Bây giờ thì chúng ta đã biết khá rõ về nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo và những hoạt động của ông. Tuy nhiên, năm 1961, một học sinh mang tên Đặng Quốc Tuấn, được cấp trên giao nhiệm vụ ám sát viên Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo. Cuộc ám sát không thành, người học sinh yêu nước bị địch bắt, đày đọa qua nhiều nhà tù và cuối cùng đày ra Côn Đảo. Người học sinh đó, giờ đã là một cựu tù tóc bạc, kể cho chúng tôi về những năm tháng hoạt động và bị địch đày đọa trong tù của ông
Mỗi đồng chí cựu tù chính trị có nguồn gốc xuất thân, hoạt động cũng như bối cảnh bị địch bắt khác nhau. Tôi bị bắt trong phong trào thanh niên học sinh nên có một số vấn đề hơi khác một chút.
Tôi bị bắt năm 1961, trong vụ tôi và một bạn học sinh nữa là Ngô Văn Thiều được giao nhiệm vụ ném lựu đạn ám sát viên Đại tá tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo. Chúng tôi đâu có biết ông Phạm Ngọc Thảo là tình báo của mình, Tỉnh trưởng Bến Tre lúc bấy giờ. Khí thế thanh niên học sinh lúc ấy đang sôi sục trong huyết quản chúng tôi, nhận nhiệm vụ vừa vui mừng vì được tổ chức tin tưởng, lại vừa lo lắng vì làm thế nào để hoàn thành.
Bây giờ, có người nói là lúc đó là mình sắp xếp, dàn cảnh vụ ám sát, để tạo uy thế cho Phạm Ngọc Thảo. Tôi thì nghĩ là không phải vậy, bởi vì Phạm Ngọc Thảo là người của Trung ương, chịu sự chỉ đạo từ cấp chiến lược, mặc dù dưới sự cầm quyền của ổng, Bến Tre có một số thuận lợi để tiến hành thành công cuộc Đồng khởi năm 1960, nhưng Tỉnh ủy Bến Tre không thể biết được. Và mà dưới con mắt của đằng mình, ổng vẫn là một viện đại tá của chế độ cầm quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm. Bên ngoài, ông có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với gia đình họ Ngô. Nên lúc đó, Tỉnh ủy Bến Tre làm thiệt.
Nhân ngày quốc khánh Việt Nam Cộng hòa 26/10/1961, cấp trên giao cho chúng tôi hai trái lựu đạn, giao nhiệm vụ cho hai anh em chúng tôi trà trộn vào đám đông xem cuộc mít tinh, ném lưu đạn nhằm vào bọn cầm quyền trên khán đài danh dự, nhưng lựu đạn không nổ.à giải tán được cuộc mít tinh biểu dương lực lượng của địch trong cái ngày Quốc khánh Việt Nam Cộng hòa. Còn việc ám sát bọn cầm quyền đầu não của tỉnh Bến Tre thì mình không làm được do lựu đạn không nổ. Hai anh em tôi bị bắt. lúc đó chúng tôi mới 17 tuổi thôi. Chúng xử theo luật 10/59, và chúng xử chúng tôi mỗi người 20 năm tù. Tới năm 1975, khi giải phóng, tôi mới tin là mình còn sống.
Tôi bị địch đày ra ngoài Côn Đảo vào tháng 6/1962. Lúc đó, ở ngoài đảo, tù nhân bên tù án chính trị chưa nhiều, tù nhân chính trị bên câu lưu thì đông hơn. Bên tù án chưa nhiều vì luật 10/59 mới ra cách có 2 năm, nên mới xử cũng chưa được nhiều. Trong khi đó, tù câu lưu địch chuyển ra Côn Đảo từ năm 1957, lúc đó đã lên đến vài nghìn người rồi, chủ yếu là tù nhân các tỉnh miền Trung.
Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo (Ảnh: Tạp chí Life)
Khi tôi ra ngoài Côn Đảo, địch đang đánh phá tổ chức cách mạng của mình trong nhà tù và hoạt động của đường dây Côn Đảo. Sau này tôi mới biết là Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam miền Nam đã thiết lập được đường dây Côn Đảo để lãnh đạo phong trào trong nhà tù, cũng đồng thời giúp đỡ anh em, đồng chí đang trong tù. Lúc đó, chúng tổ chức thành trại cấm cố, trại đi làm, và ở các sở, ở các đội đi làm mà mình gọi là đội áo trắng (số anh em bị chúng bắt ra ngoài làm văn phòng cho chúng – số anh em có trình độ văn hóa) và số anh em công nhân áo xanh (ra làm lao dịch cho gia đình công chức ngụy quyền), mình sử dụng tất cả các lực lượng đó để làm đường dây tổ chức. Trong nhà tù, chúng ta phải tập hợp tất cả nhau lại, có anh em thì đấu tranh với địch, có những anh em cũng lợi dụng hoàn cảnh các kiểu ra làm việc cho chúng mới tạo được đường dây để cho tổ chức ta lãnh đạo, để làm liên lạc giữa trại này trại kia, bộ phận này, bộ phận kia với nhau.
