Trong cuộc chiến tranh Hoa Kỳ tiến hành tại Việt Nam, Chính quyền Hoa Kỳ đã nói với người dân của họ rằng việc rải chất độc hóa học sẽ không làm ảnh hưởng đến con người. Thế nhưng, thực tế sau đó đã chứng minh rằng những lời nói đó là hoàn toàn dối trá. Hàng triệu lít chất độc hóa học Mỹ rải xuống Việt Nam là nguyên nhân gây ra thảm họa cho con người, trong đó có hàng nghìn cựu binh Mỹ
Cách đây đúng 60 năm, ngày 10/8/1961 Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy đã ra lệnh cho quân đội Mỹ sử dụng chất diệt cỏ, trong đó có hóa chất cực độc dioxin, phun xuống các cánh rừng ở miền Nam Việt Nam, bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Chất độc dioxin cũng được phun xuống nhiều cánh rừng ở Lào và Campuchia nơi những con đường tiếp vận từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam chạy qua.
Chất làm rụng lá cây còn được rải ngay cả ở những vùng đồng bằng, trong những khu vực tự do bắn phá, tự do oanh kích của Quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, thậm chí tại những vùng gần Sài Gòn như vùng rừng Sác, nơi có căn cứ nổi tiếng của đặc công rừng Sác.
Việc rải chất độc nhằm mục đích phá hoại mùa màng và đường tiếp tế chi viện cách mạng miền Nam và triệt hạ lực lượng vũ trang giải phóng.
Máy bay Mỹ rải chất độc hóa học xuống các cánh rừng Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Gần 80 triệu lít hóa chất mà Hoa Kỳ gọi là chất diệt cỏ rải xuống Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 bị giới khoa học lên án là chất kịch độc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và lâu dài đối với môi trường tự nhiên.
Chất độc màu da cam dioxin là hỗn hợp của 2-4 -D và 2-4-5-T trong đó 2-4-5 -T là chất đặc biệt nguy hiểm, khi người bị phơi nhiễm sẽ gây quái thai, dị dạng. Chất này đã được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong thời gian 1961-1971 tại nhiều vùng Nam Việt Nam, kể cả một số vùng đồng bằng.
Theo các nhà khoa học trên thế giới chuyên về thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, việc rải chất độc diệt cỏ xuống Việt Nam là đáng nguyền rủa nhất trong lịch sử sử dụng thuốc diệt cỏ trên thế giới.
Trong 10 năm 1961 -1971, đã có tới hơn 3 triệu hecta rừng tại miền Nam Việt Nam bị phá hủy. Kèm theo đó là đất đai nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng và khủng khiếp nhất là vẫn là những hậu quả để lại đối với con người.
Theo Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam, có tới hơn 4,8 triệu người Việt Nam và khoảng trên 30.000 lính Mỹ bị phơi nhiễm trực tiếp và gián tiếp chất độc da cam /dioxin.
Chất da cam/dioxin gây ra một số bệnh và di chứng sau:
- Gây kích ứng da và các bệnh ngoài da.
- Rối loạn thần kinh.
- Gây sẩy thai.
- Bệnh tiểu đường type 2.
- Dị tật bẩm sinh cho đời sau.
- Gây các bệnh ung thư, bện Hodgkin, bệnh bạch cầu.
Đầu năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam và 32.000 lính Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc dioxin đã khởi kiện 37 công ty Mỹ, trong đó có tập hoàn hóa chất lớn nhất Monsanto phải bồi thường cho việc đã cung cấp gần 80 triệu lít thuốc diệt cỏ kịch độc chứa dioxin cho quân đội Hoa Kỳ rải xuống miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, vụ kiện bị dừng lại vào năm 2009 và tập đoàn Mosanto sau đó đã có thỏa thuận chỉ trả tiền đền bù cho những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin.
Một cựu binh Mỹ nói: “Thưa các quý ông ! chúng tôi không thể đợi 20 năm, 30 năm, 40 năm nữa. Yêu cầu chính quyền và công ty hóa chất phải có trách nhiệm đền bù cho những gì họ đã gây ra cho chúng tôi”.
