Đã 60 năm kể tự sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (11/6/1963-11/6/2023), cũng là 60 năm chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chấm dứt giai đoạn ổn định tương đối của chế độ miền Nam. Vậy ngọn lửa Thích Quảng Đức có tác động gì đến việc chế độ Việt Nam Cộng hòa đệ nhất sụp đổ ?
Giọt nước tràn ly
Tại miền Nam Việt Nam, trong quá trình xây dựng nền Đệ nhất Cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương đưa Thiên Chúa thành quốc giáo. Phật giáo bị chính quyền chèn ép.
Trái với ý muốn của gia đình họ Ngô, Phật giáo ngày càng phát triển mạnh, bành trướng thanh thế. Lễ Phật đản năm 1963, Phật giáo tổ chức lễ lớn, cờ xí rợp trời. Vì thế, Ngô Đình Thục thúc giục Ngô Đình Diệm ra lệnh hạ cờ Phật giáo vào đúng Lễ Phật Đản năm 1963.
Ngày 6/5/1963, Ngô Đình Diệm ra Công điện số 9195 ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo.
Ngày 7/5/1963, lệnh hạ cờ Phật giáo được thi hành. Ngày 8/5, trong cuộc rước tượng Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Tư Đàm để làm lễ chính thức, nhiều khẩu hiệu đấu tranh cho bình đẳng tôn giáo, phản đối bất công,bảo vệ đạo Phật được trương lên:
- Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ.
- Phản đối chính sách bất công gian ác.
- Phật giáo nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh.
- Chúng tôi đã đến lúc bắt buộc tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.
Tối 8/5/1963, Phật tử tập trung tại Đài phát thanh Huế nghe thuyết pháp về dự Lễ Phật đản, nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phép phát thanh. Quần chúng Phật tử bất mãn, tập trung hàng nghìn người phản đối. chính quyền Ngô Đình Diệm cho lính đến đàn áp. Lựu đạn cay, súng trường bắn xả vào đám đông. Sau 15 phút hỗn loạn, cuộc đàn áp chấm dứt, máu đã đổ, hàng trăm người bị thương, 8 người chết.
Lệnh hạ cờ Phật giáo và vụ tàn sát Phật tử tại Huế đã châm ngòi cho một phong trào đấu tranh rộng lớn quyết liệt của đồng bào theo đạo Phật tại miền Nam Việt Nam.
Sau lễ Phật đản, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục vu cáo Phật giáo “bị cộng sản lợi dụng” để bắt bớ, đàn áp.
Ngày 10/5/1963, Phật giáo ra Tuyên bố 5 điểm:
Một: Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ cờ Phật giáo.
Hai: Yêu cầu chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
Ba: Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một quy chế đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa đã ghi trong dụ số 10.
Bốn: Yêu cầu cho tăng ni Phật giáo được tự do truyền và hành đạo.
Năm: Yêu cầu Chính phủ đền bồi xứng đáng cho những người vô tội bị chết oan trong đêm 15/4/1963 (âm lịch) và trừng trị thích đáng kẻ chủ mưu.
Bản Tuyên ngôn gồm đủ các chữ ký của các lãnh tụ cao cấp của Phật giáo:
Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Ban trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tại miền Trung, Thượng tọa Thích Trí Quang.
Ban Trị sự Hội Tăng già miền Trung, Thượng tọa Thích Mật Nguyện.
Ban Trị sự Giáo hội Tăng già Thừa Thiên, Thượng Tọa Thích Mật Hiển.
Ban Trị sự Tổng hội Phật giáo Thừa Thiên, Thượng tọa Thích Thiện Siêu.
Bản Tuyên ngôn 5 điểm này được gửi tới Ngô Đình Diệm.
Hòa thượng Thíc Quảng Đức tư thiêu ngày 11/6/1963 (Ảnh Malcolm Browne)
Ngày 15/5/1963, một phái đoàn Phật giáo gồm các Thượng tọa Thiện Hòa, Tâm Châu, Lâm Em, Dũng Chí, ông Mai Thọ Truyền, ông Vũ Bảo Vinh, đại diện cho các giáo phái Nam Bắc tông tiếp kiến Ngô Đình Diệm đòi thi hành bản Tuyên ngôn. Ngô Đình Diệm từ chối và đổ mọi tội lỗi cho Việt cộng. Các giáo phái họp báo tại chùa Xá Lợi và công bố Bản tuyên ngôn 5 điểm, tố cáo chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm với dư luận trong nước và quốc tế. Đồng thời, Phật giáo ra phụ đính 3 điểm nêu rõ: Phật giáo không chủ trương lật đổ chính quyền, không tranh giành ảnh hưởng với các tôn giáo khác, không tranh giành quyền lực chính trị mà chỉ đòi thực thi 5 nguyện vọng.