Cho nên, bây giờ chúng ta đánh giá người này, người kia, thế này, thế kia, theo tôi là cũng khó mà chính xác được. Lúc đó, trong hoàn cảnh tù đầy, phải biết tập hợp tất cả lực lượng đó lại và phải biết khai thác, thậm trí cả một số trong lực lượng binh sĩ của chúng, những người có cảm tình với cách mạng. Tôi biết, có những người có cảm tình với cách mạng, với anh em tù, nhưng khi được giao nhiệm vụ làm trật tự, nhất là phải làm trật tự ác ôn, đó là một việc khó. Khó ở chỗ thứ nhất là mang tiếng với gia đình, con cháu, với quê hương là làm trật tự ác ôn ở Côn Đảo. Cái khó thứ hai là làm thế nào để che mắt địch, để giúp đỡ được anh em ta cũng không phải đơn giản, nhiều khi là cuộc đấu trí hết sức cân não. Tuy nhiên, nhờ những anh em như vậy, chúng ta mới làm thành một đường dây (trước đây gọi là Đường dây Côn Đảo). Bộ phận lãnh đạo là Đảng ủy của đảo, còn những anh em đó chỉ là đường dây thông tin thôi. Vấn đề này tôi nêu ra để cho các nhà khoa học nghiên cứu chứ không phải nói ở đây là quan điểm của ai đúng hay sai. Vấn đề kết luận ai đúng ai sai giữa trại 1 và trại 2, tôi nghĩ là cũng khó, bởi vì trong những hoàn cảnh nhất định, người tù đều có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp cách mạng. Nếu không có những loại tù khác nhau như tôi đã nêu, thì khó có điều kiện xây dựng đường dây Côn Đảo được. Phải là những người ở ngoài, ở các sở tù, tù áo trắng, tù áo xanh… mới có điều kiện tổ chức đường dây được, chứ anh em tù nhân bị biệt giam, cấm cố, làm sao mà tổ chức được.
Một vấn đề nữa là tại sao tôi lại phải ở lại đến năm giải phóng mới được ra tù, mà không được địch trao trả sau Hiệp định Paris.
Nhà tù Côn Đảo, nơi ông Đặng Quốc Tuấn bị giam cầm đến 13 năm (1962-1975)
Thứ nhất, trong cuộc đấu tranh phải lựa chọn 2 người hi sinh. Trong tổ chức đấu tranh, bao giờ cũng có những người lãnh đạo, những người xung kích. Tụi tôi lúc đó là thanh niên trẻ khỏe, hăng hái, nên được lựa chọn vào đội xung kích. Chúng tôi lúc đó hăng hái lắm, được giao nhiệm vụ ném lựu đạn vào khán đài cuộc mít tinh, nhằm giết chết viên Đại tá Tỉnh trưởng, biết là nguy hiểm nhưng tinh thần thì vô cùng hưng phấn, tưởng tượng rằng khi mình ném được trái lựu đạn vào khán đài, giết chết nhiều nhân vật cao cấp của tỉnh Bến Tre lúc ấy thì có hy sinh cũng cam lòng. Khi bị địch bắt, bị tra tấn, chúng tôi kiên quyết không khai, chỉ khai rằng thù ghét viên Tỉnh trưởng. Vì mới 17 tuổi, đáng lẽ ra bị án tử hình, nhưng địch chỉ xử 20 năm, theo luật 10/59 lúc đó, không có giảm nhẹ, không có giảm án. Nên án 20 năm có thể nói lúc đó là cao nhất rồi, đối với thiếu niên như hai anh em tụi tôi.
Thứ hai, lẽ ra tôi cũng có thể được trao trả năm 1974 theo quy định của Hiệp định Paris. Tuy nhiên, âm mưu của kẻ thù, các đồng chí đều biết rồi đó, hết sức thâm độc. Chúng tôi là tù án chính trị, nhưng kẻ địch rắp tâm thay đổi hồ sơ của tụi tôi, không tính là tù chính trị, là “nhân viên dân sự” theo pháp lý của Hiệp định Pari, mà bị coi là bọn trộm cướp, hay còn gọi là “gian nhân hiệp đảng”. Chính vì thế, tôi nằm trong số hàng trăm tù nhân, cả tù có án và tù câu lưu, bị địch thay đổi tội danh và không trao trả, bị giam đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để bù lại, địch cho một số tên tay sai chui vào hàng ngũ ta, đưa đi trao trả. Đến Lộc Ninh, hay bờ sông Thạch Hãn, là các địa điểm trao trả, những phần tử này sẽ là những phần tử xung kích, đứng ra nói xấu miền Bắc, ca ngợi chế độ tù đày “nhân đạo” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và “không chịu về với ngục tù cộng sản miền Bắc”, xin tỵ nạn chính trị tại miền Nam Việt Nam, thế giới tự do. Tôi biết tại sân bay Lộc Ninh, có trên 200 tên như vậy, trong tổng số gần 5.000 tù nhân địch phải trao trả. Và tại bờ sông Thạch Hãn cũng vậy, có hàng chục phần tử, dưới con mắt của báo chí quốc tế, đã xin tỵ nạn, ở lại với thế giới tự do miền Nam Việt Nam.
Về vụ ám sát hụt người đàng mình, mãi sau này tôi mới biết. Nhưng lúc đó tụi tôi hăng hái lắm, không giết được ổng tụi tôi cứ tiếc hoài, không hiểu sao lúc đó hai trái lựu đạn không nổ. Chính vì hai trái lựu đạn không nổ, nên có ý kiến là hai trái lựu đạn đã bị vô hiệu hóa từ trước, việc ám sát Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo chỉ là màn kịch do ta dựng lên để tránh những nghi ngờ của kẻ địch đối với ông. Có ý kiến trong công binh xưởng có nội gián của địch, đã vô hiệu hóa 2 trái lựu đạn trước khi giao cho chúng tôi.
Sau này, tôi được biết, chính Phạm Ngọc Thảo, bằng quyền hạn của mình, đã thả hàng nghìn người yêu nước khỏi các trại giam trong tỉnh Bến Tre, trong đó có nhiều đảng viên cộng sản. Chỉ tiếc là ông đã sớm bị lộ, và hy sinh năm 1965, chưa kịp đóng góp được nhiều hơn cho cách mạng.
Đặng Quốc Tuấn kể- Nguyễn Bình ghi