội cho người cao tuổi hiện nay và tập trung vào các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để đánh giá một cách tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu và khoảng trống của chính sách để từ đó từng bước xây dựng một hệ thống chính sách xã hội tổng thể, bao trùm đối với nhóm người cao tuổi từ chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội, việc làm phù hợp và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc người cao tuổi, khai thác các tiềm năng, thế mạnh từ nguồn lực của người cao tuổi một cách tối ưu sẽ góp phần giải quyết những “khủng hoảng” của dân số già mà các nước đã và đang trải qua. Với một quốc gia đang trong quá trình vượt lên “bẫy thu nhập trung bình” thì việc vừa khai thác lợi thế dân số vàng vừa xây dựng chính sách thu hút người cao tuổi vào thị trường lao động là một chiến lực mang tính dài hơi và hiệu quả.
Giúp người cao tuổi tăng thu nhập từ việc làm phù hợp với lứa tuổi. Ảnh: Internet.
Thứ hai, phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đa dạng hơn, phù hợp với các nhóm xã hội người cao tuổi theo giới, nơi ở, thu nhập và các nhóm tuổi của người cao tuổi. Giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội đối với nhóm người cao tuổi trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Hệ thống Khoa lão khoa ở các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện cần có chiến lược dài hạn và đầu tư nguồn lực. Cần chú ý cải thiện cơ hội tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc y tế có khả năng chi trả và thân thiện đáp ứng đa dạng các nhóm xã hội người cao tuổi.
Thứ ba, một trong những mối quan tâm hàng đầu của người cao tuổilà bảo đảm thu nhập. Vì vậy, để giúp người cao tuổi tăng thu nhập từ việc làm thì việc tăng cường hơn nữa khả năng tham gia thị trường lao động của người cao tuổi, thích ứng với bối cảnh già hóa dân số và suy giảm nguồn cung lao động thì ở cấp độ quốc gia, gia đình và cá nhân cần có những giải pháp và lộ trình phù hợp hướng đến tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi.
Thứ tư, trong bối cảnh xu hướng nữ hóa người cao tuổi, thì việc quan tâm đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhóm nữ cần tính đến những yếu tố đặc thù theo giới. Trong tương quan với nhóm nam giới, phụ nữ là nhóm dễ tổn thương hơn, tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cũng cao hơn và sự đối mặt cuộc sống độc thân, cao hơn nam giới. Không nên áp dụng một chính sách chung đồng nhất cho nhóm người cao tuổi thiếu nhạy cảm giới. Chính sách xã hội cần đảm bảo sự bao trùm và tính đến sự đa dạng về các chiều cạnh: giới tính, độ tuổi, dân tộc, giáo dục, thu nhập và sức khỏe. Sàn an sinh xã hội cần phải được thực hiện bảo đảm cho nhóm nữ được tiếp cận đến các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu cho người cao tuổi trong đó chú ý tính đặc thù của giới tính nữ. Đặc biệt trong nhóm người cao tuổi có nhóm dễ tổn thương nhất như nhóm già nhất, không biết chữ, sống vùng sâu vùng xa, người đồng bào dân tộc thì chính sách xã hội cần có những chương trình và mô hình can thiệp dành riêng cho nhóm này.
Hà Linh