Ngày 19/8/1945, lực lượng công an nhân dân ra đời. Kể từ đó, quá trình xây dựng và trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của lực lượng công an nhân dân gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã đánh bại ý chí xâm lược của Hoa Kỳ, đóng góp vào thắng lợi đó là tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, xả thân của hàng nghìn chiến sĩ an ninh miền Nam
Khẩn trương chuẩn bị thực hiện quyết tâm chiến lược
Ngày 15/12/1967, Thường vụ TWC miền Nam ra chỉ thị số 32-CT/NT Về nhiệm vụ, phương hướng công tác an ninh trong thời gian tới.
Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của lực lượng an ninh miền Nam là: “Hướng vào các đô thị, thị xã, thị trấn và các vùng xung yếu, phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và lực lượng chính trị của quần chúng, đẩy mạnh trừ gian, diệt ác vào bộ máy kìm kẹp, hạ uy thế của địch, tạo thế cho phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy tiến lên tiêu diệt các cơ quan đầu não, các tổ chức công an, tình báo của Mỹ ngụy, các đảng phái phản động của địch một cách triệt để, góp phần đánh sụp ngụy quyền từ Trung ương đến cơ sở”.
Sau khi TWC và Đặc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định tổ chức lại chiến trường, an ninh Sài Gòn-Gia Định được tổ chức lại thành 6 phân khu, Ban An ninh TWC đưa cán bộ lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ tăng cường cho an ninh 6 phân khu do các đồng chí Ngô Quang Nghĩa, Đinh Văn Tùng, Tư Thông, Sáu Thanh, Năm Trà và Hướng Anh làm trưởng đoàn xuống nhập với sáu mũi tiến công của 6 phân khu.
Tại các địa phương khác trên toàn miền Nam, Ban An ninh đều có sự chuyển hướng về tổ chức và chỉ đạo nhằm tăng cường cho các mục tiêu trọng điểm.
Đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư TWC và đồng chí Bùi Thiện Ngộ, cán bộ Ban Nghiên cứu chung của Ban An ninh TWC về Tây Nam Bộ để chỉ đạo tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Giải thể Ban An ninh miền Đông Nam Bộ (T 1), điều đồng chí Nguyễn Văn Còn (Mười Thạch) Trưởng ban và một số đồng chí khác về Ban An ninh TWC.
Rút đội trinh sát bảo vệ chính trị và Ban bảo vệ căn cứ 105 về thành lập đại đội An ninh vũ trang do đồng chí Chín Dũng và đồng chí Tám Kế chỉ huy.
An Ninh TWC điều động đồng chí Thái Doãn Mẫn, Phó Ban an ninh miền Tây Nam Bộ về tham gia Ban lãnh đạo an ninh Đặc khu Sài Gòn- Gia Định.
Ban Thường vụ TWC phân công đồng chí Phạm Thái Bường (Ba Bình), Thường trực TWC, phụ trách Ban An ninh TWC.
Cán bộ, chiến sĩ công an trên toàn miền quán triệt chỉ thị số 32-CT/NT của Thường vụ TWC, gấp rút bố trí lại lực lượng để tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Một đơn vị an ninh vũ trang trao đổi trước giờ tiến công Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Được sự chi viện của Bộ Công an, Ban An ninh TWC tổ chức bộ phận kỹ thuật làm giấy căn cước “Rồng xanh” và các loại giấy “Miễn quân dịch”, “Sự vụ lệnh”, trang bị cho cán bộ chiến sĩ ra vào đô thị hoạt động.
Ban An ninh TWC còn tuyển tân binh, phát triển đại đội an ninh vũ trang thành tiểu đoàn bảo vệ trại giam.
Ngày 15/12/1967, Ban An ninh khu Sài Gòn-Gia Định thành lập đơn vị an ninh vũ trang với nhiệm vụ đánh vào các mục tiêu được phân công là Tổng nha cảnh sát và Nha cảnh sát đô thành.
Lực lượng trinh sát vũ trang cũng được tăng cường biên chế thành hai đại đội, làm nhiệm vụ tiêu diệt các phần tử tình báo đầu sỏ, cảnh sát ác ôn, góp phần chiếm lĩnh các mục tiêu của địch.
