An toàn khu là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự tồn tại và hoạt động cơ quan lãnh đạo của Đảng, có ý nghĩa to lớn đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945
Trầm Lộng là một xã lớn ở phía Nam huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trầm Lộng là An toàn khu của Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Trầm Lộng là vùng đất giáp ranh giữa các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức và Kim Bảng (Hà Nam). Đây cũng là nơi nằm giữa các trục đường giao thông lớn như đường 75, đường 60, đường 22, đường số 1 thuận tiện liên lạc với các miền, các địa phương khác, có nhiều cửa ngõ ra vào như: từ Vân Đình qua Tảo Khê, hoặc theo đường 75 đi xuống; bên Mỹ Đức đi sang; từ Cầu Giẽ - Đồng Văn - Phủ Lý đi vào hoặc chợ Dầu (Kim Bảng) đi lên. Trầm Lộng còn là vùng chiêm trũng, tương đối hẻo lánh, đi lại bằng cơ giới khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Đến giữa năm 1941, Trầm Lộng đã thành lập được Mặt trận Việt Minh xã và các tổ chức quần chúng yêu nước, vì thế, đầu năm 1942, đồng chí Bạch Thành Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông được Xứ ủy cử xuống khảo sát các cơ sở ở vùng Nam Ứng Hoà. Sau đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt về kiểm tra và quyết định lấy địa bàn Trầm Lộng là trung tâm của An toàn khu, là nơi cơ quan Xứ uỷ ở và làm việc. Ban cán sự An toàn khu Trầm Lộng gồm: Trưởng ban: đồng chí Trần Thị Minh Châu (còn gọi là Mai), Phó ban: đồng chí Thỉnh (Bình Phương).
Ban cán sự An toàn khu đã đề ra kế hoạch:
- Thành lập chi bộ Đảng ở khu trung tâm -Trầm Lộng
- Bố trí nơi làm việc của Xứ uỷ, nơi đặt cơ quan in tài liệu, nơi tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ, địa điểm họp của Xứ uỷ.
- Củng cố, mở rộng phong trào cách mạng ở Trầm Lộng và các cơ sở xung quanh làm vành đai bảo vệ An toàn khu.
- Đình chỉ các cuộc đấu tranh công khai rầm rộ như: treo cờ, diễn thuyết, rải truyền đơn ở khu vực trung tâm nhưng vẫn sử dụng những hình thức hợp pháp, tổ chức đấu tranh bảo vệ đời sống nhân dân, rèn luyện tinh thần và kinh nghiệm đấu tranh cho quần chúng[1].
Thực hiện kế hoạch trên, Ban cán sự đã lựa chọn một số cán bộ cốt cán ở Trầm Lộng, tổ chức bồi dưỡng học tập Điều lệ tóm tắt của Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng, bố trí địa điểm liên lạc, nơi ở và làm việc cho đồng chí Hoàng Quốc Việt (nhà bà Tạ Thị Nấm, sau chuyển về nhà cụ chủ Đàn), nơi in tài liệu, hội họp, thảo luận, tổ chức các lớp huấn luyện …
Di tích lịch sử Chùa Chòng, xã Trầm Lộng
Hệ thống các địa điểm hoạt động của An toàn khu Trầm Lộng được hình thành, gồm:
-“Chùa Chòng: là địa điểm trung tâm hoạt động của An toàn khu, là nơi đón tiếp, nuôi giấu cán bộ của Xứ ủy và một số cán bộ của Trung ương: đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Bình Phương, đồng chí Bùi Quang Tạo, đồng chí Trần Thị Minh Châu, đồng chí Bạch Thành Phong.
- Đình Cụ ở ngoài xứ đồng Cửa Sỹ, nằm trên một gò đất cao, xung quanh là ruộng lúa, năm 1942 đây là nơi hội họp chính của Xứ uỷ.”
- Nhà bà Nguyễn Thị Bút: là nơi đặt xưởng in đầu tiên, sau đó chuyển ra nhà Tổ chùa Chòng, đây cũng là nơi đặt cơ quan tài chính của Xứ uỷ.
- Nhà ông Nguyễn Văn Dần tổ chức thành xưởng dệt để làm địa điểm liên lạc.
