Từng câu thơ trong bài “Tình quê tình nước” của nhà thơ Kiên Giang đều sáng bừng lên biết bao cảm xúc, như chứa đựng tình yêu lớn nhưng rất đỗi thân thuộc dành cho quê hương đất nước. Lòng yêu nước là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, thuần khiết nhất, đáng trân trọng và tự hào nhất, nó tỏa sáng rực rỡ và không thể bị vấy bẩn bởi sự xuyên tạc và thù địch.
Từ rất lâu rồi tôi đã thuộc như nằm lòng bài thơ Tình quê tình nước của nhà thơ Kiên Giang, trong đó 02 câu:
Ai yêu nước Việt hơn người Việt
Nhau rốn chôn sâu giữa đất lành
như lời tâm tình bất tận về trái tim yêu thương của mỗi con người Việt với quê hương của mình!.
Vâng, tình yêu ấy bắt đầu và kết thúc đều được bắt nguồn từ nơi đất Việt! Nghĩa là, cái sự yêu đó không bị chi phối bởi bất cứ lý do gì và luôn gắn bó, cố kết, đùm bọc, che chở và giúp đỡ lẫn nhau để chống lại thiên tai, địch họa và cả dịch bệnh, để cùng đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc!
Bác Hồ, vị cha già của dân tộc Việt Nam đã luôn tự hào về điều đó khi cho rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Song bên cạnh những con dân đất Việt đáng được tự hào đó, Người cũng đã chỉ ra phương án “chỉ trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”[2].
Phép loại trừ này của Người đã chỉ rõ bọn “đại Việt gian” chính là một nhóm người “không yêu nước” hoặc cũng có không ít kẻ đã “đội lốt yêu nước” để đánh bóng tên tuổi của mình và thực hiện âm mưu chống phá nhà nước Việt Nam.
Yêu tổ tiên, yêu ông bà, yêu cha mẹ là bắt đầu cho một tình yêu trọn vẹn cùng Tổ quốc. Biểu tượng của lòng yêu nước sâu thẳm nhất các vua Hùng để lại qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước đã kết tinh sâu sắc nét đẹp văn hóa của dân tộc. Hình ảnh Vua Hùng cày ruộng mở ra trang mới ở thời đại Hùng Vương – người dân biết trồng lúa nước và sau đó tích lũy để hình thành nên môi trường văn hóa lúa nước cho đến hôm nay. Từ đó, lòng tôn kính và sự biết ơn với tổ tiên cùng các đấng sinh thành ra mình trở thành biểu tượng cao cả trong tâm thức của mọi người con đất Việt chân chính! Trong bối cảnh mới, cần thiết phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển đất nước, song chúng ta không bao giờ để mất những biểu tượng thiêng liêng đã được hình thành từ thời các vua Hùng trong lòng dân tộc Việt hiện nay.
Song “bọn Việt gian” không nghĩ và không làm như vậy! Chúng biến những điều đó thành những âm mưu có kế hoạch để tổ chức thực hiện các nội dung chống phá theo quy mô và cấp độ khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu với các công trình lớn nhỏ khác nhau đã lên tiếng, trước tiên là bảo vệ giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc, sau là vạch trần bộ mặt thật của “bọn Việt gian”.
Trong loạt bài Thế nào là yêu nước? được đăng tải 6 kỳ trên blog của VOA, một tác giả đã say sưa hùng biện về “lòng yêu nước” và đã đi đến kết luận: "yêu nước, thật ra, là yêu những điều mình, hoặc người khác muốn mình, tưởng tượng".
Ẩn đằng sau dưới cái "mác" trí thức với một mớ chữ nghĩa tỏ ra “rất uyên thâm”, mục đích của bọn chúng là muốn gieo vào người đọc một sự “mơ hồ”. Thật trớ trêu, từ luận điểm này “bọn Việt gian” đã cho thấy cái gọi là “yêu nước” của chúng thực chất là điều không có thật. Tính chất phản động bộc lộ ngay ở tâm niệm “người khác muốn mình”! Tâm niệm này chẳng khác nào hình ảnh “cõng rắn cắn gà nhà”- tái hiện lại nỗi đau của lịch sử dân tộc mà nhân dân đất Việt không bao giờ muốn nhắc lại. Phớt lờ tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc để nhường chỗ cho điều "người khác muốn" không chỉ thể hiện sự vong ơn, bội nghĩa với Tổ quốc mà còn biểu đạt rõ tính chất phản động của bọn chúng. Cái gọi là “lòng yêu nước” của chúng được xuất phát từ thiên kiến đối với chế độ hơn là từ suy nghĩ thành tâm của một công dân mang trái tim của người con đất Việt.
Văn hào Nga Ylia Erenbua đã từng viết trong một bài luận văn nổi tiếng về lòng yêu nước, rằng: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Nguồn cội của tình yêu nước ở đâu cũng vậy, có chăng chỉ khác nhau ở cách trao gửi. Cách trao gửi của những người con yêu đất Việt luôn là:
Quê hương là máu, là xương thịt,
Tranh đấu từ bao nhiêu thế kỷ,
Bảo tồn gấm vóc đến muôn đời.
Còn sống ngày nào trên đất nước,
Nếu ai xâm chiếm đến quê hương,
Tình quê sẽ hóa ra tình nước:
Tình nước đúc thành súng với gươm.
(Tình quê, tình nước – Kiên Giang)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.516
Phương Nam