Ngày 30/5/1963, sáu tập đoàn Phật giáo Việt Nam tuyệt thực 48 giờ, cùng ngày, Tổng hội sinh viên Phật tử Huế gửi thư cho sinh viên toàn quốc kêu gọi ủng hộ Phật giáo. Họ gửi lên Ngô Đình Diệm một bản kiến nghị 4 điểm, yêu cầu thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo. Đối phó lại, từ ngày 30/5 đến 4/6/1963, Ngô Đình Cẩn cho lính bao vây và tiến công các chùa Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Quang làm 142 người bị thương.
Tuy nhiên, trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của Phật giáo, Ngô Đình Diệm tỏ vẻ nhân nhượng, đề nghị lập Ủy ban liên bộ để hòa đàm với Phật giáo.
Ngày 4/6/1963, Phật giáo lập Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo để thương lượng với chính quyền Ngô Đình Diệm. Song trên thực tế, các cuộc đàn áp , bắt bớ Phật tử vẫn tiếp diễn với tội danh chủ yếu là chụp mũ” theo Việt cộng”. Vụ bắn giết ngày 8/5/1963, Chính quyền Ngô Đình Diệm đổ cho “cộng sản liệng chất nổ”.
Ngọn đuốc sống cổ vũ quần chúng đấu tranh
Trước tình hình đó, ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm chấm dứt đàn áp Phật giáo, giải tỏa các chùa ở Huế và Sài Gòn, giải quyết các nguyện vọng của Phật giáo.
Trước khi vị pháp vong thân, Thích Quảng Đức để lại một bức tâm thư và bài thơ sau:
Đệ tử hôm nay tự đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thông nương tựa giúp sinh linh
Hỡi ai ảo mộng còn đang mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình”
Thích Quảng Đức 1897-11/6/1963.
Tương Bồ Tát Thích Quảng Đức tại ngã tư đường Cách mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu (trước là đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng)Sự kiện gây ra sự xúc động và kinh ngạc dư luận trong và ngoài nước. Nghe tin Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, mỗi ngày, có hằng vạn người kéo đến chùa Xá Lợi, số 89 Bà Huyện Thanh Quan, để chiêm bái nhục thân của ông cho dù sự kiểm soát của chính quyền Ngô Đình Diệm rất gắt gao.
Ông Trần Văn Giàu cho rằng: sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, bên cạnh nguyên nhân chính là phong trào đấu tranh giải phóng của quần chúng liên tục từ đồng khởi, sự thay ngựa giữa dòng của đế quốc Mỹ còn một nguyên nhân nữa là “yếu tố Thích Quảng Đức” đã khuấy động Phật giáo và quần chúng thành thị đến mức cao độ.
Học giả Filliozat viết trên tạp chi Journal Atique 1963 fas 1 Pais: “Một hành động như thế do một nhà sư Việt Nam thành tựu tại Sài Gòn vừa mới làm cho người ta kinh ngạc và xúc động”1.
“Đây là lời kêu gọi cuối cùng của một nhà sư bình dân suốt đời khổ hạnh, lăn lộn trong nhân dân lao động, san sẻ nỗi thống khổ của cả một dân tộc đang quằn quại trong bùn và máu để mở ra không khí tự do mà đòi quyền sống”2.
Ông Trần Bạch Đằng viết: “Đây là thời kỳ cái tinh túy của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc chấp nhận. Đó là hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu, một kỳ công không bao giờ có được, là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam tầm cỡ thế giới” 3.
Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, thứ vũ khí đấu tranh bất bạo động cao nhất của Phật giáo đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh ngày càng lan rộng, dâng cao của tín đồ Phật giáo.
