Hòa bình được đánh đổi bằng biết bao hi sinh
Trên thế giới này, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam bởi trong mấy nghìn năm lịch sử đã có hơn một nghìn năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm. Nếu chỉ tính từ khi cuộc kháng chiến chống Tần xâm lược cho đến nay, trải qua hơn 20 thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã phải trực tiếp kháng chiến đến khoảng 13 thế kỷ trong thời kỳ Trung đại. Đến thời kỳ cận hiện đại cũng phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới như phát xít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Chịu đựng những mất mát hy sinh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam nhận thấy rõ giá trị của hòa bình, của độc lập và tự do. Để giành và bảo vệ được những giá trị đó, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến để chống lại các thế lực ngoại xâm.
Nhân dân Việt Nam luôn thiết tha yêu chuộng hòa bình, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh xảy ra. Nhưng vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc, cũng như nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng đối với Tổ quốc mà nhân dân ta, cả hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến cũng như hậu phương buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bao thế hệ ông cha đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình; bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống, giao hữu, hợp tác trong thanh bình; cùng chung tay xây dựng một đất nước phát triển vững mạnh, giàu đẹp, ngày càng khẳng định vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Sự hi sinh đó đã hóa thân vào dáng hình của đất nước, hun tạc lên một vóc váng Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng rất đỗi kiêu hùng.
Chiến thắng 30/4/1975 là sự khẳng định với toàn thể thế giới về ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cái giá cho nền hòa bình của dân tộc, cho sự bình yên của từng gia đình là vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được. Bởi, hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam đã phải đánh đổi vô vàn máu xương của biết bao thế hệ cha ông, để nhuộm đỏ lá Quốc kỳ thiêng liêng, để bản Quốc ca trở thành giai điệu hào sảng nhất mãi được cất lên dưới bầu trời tự do. Để cho dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” sẽ mãi là lời nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về sự trân quý và trách nhiệm gìn giữ giá trị của hòa bình!
Cũng không nơi đâu như Việt Nam, trên dải đất hình chữ S bé nhỏ có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ; 1,2 triệu liệt sĩ và gần 100.000 thương binh, bệnh binh. Những con số biết nói ấy đã có sức mạnh to lớn, gợi nhắc chúng ta về giá trị của hòa bình.
Phát huy giá trị cao đẹp của hòa bình
Hòa bình là một trạng thái lý tưởng của hạnh phúc và tự do, là sự yên bình giữa các quốc gia và của tất cả mọi người trên thế giới. Khát vọng hòa bình là khát vọng chung của cả nhân loại, khát vọng chính đáng mà mỗi quốc gia, mỗi con người đều hướng đến.
Trong tác phẩm “Nhật ký hành trình” (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”. Người cũng căn dặn: “Qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng rất anh dũng mới có độc lập, hòa bình, nên phải xây dựng và bảo vệ cho tốt”.
Hòa bình không phải là sẵn có, luôn có và dễ dàng có được nên phải trân trọng, bảo vệ và giữ gìn. Việt Nam hiện nay tuy là nước đang phát triển, có mức độ tăng trưởng chỉ ở mức khá nhưng lại có một môi trường lý tưởng mà nhiều quốc gia muốn hướng tới. Đó là môi trường hòa bình, an toàn và thân thiện. Việt Nam cũng là quốc gia có tình hình chính trị ổn định, nhân dân được sống và làm việc trong một xã hội yên bình. Những sự thay đổi được đánh dấu bằng những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng cũng hướng đến mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, giàu mạnh, tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam củng cố, bảo vệ nền hòa bình dân tộc và góp phần gìn giữ nền hòa bình thế giới.
Nhờ đó, từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ và đóng góp ngày càng quan trọng vào nhiệm vụ quốc tế để khẳng định vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế. Ngày nay, khi nói về Việt Nam, người ta không chỉ nhắc đến một đất nước đã đi qua những cuộc chiến tàn khốc nhất, một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường bậc nhất; mà hơn hết Việt Nam đang trở thành một điểm đến hòa bình của nhiều đối tác và bạn bè quốc tế hay một xứ sở yêu chuộng hòa bình và đang làm tất cả những gì có thể để duy trì nền hòa bình quý giá.
Trong không khí cả nước hướng về những ngày tháng Tư lịch sử, về sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hiểu về giá trị của hòa bình để mỗi chúng ta càng thêm trân trọng, giữ gìn và phát huy bằng việc chung tay góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.