Ban An ninh Sài Gòn- Gia Định còn cử một tổ tiền trạm gồm các đồng chí Huỳnh Văn Cang, đồng chí Minh và Dân xuống địa bàn để xây dựng căn cứ cho Bộ Tư lệnh tiền phương.
Trước khi bước vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy, các Ban an ninh đã rà soát lại mạng lưới cơ sở điệp báo, xây dựng được 117 cơ sở mới và hàng nghìn cơ sở bí mật trong các cơ quan tình báo, bình định, chính quyền, đảng phái phản động...
Tại Khu V, Khu ủy chỉ thị an ninh nắm tình hình địch, nhất là lực lượng gián điệp phản động. An ninh Khu V đã xây dựng được 120 cơ sở bí mật, an ninh vũ trang vào thành phố đào được nhiều hầm hào bí mật. An ninh tỉnh Quảng Đà củng cố và xây dựng được 200 cơ sở, đặc biệt là xây được Trần Đăng Sơn, là lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng, đã cung cấp nhiều “Sự vụ lệnh” để đưa đón cán bộ ra vào thành phố Đà Nẵng.
Tại Thừa Thiên Huế, An ninh khu Thừa Thiên- Huế đã vạch kế hoạch và chia lực lượng thành hai bộ phận: Một bộ phận được bố trí ở vùng giáp ranh tiếp nhận những đối tượng bắt được trong tổng tiến công đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, bộ phận này do đồng chí Quỳnh (Sơn) phụ trách. Một bộ phận làm nhiệm vụ tiền tiêu do đồng chí Nguyễn Đình Khiêm (Nguyễn Đình Bảy), Phó Ban An ninh Khu phụ trách.
Tại khu VI, an ninh Khu phân công cán bộ đi sát hai mặt trận chính để chỉ đạo công tác chiến đấu. Các Ban an ninh đều tăng cường cán bộ xuống địa bàn xây dựng cơ sở và nắm chắc tình hình hoạt động của địch phục vụ tổng tiến công.
Tại Khu IX (T3), an ninh Khu và an ninh các tỉnh được cấp ủy bổ sung mỗi địa phương từ 10 đến 20 cán bộ chiến sĩ đã tổ chức huấn luyện cấp tốc cán bộ hỏi cung, trinh sát vũ trang và chuẩn bị chiến sĩ canh gác địa điểm giam giữ, nắm tình hình địch và phân công lãnh đạo, chỉ đạo từng mũi tiến công.
Tại Khu X, an ninh Khu xây dựng kế hoạch cụ thể hướng dẫn an ninh các tỉnh chuẩn bị phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Ban an ninh đã in 20 vạn tờ truyền đơn và các loại thư từ kêu gọi cảnh sát, ngụy quân ngụy quyền, đồng thời phân công cán bộ lãnh đạo khu chỉ đạo trọng điểm thị xã Phước Long.
Trước giờ nổ súng Tổng tiến công và nổi dậy, bộ máy tình báo, gián điệp của địch hầu như không phát hiện và tổ chức đối phó với những hoạt động của ta.
Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân
Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam bắt đầu.
Tại khu trọng điểm Sài Gòn, Ban An ninh TWC cử đồng chí Huỳnh Việt Thắng, Ủy viên Ban cùng một số cán bộ xuống phân khu 1 phối hợp với đoàn của an ninh TWC do đồng chí Ngô Quang Nghĩa phụ trách xuống từ trước, giúp Ban An ninh phân khu chỉ đạo lực lượng an ninh theo sát Bộ Tư lệnh tiền phương 1.
Ngày 29/1/1968, các lực lượng bắt đầu xuất phát từ căn cứ Ba Thu thuộc Long An cách Sài Gòn 60 km, hành quân mất 2 ngày đêm, đến 14 giờ ngày 31/1 mới đến địa điểm tập kết tại Long Cang (Long An), tại đây toàn lực lượng được chia làm 3 mũi tiến vào thành phố.
Tại trường đua Phú Thọ Hòa, lực lượng an ninh TWC đã chiến đấu ác liệt với địch, bảo vệ an toàn cho Bộ Tư lệnh tiền phương 2.
