Hành trình không mệt mỏi của người cộng sản kiên trung
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Những chuyến đi này không chỉ giúp Người tìm hiểu về tình hình thế giới, học hỏi tư tưởng cách mạng, nghiên cứu mô hình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lý luận cách mạng phù hợp với Việt Nam, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân lao khổ trên toàn thế giới.
Ở châu Á, Người đã nhiều lần đến Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Bát Lộ Quân (Trung Quốc) để vận động thành lập các tổ chức cách mạng; từng sang Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Myanmar… để xúc tiến quan hệ với phong trào giải phóng dân tộc.
Sang châu Âu, năm 1913, Người từng đến Anh quan sát đời sống công nhân; 1919–1923 sinh sống tại Pháp, tham gia Hội Người Việt Yêu Nước và Đảng Cộng Sản Pháp; 1923–1924 làm việc ở Liên Xô, nghiên cứu sâu về chủ nghĩa Mác–Lênin; từng qua Đức, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ… trong quá trình hoạt động.
Tại châu Mỹ, năm 1912–1913 Người đặt chân đến Boston và New York để tìm hiểu thực tiễn tư bản chủ nghĩa; sau đó đi qua Mexico, Brazil, Argentina, Cuba nghiên cứu phong trào cách mạng Mỹ Latinh.
Đến châu Phi trên các chuyến tàu biển, Người đã đi qua Algeria, Tunisia, Ai Cập… quan sát phong trào chống thực dân, mở rộng tầm nhìn quốc tế.
Những chuyến đi này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh: Tìm kiếm con đường cứu nước phù hợp cho dân tộc Việt Nam; Tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào cách mạng Việt Nam; Mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ cho cách mạng Việt Nam. Quan sát, nghiên cứu mô hình đấu tranh, rút kinh nghiệm cho phong trào cách mạng trong nước.
Ở bất cứ nơi nào đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn tìm hiểu sâu sắc thực tiễn đấu tranh của các dân tộc, rút ra những bài học sinh động về cách thức giải phóng con người khỏi áp bức, hướng đến hoà bình và tự do thực sự. Từ cuộc gặp gỡ với cộng đồng công nhân Anh, nông dân Ấn Độ, đến phong trào giải phóng thuộc địa ở châu Phi, Người truyền cảm hứng cho mọi tầng lớp lao động và các nhà hoạt động dân chủ. Hình ảnh Người “đi khắp năm châu” để đấu tranh cho quyền dân tộc đã khơi dậy niềm tin vào một thế giới đa cực hòa bình. Trên nền tảng tư tưởng ấy, Hồ Chí Minh được thế giới công nhận như một biểu tượng của hòa bình, độc lập dân tộc và công lý, là tấm gương “vừa là chiến sĩ cách mạng, vừa là người bạn quý của nhân dân lao động toàn cầu”.
Dấu ấn sâu đậm của người mang giá trị của nhân loại
Trong cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn kết giai cấp vô sản ở nhiều nơi trên thế giới. Đến hôm nay, hình ảnh Người vẫn được nhiều quốc gia, dân tộc lưu giữ bằng tình cảm trân trọng, và sự ngưỡng mộ đặc biệt. Đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan, Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...). Ngoài ra, có rất nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italia có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Điều đó ghi nhận tầm ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới. Đồng thời cũng khẳng định giá trị và lan tỏa giá trị của văn hóa, con người Việt Nam.
Đặc biệt, cho đến nay các nhạc sĩ Việt Nam và trên khắp thế giới đã có rất nhiều những bài hát về Hồ Chí Minh. Năm 1955, nghệ sĩ dân gian Ewan MacColl (Anh), đã viết một bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh - “Bài ca Hồ Chí Minh” - một tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới. Những câu ca về Bác vượt trùng khơi đến năm châu gieo niềm tin, hun đúc ý chí sắt son chống áp bức là nguồn cảm hứng bất tận cho khát vọng tự do, hạnh phúc của nhân loại[1].
Nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác nhiều ca khúc trân trọng và ca ngợi công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đem lại hạnh phúc cho đồng bào. Trong số đó, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Phạm Tuyên vẽ nên hình ảnh Bác như tấm gương sáng ngời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Để ghi nhận những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với nhân loại, tại khoá họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, Pháp từ ngày 20/10-20/11/1987 đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Trong Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969, đã đánh giá về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”; “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. “HỒ CHỦ TỊCH là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”[3].
Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là tấm gương về xây dựng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất nhân cách và trở thành biểu tượng, chuẩn mực của những giá trị tốt đẹp nhất của nhân loại, là biểu tượng sáng ngời cho những lý tưởng chân chính, ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho khát vọng của nhân loại, hướng đến tự do, ấm no, hạnh phúc. Năm 1923, trong bài Thăm một chiến sĩ cộng sản - Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang toả ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”[4].
Năm 1990, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[5].
Ngoài các công trình, di tích vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều nơi trên thế giới, còn một điều chắc chắn rằng, tinh thần nhân văn, bác ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sẽ còn mãi, sẽ càng ngày càng tỏa sáng trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế như một biểu tượng sáng ngời trong những giá trị tốt đẹp nhân loại.
[1] Xem: http://www.hoinhacsi.vn/ballad-ho-chi-minh-bai-ca-bat-hu
[2] Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009, Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.627, 628
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 1, tr.462
[5] UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37