Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khởi đầu công cuộc đổi mới. Đại hội đi vào lịch sử với quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Vậy ai là tác giả của quan điểm đặc biệt quan trọng này ?
Từ việc đưa ra quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” …
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đất nước thống nhất, chúng ta có tư tưởng chủ quan, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn. Đại hội V của Đảng đã chỉ rõ nguyên nhân chủ quan gây nên sa sút của nền kinh tế trong đó có khuyết điểm, sai lầm về lãnh đạo và quản lý. Để góp phần khắc phục tư tưởng nóng vội, Đại hội đã đưa ra khái niệm về chặng đường trước mắt (chặng đường đầu tiên) của thời kỳ quá độ nhằm điều chỉnh bước đi. Tuy nhiên, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn trở ngại, nhất là khó khăn về kinh tế.
Do nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó quản lý kinh tế có những khuyết điểm về mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp bộc lộ ngày càng gay gắt, dẫn tới đất nước dần lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng.
Trước đổi mới, việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, thực hiện quá lâu mô hình quan liêu bao cấp lỗi thời, đã làm đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các ngành sản xuất đình đốn, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, lạm phát lên tới 3 con số, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân ở đâu ?
Sau khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, ngày 14/7/1986, tại phiên họp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm đương đầu với nhiều lực cản từ nhiều phía để quyết tâm đề ra đường lối đổi mới đất nước.
Tháng 10/1986, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần phân tích một cách sâu sắc những khuyết điểm, sai lầm, trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp kiên quyết và thực tế để đưa cách mạng nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn và tiếp tục vững bước tiến lên. Đồng chí khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới càng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nền kinh tế nước ta, vừa phù hợp với xu thế của thời đại. Chỉ có đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, chúng ta mới có khả năng thoát khỏi tình hình khó khăn gay gắt hiện nay”.
Đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội VI (Ảnh tư liệu)
Bản lĩnh Tổng Bí thư Trường Chinh, dũng khí nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật là kết quả đã được đúc kết, làm giàu trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của đồng chí trong cách mạng dân tộc dân chủ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm trước đổi mới.
Nhìn lại thời điểm năm 1956, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của cải cách ruộng đất, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm đứng ra gánh phần trách nhiệm nặng nhất bằng hành động từ chức Tổng Bí thư tháng 9/1956 và sau đó là người đứng đầu chỉ đạo công tác sửa sai.
Vào thời điểm trước đổi mới, nhiều người hẳn còn đang say sưa với chiến thắng, những lời nói thật có thể “mất lòng” và có khi mất chức, nên ít người có can đảm nói ra sự thật sai lầm, khuyết điểm như đồng chí Trường Chinh.
… đến việc quan điểm đó được chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội VI của Đảng
Với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén, bám sát thực tiễn, sâu sát tình hình ở địa phương, cơ sở, đồng chí trường Chinh đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ đạo toàn Đảng “phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận và thay đổi những quyết định sai lầm trước đây của chính mình, dám dũng cảm xử lý những việc phức tạp”[1].
Trong quá trình trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Cần thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của quá trình đổi mới. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cái khó nhất là ở chỗ: Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình”[2].
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương được tổ chức tháng 11/1986, trước Đại hội 1 tháng, để hoàn thành công việc chuẩn bị cho Đại hội VI. Sau thảo luận, Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị kết luận Hội nghị. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đồng chí Trường Chinh đề nghị viết lại, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể: Về đánh giá thành tựu, sai lầm khuyết điểm; Kiên quyết thực hiện về bố trí cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư; Về củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng các thành phần kinh tế; về quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; Về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng…
Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã trình bày Báo cáo Chính trị có ý nghĩa lịch sử, trong đó nêu rõ: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”[3].
Đồng chí khẳng định: “Bài học lớn rút ra từ những năm qua là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân; tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục chủ nghĩa quan liêu. Mỗi đảng viên cộng sản phải thật sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”[4].
Thành phố Hồ Chí Minh vươn mình phát triển trong sự nghiệp đổi mới
Đối với công tác xây dựng Đảng đồng chí thẳng thắn chỉ rõ: “Làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, chỉ có như vậy thì Đảng ta mới đủ sức lãnh đạo cách mạng nước ta trong thời gian tới. Khôi phục, giữ vững và nâng cao tính chiến đấu của Đảng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Công tác cán bộ phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng”[5].
Đồng chí thẳng thắn chỉ rõ: “Phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta mới có thể vượt qua khó khăn, thực hiện được những mục tiêu do Đại hội lần thứ VI đề ra... Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy”[6].
Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu bước ngoặt mang tính đột phá chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, trong đó đồng chí Trường Chinh với trọng trách Tổng Bí thư, là kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới, đã có những đóng góp to lớn trong việc chuẩn bị văn kiện và tổ chức thành công Đại hội.
Từ quan điểm của đồng chí Trường Chinh trong văn kiện Đại hội VI, Đảng đã thẳng thắn kiểm điểm, chỉ ra những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm khuyết điểm, nêu rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục. Văn kiện Đảng đã thể hiện rõ phương châm hoạt động của toàn Đảng là nhìn thẳng vào sự thật khuyết điểm, dũng cảm nhận định nhuyên nhân của những hạn chế: “trước hết thuộc về trách nhiệm Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng”[7].
Từ kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng đã phân tích nhìn nhận và đúc kết 4 bài học kinh nghiệm: Một là, Quán triệt “tư tưởng lấy dân làm gốc”. Hai là, Luôn xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền. Những bài học này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Báo cáo Chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Đại hội VI là đỉnh cao của tinh thần cầu thị, tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, dũng cảm phê và tự phê một cách nghiêm túc. Đại hội VI mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước, có thể nói bắt nguồn từ là sự đổi mới tư duy của Đảng, bắt đầu từ tư duy nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, dũng cảm thừa nhận sai lầm khuyết điểm, với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, mà kiến trúc sư là Tổng Bí thư Trường Chinh.
Hơn 35 năm Đảng lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới, đạt nhiều thành tựu lớn lao, tấm gương Tổng Bí thư Trường Chinh, người tiên phong khởi xướng sự nghiệp đổi mới, với những đóng góp về lý luận và thực tiễn, trong đó có quan điểm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đặng Hoàng
[1] Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.3, tr. 1201.
[2] Trường Chinh: Tuyển tập, Sđd, t.3, tr. 1207.
[3] Trường Chinh: Tuyển tập, Sđd, t.3, tr. 1291.
[4] Trường Chinh: Tuyển tập, Sđd, t.3, tr. 1308.
[5] Trường Chinh: Tuyển tập, Sđd, t.3, tr. 1232.
[6] Trường Chinh: Tuyển tập, Sđd, t.3, tr. 1403-1404.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr.362