Tại Tổng nha cảnh sát và Nha cảnh sát đô thành, lực lượng an ninh đã phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu, diệt nhiều tên địch, trong đó có nhiều phần tử công an, cảnh sát, mật vụ ác ôn.
Tại Trảng Bàng (Tây Ninh), Dầu Tiếng (Bình Dương) là những chiến trường trọng điểm của tỉnh, lực lượng an ninh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang khác tiến công tiêu diệt nhiều tên địch, truy kích bọn tề điệp ác ôn.
Tại Bà Rịa, lực lượng an ninh phối hợp với bộ đội và du kích tiến công các mục tiêu của địch.
Tại Khu VIII, lực lượng an ninh các tỉnh làm nhiệm vụ nắm tình hình, dẫn đường cho các lực lượng tiến công trụ sở ngụy quyền tỉnh, các ty cảnh sát, cơ quan tình báo, bình định, chiến tranh tâm lý, bảo an chiêu hồi và bộ máy kìm kẹp của địch.
Tại Bến Tre, lực lượng an ninh phối hợp với các lực lượng khác đánh chiếm thị trấn Mỏ Cày, thu nhiều tài liệu, qua đó khai thác làm rõ đường dây 182 gián điệp và phản động.
Tại Gò Công, lực lượng an ninh tiến công nhà giam, giải thoát 22 người, diệt tên Trưởng ty chiêu hồi.
Tại Kiến Phong, lực lượng an ninh dẫn đường cuộc tiến công thị xã Cao Lãnh. Trong tổng tiến công, lực lượng an ninh tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc cùng các lực lượng khác đã đánh hơn 60 trận, tiêu diệt nhiều phần tử tình báo, gián điệp, cảnh sát nguy hiểm của địch.
Cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, năm 1971 (Ảnh tư liệu)
Tại An Giang, lực lượng an ninh phối hợp với các lực lượng khác tiến công Dinh Tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, trại giam, tiêu diệt một số lực lượng địch.
Tại Khu IX Tây Nam Bộ, lực lượng an ninh dẫn đường bộ đội thọc sâu vào hậu cứ địch, đồng thời tiến hành trừ gian, diệt ác. Lực lượng an ninh đã kịp thời phổ biến chính sách Mặt trận, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát đầu hàng nộp, vũ khí tài liệu.
Tại Vĩnh Long, an ninh phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến công Tòa hành chính, Dinh Tỉnh trưởng, Đài Truyền tin, sân bay, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch.
Tại Rạch Giá, lực lượng an ninh tham gia đánh vào Tỉnh đoàn bảo an, kho bạc, Ty cảnh sát, Dinh Tỉnh trưởng, trại giam thị xã.
Tại Cà Mau, an ninh dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm một số mục tiêu như Tòa hành chính , Dinh Tỉnh trưởng,Ty Cảnh binh, Ty ngân hàng, Tỉnh đoàn bảo an.
Tại Khu VI, lực lượng an ninh Bình Thuận làm nòng cốt tiến công Tòa hành chính, Dinh Tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, Ty chiêu hồi, tiến công nhà lao giải thoát 80 người.
An ninh tỉnh Tuyên Đức tiến công thành phố Đà Lạt, đánh chiếm Tòa hành chính Dinh Tỉnh trưởng, Trung tâm cải huấn, tiêu diệt hàng chục tên ác ôn và cảnh sát dã chiến.
Tại Khu V, cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra sớm hơn.
Lực lượng an ninh Phú Yên chia làm hai cánh tham gia tiến công thị xã Phú Yên và huyện Tuy Hòa II. Nhiều cán bộ chiến sĩ an ninh đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh anh dũng.
Tại Kon Tum, an ninh tỉnh phối hợp với bộ đội tiến công tiêu diệt Chi khu cảnh sát Tân Cảnh, tiêu diệt 153 cán bộ bình định, 163 thám báo biệt kích. Tến công thị xã Pleiku, Ty cảnh sát Gia Lai, diệt một số tên, tham gia đánh vào nhà lao, giải thoát 200 người.
Lực lượng an ninh Đắk Lắk tham gia tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt một số phần tử phản động.
