Đấu tranh trong nhà tù là một bộ phận trong cuộc đấu tranh cách mạng của những người cộng sản và yêu nước Việt Nam. Một trong số những cuộc đấu tranh tiêu biểu, gây tiếng vang lớn trong cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc đấu tranh lưu huyết tại Nhà lao Kon Tum cách đây đúng 90 năm, ngày 12/12/1931
Nhà lao Kon Tum (hay còn gọi là Ngục Kon Tum) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1915-1917, nhằm giam giữ những đồng bào địa phương không “tuân phục” người Pháp. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cao trào 1930-1931 thức tỉnh phong trào đấu tranh cả nước, nhưng cũng bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Chỉ trong 3 năm (1930-1933), Ngục Kon Tum trở thành nơi giam cầm, đày ải trên 500 lượt tù chính trị đến từ nhiều tỉnh thành. Một mặt, chúng giam cầm, cách ly những người cộng sản để ngăn tư tưởng cách mạng lan tỏa ra vùng đô thị, đồng bằng. Mặt khác, chúng sử dụng triệt để sức tù để làm Đường 14 - tuyến giao thông chiến lược quan trọng nối từ Quảng Nam-Đà Nẵng qua Tây Nguyên xuống miền Đông Nam Bộ, nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II ở Việt Nam và Đông Dương.
Tháng 12/1930, đoàn tù chính trị cộng sản đầu tiên từ nhà lao Vinh (Nghệ An) bị đưa lên Kon Tum gồm 150 người. Từ tháng 01/1931 đến tháng 4/1931, ba đoàn tù từ nhà lao Vinh, Hà Tĩnh và Nha Trang lần lượt lên, nâng tổng số tù bị đày tại đây lên 295 người. Tất cả bị thực dân Pháp đưa ngay đến Đăk Pao (huyện Đăk Glei hiện nay) để làm Đường 14.
Đường đi dài hàng trăm cây số, tù nhân chính trị đi bộ nhiều ngày, trèo đèo, vượt suối, vai mang vác nặng, lưng chịu đòn roi... Người nào không trụ nổi, chúng bắn chết dọc đường. Đường 14 trở thành “con đường máu”, là “mồ chôn”, là “địa ngục trần gian” của những người tù chính trị. Công việc nặng nhọc, dầm mưa, dãi nắng, chân bị cùm, ăn uống kham khổ, đói rét, nhiều tù nhân kiệt sức, nhiễm bệnh, còn thường xuyên bị bọn lính đánh đập, kiếm cớ giết hại... Chỉ sau 6 tháng, đến tháng 5/1931, để hoàn thành 15 km đường từ Đăk Pao đi Đăk Pét đã có 150 người trong số 295 tù chính trị bị chết, số còn lại chỉ còn da bọc xương.
Nhà truyền thống tại Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum
Tháng 6/1931, việc làm đường tạm dừng do mùa mưa đến, thực dân Pháp đưa tù chính trị về thị xã để giam giữ và lao động khổ sai tại đó. Đồng thời, chúng đưa thêm tù chính trị cộng sản từ Huế và Quy Nhơn lên, nâng tổng số tù nhân bị giam tại Ngục Kon Tum là 200 người.
Đầu tháng 7/1931, đồng chí Ngô Đức Đệ (người sáng lập chi bộ đảng đầu tiên ở Kon Tum) được chuyển từ Lao trong (xây dựng năm 1915) ra giam giữ ở Lao ngoài (mở rộng từ tháng 3/1931). Được đồng chí thông báo tình hình và chỉ đạo, các tù nhân Lao ngoài nhanh chóng hình thành Ban lãnh đạo chung, phân công nhiệm vụ cụ thể - người lo xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức, người lo nghiên cứu kế hoạch đấu tranh, đề ra yêu sách, tuyên ngôn, soạn các bài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, tiếng Pháp, tiếng Ba Na, tiếng Gia Rai. Tất cả hạ quyết tâm: “Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo”[1]. Mục tiêu đấu tranh là đòi thực dân Pháp bãi bỏ chế độ giết người dã man đối với tù chính trị.
Có mục tiêu, có tổ chức, các cuộc đấu tranh trong tù diễn ra nhiều hơn, dày dạn hơn, hình thức khôn khéo hơn, biện pháp cũng quyết liệt hơn. Trong đó có cuộc đấu tranh lưu huyết phản đối việc bắt tù chính trị đi làm đường 14 lần thứ 2 tại Đăk Pét.
