Việc xây dựng văn kiện luôn được đặc biệt quan tâm
Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2026. Để chuẩn bị cho Đại hội, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị và Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội XIV của Đảng. Để giúp việc Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện. Điều đó cho thấy, quá trình chuẩn bị nhân sự cho việc xây dựng văn kiện được tiến hành rất công phu, bài bản với sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, luôn tâm huyết, trách nhiệm với vận mệnh của đất nước.
Đại hội lần thứ XIV của Đảng được xác định là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước và dân tộc ta. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); hướng tới dấu mốc đất nước ta 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trước những mốc son có tính bước ngoặt lịch sử này, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất trông đợi, kỳ vọng lớn vào những quyết sách mới, mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng mang tính đột phá. Bởi vậy, tại nhiều hội nghị quan trọng, Đảng ta luôn chỉ rõ Báo cáo chính trị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, phải thật sự có chất lượng, thật sự là cơ sở định hướng cho các văn kiện khác, thậm chí là “ánh sáng soi đường” cho những kỳ Đại hội tiếp theo.
Đảng ta cũng luôn nhấn mạnh đến việc quán triệt các nguyên tắc trong xây dựng văn kiện, đặc biệt là ba nguyên tắc cơ bản như kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách. Trong đó, kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên định đi đôi với đổi mới, sáng tạo nhưng phải có nguyên tắc, không tùy tiện, nóng vội, vừa thận trọng, kỹ lưỡng, song không quá cầu toàn, làm mất thời cơ. Tổng kết 40 năm đổi mới lần này, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện, đã đưa ra lý luận về đường lối đổi mới của Đảng và cần coi đây là cơ sở để chúng ta đề xuất, bổ sung lý luận về đường lối Đổi mới vào trong nền tảng tư tưởng của Đảng.
Báo cáo chính trị của Đại hội XIV của Đảng được xác định là công trình kết tinh trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên phải phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý; chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế. Do đó, để hoàn thiện dự thảo các văn kiện, Đảng ta đã chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Như vậy, việc xây dựng văn kiện luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị cần huy động trí tuệ tập thể và trách nhiệm tham gia góp ý của nhân dân.
Bước đột phá mới từ tích hợp 3 văn kiện
Tại Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải được hoàn thiện theo hướng:
(1) Bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phản ánh đúng thực tiễn phát triển của đất nước, nhất là những thành tựu vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... với quan điểm chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay là bởi sự kết tinh ngàn năm văn hiến của Dân tộc, đặc biệt là thành quả của 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, 80 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm đổi mới và sự đóng góp, sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ Đảng viên, của lớp lớp quần chúng nhân dân.
(2) Định rõ các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIV và tầm nhìn đến năm 2045, 2050 và xa hơn nữa, gắn với 2 mục tiêu: 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
(3) Nhấn mạnh các động lực phát triển mới, bao gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, và khai thác hiệu quả lợi thế của hội nhập quốc tế sâu rộng.
(4) Khẳng định vai trò then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; tăng cường kiểm soát quyền lực; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao năng lực quản trị quốc gia và điều hành hoạt động của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
(5) Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV hoàn thiện Văn kiện, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Đảng và toàn xã hội, đảm bảo chất lượng, đồng thuận và tầm vóc chiến lược.
(6) Các báo cáo Tổng kết thi hành điều lệ Đảng; Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới cũng cần được tiếp tục hoàn thiện với tinh thần đã nêu để thật sự trở thành nền tảng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng và nền tảng cho việc hoạch định các chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.
Trung ương quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt để trình Đại hội XIV của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Sở dĩ có sự tích hợp như vậy là vì sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... là thống nhất, toàn diện, đồng bộ, không tách rời. Hơn nữa, Đảng ta đã xác định: Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, trong đó: phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên. Các nhiệm vụ này cần được phải thống nhất trong một văn kiện, không thể chia lẻ từng nhiệm vụ và càng không phải mỗi nhiệm vụ là một báo cáo riêng.
Việc tích hợp 3 báo cáo thành báo cáo chính trị cũng đảm bảo tính thống nhất, tránh các nội dung trùng lặp, thậm chí khắc phục cả những nội dung thiếu thống nhất trong 3 báo cáo. Điều này cũng thống nhất với chủ trương của Trung ương là dự thảo văn kiện cần thường xuyên được cập nhập tình hình, đồng thời cần được rút ngắn, cô đọng ít nhất là 30 - 40%.
Như vậy, các hội nghị Trung ương gần đây, nhất là Hội nghị Trung ương 12 mới diễn ra đã cho thấy rõ quyết tâm của Đảng trong hoàn thiện văn kiện với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá. Điều đó tạo ra xung lực mới để Đảng ta chuẩn bị tốt các điều kiện tiến hành thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng.