Thấm thoắt đã hơn 80 năm Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ. Từ năm 1940, dân ta “một cổ hai tròng” khi quân Phiệt Nhật vào Đông Dương. Thời gian cứ thế trôi, đến một ngày lịch sử…
Chiến tranh thế giới II bùng nổ tháng 9-1939, dần lan tràn khắp thế giới, lôi cuốn 72 nước tham gia, động viên 110 triệu quân, làm chết 50 triệu người, 34 triệu người bị thương, chi phí 935 tỷ đô la, thiệt hại vật chất 4.000 tỷ đô la; chưa tính đến hàng chục triệu người chết vì nạn đói, bệnh dịch, bom đạn do quân phát xít tàn sát1...
Ở Việt Nam, chính quyền thực dân thi hành chính sách cai trị thời chiến cực kỳ phản động của đế quốc – phát xít Pháp- Nhật trên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đẩy mọi tầng lớp nhân dân, trừ các phần tử tay sai của đế quốc, địa chủ lớn, tư sản mại bản, vào một thảm họa mới khốn cùng đến tột độ.
Tình hình thế giới và trong nước đặt ra cho cách mạng nước ta nhiệm vụ mới: phải trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, “sẽ tiến tới vấn đề dân tộc giải phóng” như Thông cáo cho các cấp bộ Đảng của Trung ương Đảng, ngày 29-9-1939, nhận định. Trước tình hình đó, từ ngày 6 đến ngày 8- 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Hóc Môn- Gia Định), quyết định chủ trương mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị. Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị nhận định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng, độc lập… Căn cứ vào những biến đổi trên quốc tế và trong Xứ và sự chuyển biến mới của phong trào cách mệnh thế giới và Đông Dương, Đảng ta phải thay đổi chính sách”2.
Cột mốc 108, nơi Nguyễn Ái Quốc đặt chân về Tổ quốc sau 30 năm
bôn ba tìm đường cứu nước
Chính vào thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang trên đường trở về Tổ quốc. Ý định về Tổ quốc đã được Người nung nấu từ nhiều năm trước đây. Sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con dường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, năm 1923, Người đã chủ trương “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”3. Nhưng do phải đảm nhiệm một số công tác của Quốc tế Cộng sản (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và ở các thuộc địa Đông Dương, Miến Điện, Xiêm, Đài Loan, Philíppin; Ủy viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, trực tiếp làm Cục trưởng Cục phương Nam...); trong nước, theo lệnh chính quyền Pháp, Tòa án Nam triều kết án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc (1929), nên Người chưa trở về Tổ quốc được, mặc dù có thời gian đã về gần biên giới và luôn theo dõi sát, chỉ đạo thường xuyên phong trào cách mạng trong nước. Nhưng ý định trở về Tổ quốc không lúc nào nguôi trong tâm trí Người.
Năm 1935, học xong một khóa bồi dưỡng ở Trường Quốc tế Lênin (Mátxcơva), Người đã bày tỏ: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc tôi”4. Khi gặp đồng chí Hoàng Văn Nõn (tức Như, Tú, Hưu), Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đại biểu Đảng tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, sau Đại hội theo học lớp ngắn hạn tại Trường đại học Phương Đông, Người đã trao đổi về vị trí của Cao Bằng và chỉ rõ Cao Bằng có những điểu kiện để xây dựng chỗ đứng chân, căn cứ cách mạng để chuẩn bị lực lượng về mọi mặt. Sau đó, Người đã chỉ thị Ban lãnh Đảng : “Trung ương Đảng phải chuyển về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào”5.
Từ tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua chặng đường dài gian khổ, nguy hiểm, từ Mátxcơva (Liên Xô) đi Lan Châu (Cam Túc, Trung Quốc), Tây An, Diên An, Điên Quế Lâm, Hồ Nam, Trùng Khánh, Côn Minh đến Tĩnh Tây (Quảng Tây), vào đầu tháng 12-1940, để tìm đường về nước. Sau khi cân nhắc kỹ, Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Cao Bằng làm đất “đứng chân” đầu tiên để từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn quốc. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”6.
Làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây) là điểm dừng chân cuối cùng ở nước ngoài của Nguyễn Ái Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 7 km. Ở đây, Người đã mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Cao Bằng theo đường lối và phương pháp cách mạng mới, chuẩn bị cho việc tổ chức thí điểm các đoàn thể cứu quốc ở Cao Bằng sau này; đã cùng đồng chí, nhân dân địa phương đón Tết Tân Tỵ, thăm hỏi, chúc Tết bà con nhân dịp năm mới. Sáng ngày 28-01-19417 (Mùng 2 Tết), Nguyễn Ái Quốc cùng các các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), một nơi “bí mật” có “hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui”, đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất Tổ quốc.
Người đứng lặng hồi lâu, bồi hồi xúc động. “Vùng này núi đất xen với núi đá, địa thế hiểm trở. Những chòm nhà nhỏ của đồng bào Nùng nằm thưa thớt giữa những nương ngô trên sườn núi hay bên những thửa ruộng nhỏ dưới thung lũng. Sương trắng từng dải đọng trên các đầu núi. Khung cảnh Pác Bó hiện ra trước mắt như một bức tranh thủy mạc”. Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày 05-06-1911, khi Người xuống tàu rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân; sau gần 30 năm, qua nhiều châu lục, Người mới có điều kiện trở về Tổ quốc, trực tiếp cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện ham muốn tột bậc: làm sao cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc.
Người về nước khi đất trời đang vào Xuân, hoa nở thắm núi rừng; mùa Xuân - mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước. Người về sau bao nhiêu năm xa nước, hoạt động từ Đông sang Tây, trở về góc rừng hoang vắng của Tổ quốc với bộ quần áo chàm giản dị, rất tự nhiên trong vai một ông già người Nùng. Gần chỗ Người ngồi, dưới chân những khối nhũ đá nhấp nhô, hình thù kỳ dị, nước từ khe núi chảy ra đọng lại trong vắt. Người trỏ dòng nước rồi nói: “Đây là suối Lênin”.
Đồng bào Pác Bó, thay mặt nhân dân cả nước, đón Người về ở tại nhà ông Máy Lỳ (một cơ sở cách mạng). Đến ngày 08-02-1941, Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ mới chuyển lên hang Cốc Bó ở và làm việc.
Chiếc bàn đá Bác thường ngồi làm việc tại Khu di tích đặc biệt Pác Bó.
(Ảnh: Thanh Thuận)
Từ ngày về nước, 28-01-1941, ở Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, chỉ đạo tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh; chuẩn bị và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 5-1941, mà Nghị quyết của Hội nghị có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945; sáng lập Mặt trận Việt Minh, mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi; sáng lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; viết nhiều tài liệu quan trọng về chính trị, quân sự để huấn luyện cán bộ, đặt nền tảng cho đường lối chính trị, quân sự của Đảng...
Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu 1930) và từ nước ngoài, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo phong trào, nhưng cũng phải từ ngày 28-01-1941, Nguyễn Ái Quốc mới trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đề ra Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng; và cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của Người trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân. Và cũng từ ngày đó, 28-01-1941, Pác Bó, một bản làng hẻo lánh, với hang Cốc Bó, lán Khuổi Nậm, núi “Các Mác”, suối “Lênin” (những ngọn núi, dòng suối ở Pác Bó do Người đặt tên) và nhiều địa danh khác, đã trở thành những địa danh nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta. Ngày 28-01-1941 là dấu mốc son-Một ngày lịch sử trọng đại của Đảng, của dân tộc.
Đặng Hoàng
1. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, 1920 - 1954, Nxb. ST, H, 1981, T. I, tr. 305.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H 2000, T.6 (1936-1939), tr.536-537, tr. 55
3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. ST, H, 1975, tr. 53-54.
4, 5. Hồ Chí Minh, Biên niên Tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 1993, T.2, tr.53, tr.54
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H 2011, T.3, tr. 204.
7. Không phải là 08-02-1941 như một số sách, báo trước đây đã viết.