Sáng ngày 12/12/1931, cai ngục tổ chức phân tán tù nhân đi làm khổ sai nhiều nơi nhằm xé lẻ đội ngũ tù, còn 40 người, chúng ra lệnh quay về phòng lấy quần áo để đi Đăk Pét. Trong số đó, có bốn đồng chí là thành viên Ban lãnh đạo nhà tù (Đặng Thái Thuyến, Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ) và tất cả đều là thành viên của đội cảm tử, quyết tử. Do biết trước việc địch chuẩn bị đưa tù đi làm đường lần thứ 2 tại Đăk Pét, mọi người đã chuẩn bị để đối phó. Bắt đầu cuộc đấu tranh, các tù nhân chạy vào phòng giam khóa chặt cửa lại và đồng thanh hô các khẩu hiệu “Nhất định không đi Đăk Pét”, “Phản đối đi Đăk Pét”, “Phải bãi bỏ chế độ bắt tù chính trị đi làm đường”, “Bãi bỏ chế độ đánh đập, bắt giết tù”... Đồng chí Nguyễn Huy Lung (số tù 299) thay mặt anh em trả lời viện đội Mulê (Moulet) lý do không đi Đăk Pét: “Lần trước bị hãm hại một cách rất tàn ác, anh em chúng tôi chết hai phần ba. Bây giờ bắt chúng tôi đi nữa cho chết hết hay sao ?”.
Bên ngoài, công sứ, giám binh, nhiều binh lính kéo đến bao vây nhà lao. Bên trong, anh em vẫn hô vang các khẩu hiệu và xiết chặt hàng ngũ, đứng sắp hàng trước cửa lao, dùng gậy gộc đã chuẩn bị trước chống lại, không cho bọn địch vào bắt người. Theo lệnh công sứ, viên đội Mulê cầm súng, tiến lại cửa nhà lao gọi: “Thằng tù số 299 đâu?”. Anh em tù đồng thanh: “Không có tù số 299! Đả đảo đi Đăk Pét”. Đồng chí Trương Quang Trọng (số tù 303) lên đứng hàng đầu, phanh áo, chỉ vào ngực, nói bằng tiếng Pháp “Le voici” (nó ở đây). Viện đội Mulê lập tức bóp cò... Hành động anh dũng hy sinh của đồng chí Trương Quang Trọng và tội ác giết người tàn bạo của cai đội Pháp đã thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh. Binh lính cũng điên cuồng nã đạn, làm 8 người chết và 8 người bị thương.
Một số di vật, hình ảnh trưng bày tại Nhà truyền thống Khu di tích Ngục Kon Tum
Sáng ngày 13/12/1931, số tù nhân còn lại tổ chức lễ truy điệu đồng đội hi sinh và tuyên truyền binh lính ngay tại sân nhà lao. Chiều ngày 13/12/1931, Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân được chuẩn bị và dịch ra tiếng Pháp, tiếng dân tộc địa phương. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo với tù chính trị của thực dân Pháp, đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo này. Yêu sách có sáu điểm:
- Một là, phải thừa nhận và áp dụng chế độ tù ở Kon Tum cũng như các nơi khác;
- Hai là, bãi bỏ ngay chế độ hành dịch khổ sai;
- Ba là, bỏ hẳn chế độ đánh đập, bắn giết, còng cùm và các hình phạt ác nghiệt đối với tù nhân;
- Bốn là, cải thiện chế độ ăn uống của tù nhân;
- Năm là, tù nhân đau ốm phải được đưa đi bệnh viện, được nghỉ ngơi và chăm sóc;
- Sáu là, tù nhân được đọc sách báo, viết thư về gia đình một tháng một lần, được nhận thư từ, ngân phiếu, bưu kiện của gia đình gửi tới, được tiếp người nhà đến thăm.
Để tiếp tục đấu tranh phản đối đi làm đường, phản đối bắn giết, các tù nhân chính trị tổ chức cuộc đấu tranh tuyệt thực. Sáng ngày 16/12/1931, cai ngục nhà tù một lần nữa tiến hành đàn áp đẫm máu. Thêm 7 tù nhân chết và 8 người bị thương.
Cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực tổn thất to lớn về người, nhưng đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trong dư luận quốc tế, lật tẩy bộ mặt giả danh "tự do", "bình đẳng", "bác ái" của chính quyền thực dân.
“Cái chết đỏ” của 15 chiến sĩ cộng sản trong nhà lao Kon Tum đã buộc nhà cầm quyền Pháp nhượng bộ. Ngay sau đó, có 50 tù chính trị có án nhẹ và một số tù thường phạm được trả tự do. Chế độ lao dịch, đánh đập tù nhân từng bước thay đổi, hạn chế; tù nhân ốm đau được nghỉ, có thuốc chữa. Tháng 12/1932, chính quyền thực dân bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm Đường 14.
Tháng 4/1934, Ngục Kon Tum phải đóng cửa.
90 năm đã trôi qua, hình ảnh những người tù chính trị cộng sản đã ngã xuống vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do cho đất nước đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng kiên trung của dân tộc Việt Nam.
Bạch Yến
(Nguồn tài liệu: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum)
[1] Theo Hồi ký của đồng chí Ngô Đức Đệ.