- Nhà ông Nguyễn Văn Thìn làm nơi họp kín, thảo luận công việc…
- Và nhiều gia đình khác là nơi nghỉ ngơi, làm việc, nơi tổ chức lớp huấn luyện của Xứ uỷ, địa điểm đưa đón cán bộ đi về An toàn khu Trầm Lộng: đồng chí Hoàng Quốc Việt (gia đình bà Tạ Thị Nấm, ngôi điện thờ của gia định cụ Lê Văn Vinh), Bạch Thành Phong, đồng chí Trường Chinh, Văn Tiến Dũng,…
Để bảo vệ An toàn khu, Mặt trận Việt Minh Trầm Lộng chú trọng công tác bảo mật phòng gian, nuôi giấu bảo vệ cán bộ Đảng.“Khi Xứ uỷ có hội nghị hay lớp huấn luyện công tác hoặc đưa đón cán bộ, chi bộ thường chia các hội viên phụ trách các chặng đường, mỗi chặng có dấu hiệu riêng. Tham gia công tác bảo vệ còn có thanh niên, phụ nữ và thiếu nhi, khi đi thăm đồng, chăn trâu, cắt cỏ... đều thuộc tín hiệu, báo động mỗi khi có địch về làng. Do vậy, Trầm Lộng đã bảo vệ thành công nhiều cuộc họp, trong đó có những cuộc họp có sự tham gia của các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự An toàn khu, phong trào cách mạng ở Trầm Lộng có bước phát triển mạnh mẽ. Công tác phát triển cơ sở, vận động, tuyên truyền, tập hợp quần chúng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng, đến cuối năm 1942, Trầm Lộng đã có số hội viên Mặt trận Việt Minh khoảng 70 người. Nhiều thôn xóm ở Trầm Lộng hầu như gia đình nào cũng có hội viên Cứu quốc. Phong trào đã thể hiện được tính chất mặt trận rộng rãi, tập hợp được đông đảo nông dân lao động, tranh thủ được một số người ở tầng lớp trên, có cả hào lý, sư ở chùa, …
Cùng với sự lớn mạnh của phong trào quần chúng, Ban cán sự An toàn khu chú trọng xây dựng đảng ở cơ sở, kết nạp đảng viên. Ngày 20/6/1942, tại nhà bà Tạ Thị Nấm, chi bộ xã Trầm Lộng được thành lập, “gồm 4 đảng viên: Phạm Hồng Tùy, Nguyễn Văn Diệp, Phạm Thị chuốc và đồng chí Đặng Đình Tân (Bí thư chi bộ)”[2].
Ban cán sự cũng nhanh chóng củng cố, kiện toàn Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc của xã.
Phương châm hoạt động của An toàn khu là nhẹ nhàng, tránh các hoạt động rầm rộ, tổ chức đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân khéo léo mà không bộc lộ lực lượng, như thuyết phục lý dịch khai giấu diện tích (đồng chí Phạm Đình Hồng thuyết phục lý dịch giấu diện tích trể trốn thuế), xin giảm việc trồng đay, nộp thóc đạt được một số kết quả, hạn chế sự bóc lột…tìm cách bỏ truyền đơn, thư hiểu dụ của cách mạng vào quang gánh của vợ con, thân nhân các hào lý, đêm tối ném truyền đơn, lời kêu gọi vào trong sân nhà…
Giáo dục truyền thống anh hùng của quê hương Trầm Lộng cho thế hệ trẻ
Cuối năm 1942, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, Mặt trận Việt Minh Trầm Lộng tổ chức một cuộc mít tinh vào ban đêm tại cánh đồng Na, có hơn 100 quần chúng cứu quốc và cảm tình tham dự.
Các hình thức đấu tranh khác là tuyên truyền, vận động, tổ chức các nhóm học chữ quốc ngữ vào ban đêm, lập Hội Tương Tế, hội Võ, vận động cải cách hủ tục ở nông thôn…
Phong trào cách mạng phát triển mạnh góp phần bảo vệ đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng. “Đêm ngày 7/11/1942, quân Pháp vây bắt đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều cán bộ đang dự lớp tập huấn công tác phụ vận và đồng chí Bình Đà nhưng không thực hiện được. Nhờ lòng dân yêu nước, một lòng một dạ bảo vệ cán bộ Đảng, Xứ ủy và Ban Tỉnh ủy vẫn được bảo vệ an toàn, An toàn khu Xứ ủy chuyển đi nơi khác”[3].
