Những ngày qua, MV "There's no one at all" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP sau khi phổ biến trên nền tảng internet đã gặp những phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng. Chỉ sau một ngày phát hành, trước sức ép của dư luận, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nam ca sĩ đã phải nói lời xin lỗi và chủ động ngưng phát hành MV. Sự kiện âm nhạc này gợi nhiều vấn đề về trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc lan tỏa và nhân lên những giá trị tốt đẹp, tích cực đến với cộng đồng, nhất là giới trẻ trong bối cảnh hiện nay.
'There's No One At All' ra mắt từ 28/4 đã gây phản ứng dữ dội. Ảnh: vietnamnet
Vì sao MV "There's no one at all" bị tẩy chay?
Theo chia sẻ của ca sĩ Sơn Tùng trên trang facebook cá nhân, MV “There’s no one at all” là sản phẩm tiếng Anh đầu tiên đánh dấu chặng đường mới trên con đường âm nhạc. Những ý tưởng về giai điệu, ca từ được thai nghén từ năm 2020 và đến tháng 1 năm 2022 những cảnh quay cuối cùng đã được đóng máy và ra mắt công chúng trên nền tảng internet vào 20h00 ngày 28/4/2022. Cũng theo chia sẻ của nam ca sĩ, xuyên suốt MV là hình ảnh của một đứa bé không gia đình, không bạn bè nhưng luôn tin vào một ngày nào đó sẽ được bù đắp, được yêu thương, được quan tâm như bao đứa trẻ khác. Thông qua MV, ca sĩ muốn gửi thông điệp: “Hãy thấu hiểu cảm xúc bên trong những người cô đơn, hiểu để yêu thương, che chở, và hãy mở rộng tấm lòng của chúng ta trước khi quá muộn”. Đồng thời thể hiện sự đồng cảm đến với những mảnh đời bất hạnh: “Bạn không hề cô đơn, có rất nhiều người giống như bạn”.
Tuy nhiên, khi tiếp cận sản phẩm âm nhạc, công chúng cho rằng: "There's no one at all" kể câu chuyện về một cậu bé lớn lên trong cô nhi viện, là nạn nhân của bạo lực học đường, thiếu vắng tình thương, cuộc sống lạc lõng và cô đơn. Dần dần trở nên mất lòng tin, ngỗ ngược, ngông cuồng, và kết thúc, cậu bé lựa chọn con đường tự tử để giải thoát. Có thể qua sản phẩm âm nhạc, Sơn Tùng kể về nỗi cô đơn của những người trẻ tuổi, nhưng kết thúc MV bằng cảnh nhảy lầu tự tử trong bối cảnh thời gian qua nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến những câu chuyện đau lòng, thương tâm của một số thanh thiếu niên do áp lực học hành, trầm cảm, bi kịch cá nhân đã lựa chọn con đường nhảy lầu tự tử. Vì thế MV vô tình chạm vào nỗi đau, vết thương lòng của nhiều gia đình kém may mắn, gây phẫn nộ, bức xúc dư luận.
Hình ảnh nhảy lầu tự tử của nhân vật chính trong MV gây nhiều tranh cãi với những phản ứng dữ dội của công chúng vì hệ hụy của những hình ảnh trong MV có thể tác động xấu đến nhận thức, hành động của giới trẻ, nhất là khi Sơn Tùng là ca sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn trong công chúng, có lượng fans hâm mộ đông đảo, trong đó đa phần là giới trẻ.
Việc phát hành MV trên nền tảng internet, tác động nhanh chóng, tức thì, thu hút hàng triệu người xem, có thể gây ra những tác động xấu đối với người tiếp nhận, để lại những hình ảnh ám ảnh, day dứt, những cảm xúc tiêu cực, bi quan.
Nhận định về MV, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình “There’s no one at all” mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em”.
Còn theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông): Hình ảnh trong MV There's no one at all có nội dung tiêu cực tới giới trẻ, thể hiện suy nghĩ, lối sống và hành động tự tử gây tác hại lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều bạn trẻ có vấn đề về tâm lý sau hai năm về đại dịch, hình ảnh đó càng nguy hiểm.
Căn cứ quy định của pháp luật, có thể thấy MV “There's no one at all” có dấu hiệu vi phạm quy định cấm “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Sau khi có quyết định dừng lưu hành MV “There's no one at all” của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã gửi yêu cầu ngăn chặn việc phổ biến, lưu hành MV “There's no one at all” đến Google (Youtube) và tất cả các mạng xã hội khác.
Như vậy xét về mặt đạo đức, văn hóa cũng như quy định của pháp luật, MV “There's no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng đã không đáp ứng được những mong đợi của khán thính giả vì nó vượt quá giới hạn cho phép, tạo hiệu ứng ngược trong cộng đồng, khiến sản phẩm bị tẩy chay, thu hồi.
Âm nhạc thức tỉnh những giá trị nhân văn
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật độc đáo, có sức cộng hưởng và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trong nhiều thế hệ. Bằng tài năng âm nhạc cùng tâm hồn, trái tim nhạy cảm, thức thời, người nghệ sĩ đã sáng tác lên những ca khúc với ca từ, giai điệu giản dị, mộc mạc, trong sáng, có khi trầm lắng, da diết, lúc bừng bừng khí thế hào sảng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng và niềm tin mãnh liệt vào tương lai, cuộc đời mới. Âm nhạc như dòng suối trong mát lành, là những bản tình ca muôn thuở làm phong phú đời sống tâm hồn con người. Đồng thời qua những ca khúc đi cùng năm tháng đã ghi lại những bước đường lịch sử thăng trầm của dân tộc, đất nước.