Âm mưu của các công ty hóa chất là muốn kéo dài vụ kiện càng dài càng tốt, muốn cho những người khởi kiện là những người trực tiếp phơi nhiễm chất độc dioxin như những cựu binh Mỹ và cựu binh, nhân dân Việt Nam chết đi thì sẽ không còn nhân chứng cụ thể hoặc còn rất ít nhân chứng cụ thể để minh họa cho vụ việc.
Một máy bay trực thăng vũ trang đang rải chất độc hóa học ngay trên vùng
đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh tư liệu)
Tại Việt Nam, nhiều nạn nhân chất độc da cam bị dằn vặt trong nỗi đau cả về thể xác và tinh thần nhất là khi thế hệ con cháu họ sinh ra cũng bị di chứng chất độc dioxin hành hạ.
Ông Phạm Văn Tuấn, Hội nạn nhân chất độc màu da cam /dioxin Tuyên Quang nói: “Tôi nghĩ chiến tranh kết thúc, tôi về làm kinh tế, nhưng mà không ngờ cuối đời, ngày nào cũng phải khổ, đêm nào cũng phải khổ. Đáng lẽ chết đi thì không gây tội cho con. Hy sinh ở chiến trường thì nó một lần thôi nhưng bây giờ tôi về, tôi gây tội cho con. Một mình chết thì không để lại hậu quả gì cả, nhưng giờ tôi về, thấy các thế hệ con cháu rất khổ, mình mất đi không biết chúng nó sẽ ra sao”.
“Nỗi đau ta đã xác định là những người nhiễm chất độc hóa học là những người khốn khổ nhất, là nỗi đau khổ nhất của cuộc đời này”, một cựu chiến binh khác cho biết.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam cho biết: “Hậu quả cuộc chiến tranh hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường ở Việt Nam là vô cùng lớn. Số lượng quá lớn và thời gian quá dài việc Mỹ sử dụng chất độc hóa học ở Việt Nam để lại thảm họa về môi trường, đặc biệt là thảm họa về sức khỏe con người. Đã có 3 thế hệ người Việt Nam bị phơi nhiễm và di chứng chất độc da cam. Nỗi đau da cam day dứt để lại hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Có đến hơn ba triệu người phơi nhiễm, hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người còn đang sống khổ sở hằng ngày”.
Cựu chiến binh Hồ Sỹ Hải, quê Thái Bình, tham gia chiến đấu tại miền Nam Việt Nam trong những năm 1966 -1969. Ông là lái xe trên đường mòn Hồ Chí Minh, cho biết, không trực tiếp tiếp xúc với chất độc, nhưng bao nhiêu năm ông ăn uống sinh hoạt trong vùng bị rải chất độc cũng bị nhiễm nặng nề. Ông sinh được 4 người con, nhưng 1 cháu đã chết lúc 5 tuổi, 3 cháu còn lại thì 2 cháu bị tâm thần, một cháu bị câm điếc. Ông nói “Nỗi đau da cam không chỉ đau về thể xác mà nó đau về tinh thần vì thế hệ được sinh ra tật nguyền, dị dạng, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau nhiễm chất độc màu da cam. Những nạn nhân da cam là những nạn nhân nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ".
Hội nạn nhân chất độc màu da cam dioxin Việt Nam tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng bởi tại sao cũng là hậu quả của cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam nhưng Hoa Kỳ đã chi tiền cho việc là rà phá bom mìn trên đất nước Việt Nam, chi tiền cho việc làm sạch môi trường xung quanh một số địa điểm tại Việt Nam khỏi chất dioxin và trong lúc đã đền bù cho những cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam thì lại phớt lờ những nỗi đau của người Việt Nam, nạn nhân của cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nhân dịp 60 năm ngày Hoa Kỳ rải chất độc xuống Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin cam kết toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị sẽ chung tay làm vơi bớt nỗi đau của nạn nhân da cam/dioxin và kiên quyết theo đuổi vụ kiện pháp lý, buộc các công ty hóa chất Hoa Kỳ phải bồi thường cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhằm giàn giảm đi phần nào những nỗi thống khổ của họ trong bao nhiêu năm qua.
Lê Minh