Tại miền Bắc, các tầng lớp nhân dân tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình lên án Mỹ-Diệm đàn áp Phật giáo, đòi thỏa mãn yêu sách 5 điểm của Phật giáo. Riêng tại Hà Nội, hơn 80.000 lượt người xuống đường tuần hành đả đảo chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo.
Dư luận thế giới lên tiếng. Báo chí khắp thế giới đăng tải và bình luận về tình hình đấu tranh của Phật giáo miền Nam. Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, Bỉ, Ấn Độ, Nhật Bản, Miến Điện, Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Lào… đều lên án chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Các hoạt động như mít tinh cầu siêu, biểu tình ủng hộ Phật giáo Việt Nam diễn ra ở nhiều nước.
Ngày 7/6/1963, Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới lên tiếng phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố Phật tử, đàn áp dã man học sinh, sinh viên. Ngày 11/6/1963, Chính phủ Cao Miên tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng hòa. Các quốc gia Phật giáo đều yêu cầu Chính phủ phản đối và cắt quan hệ ngoại giao với chính quyền Ngô Đình Diệm và ủng hộ Phật giáo Việt Nam. Nhiều nước đề nghị đưa vấn đề này ra trước Liên hiệp quốc4.
Báo NewYork Heral Tribune ngày 21/7/1963 viết: “Hòa thượng Thích Quảng Đức, một vị tu sĩ Phật giáo đã biến tấm áo cà sa vàng của mình thành một giàn lửa không phải là một người duy nhất có thể tự đốt mình. Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam cũng đang làm một việc rất hay là ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ ông” 5.
Sau vụ tự thiêu của Thích Quảng Đức, chính quyền Ngô Đình Diệm nhượng bộ, đàm phán với phái đoàn Phật giáo, ra bản Thông cáo chung, thỏa thuận về một số chính sách đối với Phật giáo, nhưng vẫn tiếp tục đàn áp Phật tử, đồng thời dựng lên giáo phái Cổ Sơn Môn để chia rẽ nội bộ Phật giáo miền Nam.
Trong khi vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đang làm xúc động hàng triệu người thì vợ chồng Ngô Đình Nhu tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa". Họ gọi vụ tự thiêu là vụ “nướng thịt của Phật giáo” và Ngô Đình Nhu nói rằng đây là thành tích duy nhất của Phật giáo, chỉ trích Phật giáo không đóng góp gì cho chế độ Việt Nam Cộng hòa. Trần Lệ Xuân còn có những lời nói gây kích động hơn: “Nếu như các nhà sư khác tự nướng thịt thì tôi sẽ vỗ tay, nếu họ thiếu xăng và diêm quẹt, Chính phủ sẽ cấp cho”.
Thái độ đó của vợ chồng Ngô Đình Nhu càng làm cho quần chúng Phật tử hết sức bất bình, đẩy mạnh đấu tranh.
Vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã khích động cao độ quần chúng và Phật tử. Ngày 16/6/1963, một cuộc đấu tranh khổng lồ quy tụ trên 500 nghìn người tại Sài Gòn,dự định kéo về chùa Xá Lợi, nơi đặt thi hài Hòa thượng Thích Quảng Đức. Xung đột lớn giữa cảnh sát và đoàn biểu tình. Cùng lúc, hàng trăm tăng, ni biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ và tuyệt thực tại chùa Xá Lợi yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp.
Trong lúc phong trào cách mạng miền Nam, được sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, khiêu chiến với Phật giáo, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã chính thức đào huyệt cho nền Đệ Nhất cộng hòa.
Vài tháng sau, ngày 1/11/1963, một cuộc đảo chính quân sự do Hoa Kỳ giật dây đã kết thúc di sản chế độ nhà Ngô tại miền Nam Việt Nam.
Lê Minh
1 . Nguyễn Đăng Thục: Phật giáo Việt Nam, Nxb. Mặt Đất, Sài Gòn, 1974, tr. 276.
2 . Nguyễn Đăng Thục: Phật giáo Việt Nam, Nxb. Mặt Đất, Sài Gòn, 1974, tr. 276- 277
3 . Trần Bạch Đăng: Mấy vấn đề về nghiên cứu Phật giáo trong tư tưởng dân tộc trong cuốn Mấy vấn đề về Phật giáo và tư tưởng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986.
4 Quốc Oai: Phật giáo tranh đấu, Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1964.
5 Quốc Oai: Phật giáo tranh đấu, Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1964.