Âm nhạc có nhiều loại hình, trường phái, phong cách đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khác nhau của đông đảo công chúng và yêu cầu, đòi hỏi mà thời đại đặt ra. Nhưng dù viết về chủ đề, đề tài nào, dù thể hiện bằng hình thức, phong cách truyền thống, cổ điển hay hiện đại, cách tân thì cái đích cuối cùng của âm nhạc là thức tỉnh những cảm xúc thánh thiện, trong sáng của con người, hướng con người đến cái đẹp, cái thiện, cái cao cả với tinh thần lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống. Mỗi ca khúc là một dòng tâm trạng, phản ánh những trạng thái xúc cảm, những tâm tư, tình cảm sâu kín mà đôi khi con người khó cất nổi thành lời. Có thể ví âm nhạc như những người bạn tri âm, tri kỉ, thấu hiểu những tâm trạng, nỗi niềm để cùng đồng hành, nâng đỡ con người vượt qua những thử thách, những giới hạn chật hẹp, những ranh giới mỏng manh để hướng đến những điều lớn lao, cao cả, nhân văn, tiến bộ.
Âm nhạc có vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của con người và xã hội, vì thế với người nghệ sĩ sáng tác và ca sĩ thể hiện phải luôn ý thức rõ về thiên chức, sứ mệnh cao cả của mình với cộng đồng, xã hội, với quá trình giáo dục, hình thành nhân cách con người. Trong sáng tạo âm nhạc cũng như nghệ thuật nói chung, người nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên thỏa sức thăng hoa, sáng tạo, có thể làm mới những điều đã cũ, được thể hiện cảm xúc và cái tôi cá nhân. Nhưng để tác phẩm đến được với công chúng, được công chúng đón nhận, có sức sống lâu bền, vượt thời gian, đòi hỏi người nghệ sĩ phải không ngừng trải nghiệm, quan sát, lắng nghe hơi thở và thanh âm cuộc sống, tiếng lòng của nhân dân để viết lên những tác phẩm xứng tầm, có chất lượng, truyền tải được những thông điệp nhân văn, tích cực, thanh lọc và nâng đỡ tâm hồn, vì sự phát triển toàn diện của con người.
Trong kho tàng âm nhạc dân tộc, có những tác phẩm thuộc loại hình âm nhạc dân gian, truyền thống, những tác phẩm âm nhạc đương đại, cách tân, dù thời gian có chảy trôi nhưng sức sống của những tác phẩm lớn vẫn trường tồn, xuyên suốt nhiều thế hệ bởi nó đụng chạm đến những câu chuyện của đời, của người với những triết lý nhân sinh, ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người, bảo vệ cái đẹp, cái tốt, cái thiện, cái chính nghĩa, đấu tranh với cái xấu xa, ti tiện, thấp hèn.
Trở lại với MV “There's no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng, những hình cuối của MV gây những hiệu ứng tích cực khi nhân vật chính lựa chọn lối thoát là tự tử. Và cũng chính chi tiết, hình ảnh đó đã khép lại số phận của một sản phẩm âm nhạc trên thị trường và trên nền tảng internet khi trình độ, năng lực và khả năng thẩm định, đánh giá tác phẩm âm nhạc công chúng hiện nay không ngừng được nâng cao, ngay cả với những khán thính giả nhỏ tuổi. Cái mà họ chờ đợi là những thông điệp, là những hiệu ứng tích cực mà sản phẩm âm nhạc mang lại cho cá nhân, cộng đồng và xã hội. Âm nhạc giúp con người kết nối, thông hiểu; xua tan những lo âu, mệt mỏi, truyền những năng lượng, cảm xúc tích cực để con người sống tốt và nhân ái, nhân văn hơn.
Ca khúc Ghen Cô vy là sản phẩm nhằm hưởng ứng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với nhiều thông điệp nhân văn. Ảnh: vovworld
Sáng tạo, đổi mới, cách tân, bứt phá trên con đường, sự nghiệp âm nhạc là cần thiết để làm mới chính bản thân mình, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Tuy nhiên, Sơn Tùng và êkip tổ chức sản xuất MV đã tính sai thời điểm khi phát hành MV trên nền tảng internet trong bối cảnh người dân Việt Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên vừa trải qua những ngày tháng giãn cách, cách ly xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý giới trẻ, làm đảo lộn nhịp sống sinh hoạt, gây những áp lực về tâm lí, hành vi, nhận thức, suy nghĩ và hành động của con người. Do những áp lực học hành, thi cử, do sức ép của gia đình, do bế tắc, bi quan, trong những phút bồng bột, dại khờ, một số bạn trẻ ở đô thị, thành phố đã lựa chọn con đường nhảy lầu tự tử, để lại những day dứt, ám ảnh, những nỗi đau không nguôi cho gia đình, người thân, cộng đồng và xã hội.
Sự lên tiếng kịp thời của cộng đồng mạng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn sản phẩm âm nhạc kém giá trị, đồng thời qua đây cũng thức tỉnh người nghệ sĩ, ca sĩ cần ý thức sâu sắc về thiên chức cao cả của mình trong việc kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh vì sự phát triển, tiến bộ của con người.
Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, công chúng luôn chờ đợi những tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị nhân văn, khơi dậy niềm tin yêu cuộc sống, tinh thần lạc quan, vững tin vào ngày mai tươi sáng. Sứ mệnh của âm nhạc là phải đánh thức những cảm xúc tích cực, những nguồn cảm hứng bất tận, tạo điểm tựa tinh thần, nâng đỡ con người vượt qua những rào cản, những khó khăn, thử thách trước mắt để kiến tạo tương lai ngày càng tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Phong Huy