Tuy nhiên, địch cũng tiến hành khủng bố, bắt một số cơ sở cách mạng như cha con ông Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Văn Diệp ngày 12/11/1942. Đêm 26/11/1944, mật thám bắt đồng chí Bùi Quang Tạo tại chùa Chòng. Cuối năm 1942, mật thám vây bắt đồng chí Thái, cán bộ ấn loát của Xứ ủy, nhưng đồng chí đã được giải thoát kịp thời.
Sau vụ khủng bố này, để bảo đảm an toàn, Xứ uỷ quyết định chuyển An toàn khu về Bắc Ninh. Phong trào cách mạng ở Trầm Lộng hơn một tháng sau cũng ổn định trở lại. Đồng chí Trần Thị Minh Châu - Bí thư Ban cán sự, đồng chí Thỉnh- Phó Bí thư Ban cán sự được bổ sung vào Ban Tỉnh uỷ Hà Đông làm Bí thư và Phó bí thư.
An toàn khu đóng ở Trầm Lộng chỉ gần một năm (1942) nhưng nhân dân Trầm Lộng đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu của Đảng, đồng thời để lại những kinh nghiệm về công tác bảo vệ tổ chức, về lựa chọn cán bộ, đảng viên cho dù ở cương vị nào cũng phải tuyệt đối trung thành, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.
Nhân dân các địa phương ở Trầm Lộng đã đóng góp lớn trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ, che giấu cán bộ của Đảng, Xứ ủy. Nhiều tấm gương sáng ngời tinh thần cách mạng, là những gia đình nghèo khổ, lam lũ đã nhường cơm xẻ áo, nuôi dưỡng cán bộ, coi cán bộ như người thân trong gia đình. Từ em nhỏ tới cụ già, đã trở thành những người bảo vệ tin cậy, đảm bảo cho cán bộ Trung ương ăn, ở đi lại lại, hoạt động an toàn. Những tấm gương tiêu biểu như:“nhà bà Chén, nhà bà Tạ Thị Nấm, nhà ông Lý Tùy, nhà cụ Dậu, nhà bà Nguyễn Thị Đức, nhà ông Nguyễn Văn Hội, nhà bà Nguyễn Thị Bút, nhà bà Phạm Thị Ngảnh, nhà ông Nguyễn Văn Thêm, nhà bà Bùi Thị Diễn, nhà ông Dưỡng, Đình Đông, nhà ông Nguyễn Văn Nghìn...là những nơi che giấu, nuôi dưỡng, đưa đón cán bộ cách mạng, trong đó có các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Trần Thị Minh Châu, Bạch Thanh Phong, Bùi Quang Tạo,... Nhiều cơ sở đã thể hiện tinh thần ý chí cách mạng cao, bình tĩnh tháo vát trong công tác, nhất là trong các tình thế khó khăn như chị Phạm Thị Chuốc, cha con đồng chí Nguyễn Văn Diệp… khi bị bắt, bị tra tấn nhưng không bị khuất phục, giữ vững tinh thần cách mạng kiên trung.
Nhân dân Trầm Lộng góp phần bảo sự lãnh đạo của Thường vụ Trung ương liên tục, kịp thời đối với phong trào cả nước. An toàn khu Trầm Lộng là nơi cơ quan lãnh đạo Xứ ủy về đóng và tổ chức được các lớp huấn luyện cho cán bộ địa phương, nơi đặt xưởng in (ở nhà Tổ của chùa Chòng) để in ấn tài liệu của Đảng.
Cùng với các địa điểm khác được chọn làm An toàn khu như: Vạn Phúc, La Dương, Tảo Khê...., Trầm Lộng đã làm tròn nhiệm vụ của mình và xứng đáng là quê hương anh hùng cách mạng.
Trong lần về thăm lại Trầm Lộng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nói: “Là một trong những đồng chí lãnh đạo của Xứ uỷ lúc đó, tôi nhiệt liệt biểu dương lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường của đồng bào, đồng chí xã Trầm Lộng đã góp phần công sức vào sự nghiệp cách mạng”. Đó là gốc rễ bền chắc để cho các An toàn khu của Đảng trên địa bàn Hà Nội dù trải qua bao lần địch càn quét, khủng bố vẫn được duy trì, phát triển và khi thời cơ đến đứng lên giành độc lập.
Tuấn Đạt
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Trầm Lộng: Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Trầm Lộng, tập 1 1936-1954, xuất bản năm 1997, tr.31,32.
[2] Đảng bộ huyện Ứng Hoà: Lịch sử Đảng bộ huyện Ứng Hòa, t.1 (1930-1945), 1993, tr. 62
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội: Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, t.1 (1926-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.236.