Tại Quảng Đà và Quảng Nam, an ninh dẫn đường cho lực lượng vũ trang tiến công Đà Nẵng, Thị xã Hội An, Ty cảnh sát Quảng Tín.
Tại Quy Nhơn, an ninh phối hợp với bộ đội tiến công thị xã, nhà giam quận Tân Phước, giải thoát 60 người.
Tại Quảng Ngãi, lực lượng an ninh tham gia tiến công các mục tiêu, trong đó có trại giam, giải thoát 950 người.
Tại Khánh Hòa, an ninh cùng các lực lượng tiến công thành phố Nha Trang.
Tại Khu Trị Thiên -Huế, an ninh khu phối hợp với an ninh tỉnh tiến công Thành phố Huế, đồng loạt vào 40 mục tiêu của địch. Lực lượng an ninh đã phân loại, tiêu diệt, bắt giữ nhiều phần tử ác ôn của địch, nhiều phần tử đầu hàng, phản bội.
Tại Quảng Trị, ngày 31/1/1968, an ninh phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến công thị xã, bóc gỡ mạng lưới tề điệp.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng an ninh khu Trị Thiên-Huế đã tiêu diệt 2.568 tên địch, trong đó có nhiều phần tử đầu sỏ nguy hiểm, xóa sổ 6 bộ máy ngụy quyền xã, 9 tổ chức đảng phái phản động, 16 tiểu đoàn bình định, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng.
Trong đợt I tổng tiến công nổi dậy lực lượng, an ninh miền Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bắt và tiêu diệt 15.135 tên địch, trong đó có 1.359 tình báo các loại, 35 phần tử CIA, 1.766 cảnh sát, 632 cán bộ bình định nông thôn, 269 an ninh quân đội, 492 ác ôn, trong đó số tiêu diệt 3.409 tên ác ôn đầu sỏ, bắt giam khai thác 1.579 tên khác, khống chế 1.871 nhân viên tề xã, góp phần làm tê liệt bộ máy tề điệp cơ sở của địch[1].
Ta đã tiến công hầu hết các nhà lao, trung tâm cải huấn và trại giam, giải thoát 6.678 cán bộ và đồng bào yêu nước.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt I thu được thắng lợi to lớn, trong đó có đóng góp không nhỏ của lực lượng an ninh miền Nam.
Trong đợt II tổng tiến công và nổi dậy, tháng 5/1968, lực lượng an ninh tiếp tục phối hợp với các lực lượng khác tiến công vào các mục tiêu của địch tại hàng chục thành phố, thị xã, ác liệt nhất là ở mặt trận Sài Gòn- Gia Định.
Tiêu biểu là nhóm của đồng chí Nguyễn Văn Cạn (Út Cạn) và đồng chí Sâm, trinh sát vũ trang nội đô Ban An ninh T4 đã tiến công nhiều mục tiêu địch trong nội đô, tiêu diệt nhiều tên địch, gây hoảng loạn hậu phương chính quyền Sài Gòn.
Tuy nhiên, sau hai đợt tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng vũ trang ta nói chung và lực lượng an ninh miền Nam nói riêng đã bị thiệt hại nặng nề, nên đến tháng 9/1968, quân và dân miền Nam tiến mở đợt tiến công thứ ba, nhưng sức tiến công đã bị hạn chế nhiều, chủ yếu dựa vào hỏa lực pháo binh.
Qua ba đợt tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, lực lượng an ninh miền Nam đã cùng toàn quân và dân miền Nam tiến công hàng trăm mục tiêu quan trọng của địch tại các thành phố, thị xã, giành thắng lợi to lớn, nhất là đợt I, đạt được mục tiêu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy là đánh bại ý chí xâm lược của chính quyền Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán hòa bình Paris.
Góp phần vào thắng lợi to lớn đó, hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ an ninh và cơ sở an ninh miền Nam đã hi sinh anh dũng.
Tuy nhiên, sự hi sinh của các anh đã làm cho ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mỗi ngày một đến gần.
Hải Đăng
[1] Bộ Công an, Ban Nghiên cứu tổng kết Lịch sử Công an nhân dân: Lịch sử công an nhân dân Việt Nam (1954-1975), Sơ thảo, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 351-352.