Anh không quan tâm nhiều đến Đông Dương và hoạt động của Anh ở Đông Dương là không đáng kể. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ chống phát xít Nhật, Bộ Tư lệnh quân đội Anh tại Ấn Ðộ đưa ra kế hoạch tung một lực lượng chống Nhật (thực chất là một đường dây tình báo) gồm những người bản xứ xuống các thuộc địa của Anh, Pháp bị Nhật chiếm từ đầu cuộc chiến tranh.
Mục đích của kế hoạch này là muốn hỗ trợ lực lượng địa phương đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích ở các khu vực nói trên, chuẩn bị cho những chiến dịch lớn của quân Ðồng Minh, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn phát-xít Nhật.
Lực lượng trong đường dây tình báo mà người Anh nhắm đến để tung vào chiến trường Ðông Dương là những tù chính trị người Việt Nam - những thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đang bị giam giữ tại Madagascar[1].
Tại Madagascar vào thời điểm đó, Pháp đang giam cầm 27 người tù chính trị thuộc các khuynh hướng khác nhau. Đầu tháng 11/1942, quân đội Anh chiếm Madagascar, các tù nhân Việt Nam được trả tự do. Trong thời gian chưa tìm ra đường về nước, các cựu tù nhân chính trị Việt Minh đã sống tại đây và đến tháng 3/1943, được quân Đồng Minh Anh- Pháp gọi nhập ngũ phục vụ cho kế hoạch tung điệp viên xuống các thuộc địa.
Quân đội Anh đã xây dựng một đường dây tình báo và nhiều điệp viên trong đường dây này là những thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương[2] như Hoàng Đình Giong[3], Dương Công Hoạt, Lê Giản (Tô Dĩ), Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Vũ Văn Địch, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Văn Minh), Trần Hiệu và 12 người khác.
Đồng chí Lê Giản (bên trái) cùng đồng chí Phạm Hùng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Những cán bộ Việt Minh được chia thành nhiều đợt nhập ngũ[4], lúc đầu hầu hết được đưa tới Đại đội 1 thuộc "Quân chí nguyện Đông Dương" của lực lượng De Gaulle sau đó chuyển sang quân đội Anh) và được di chuyển đến Trung tâm tình báo Anh Calcutta tại Ấn Độ (thuộc địa của Anh), để tham gia huấn luyện sử dụng điện đài, nhảy dù, học các lý thuyết hoạt động tình báo, cách đánh morse và dịch mật mã...Tham gia huấn luyện họ còn có các nhân viên OSS. Trong quá trình huấn luyện, họ bị giám sát kỹ, nên ý định liên lạc với những người cộng sản Ấn Độ không thành.
Tháng 3/1945, chỉ huy tình báo Anh cho máy bay B-29 của Anh chở Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Văn Phòng bay từ Dakar qua vịnh Bengal, vịnh Thái Lan vào vịnh Bắc Bộ tới châu thổ sông Hồng.
Theo kế hoạch, ba tình báo viên người Việt sẽ nhảy dù cùng điện đài xuống khu vực Miếu Môn để hoạt động, nhưng vì vấp phải mạng lưới pháo phòng không dày đặc của phát xít Nhật bắn lên, cộng thêm sương mù dày đặc, nên máy bay đã phải quay về.
Điệp vụ thứ hai đã được định vị theo đúng hành trình cũ và được tiến hành vào tháng 5/1945 và toán tình báo đã nhảy dù thành công xuống làng Tiên Lữ (huyện Quốc Oai), sau đó tìm về được nhà Trần Hiệu ở Phúc Lâm (Mỹ Đức) và ít ngày sau đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ.
Tháng 10/1943, quân đội Anh đưa Hoàng Đình Giong về Việt Nam bằng máy bay từ Ấn Độ sang Trung Quốc, theo con đường Tĩnh Tây - Pác Bó - Hà Quảng (Cao Bằng) rồi bí mật đến Hòa An.
Đồng chí Hoàng Đình Giong (Ảnh tư liệu)
Tại đây, Hoàng Đình Giong tìm cách liên lạc, báo cáo tình hình với Việt Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về việc lợi dụng danh nghĩa đứng trong lực lượng Đồng Minh để hoạt động.
Chủ trương này được Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ; theo đó, các tài liệu cho Đồng Minh sẽ được Việt Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương chuẩn bị và kiểm soát.
Tài liệu mà Hoàng Đình Giong mang trở lại Ấn Độ đã khiến tình báo Anh rất hài lòng và từng bước chiếm được sự tin tưởng của họ.
Cuối tháng 10/1943, Hoàng Đình Giong một lần nữa lại trở về Việt Nam nhưng lần này cùng với Lê Giản. Hai người nhảy dù xuống huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằn. Hoàng Đình Giong và Lê Giản bắt liên lạc với Hồng Kỳ, tức Đoàn Văn Nhật, một người bạn tù chính trị của họ ở nhà tù Sơn La; được Vũ Anh, đại diện Tỉnh ủy Cao Bằng đón tiếp.
Sau khi nhận được báo cáo của Vũ Anh, Việt Minh chỉ đạo họ giữ liên lạc thường xuyên với người Anh, xin thêm điện đài, thuốc men và vũ khí.
Chuyến nhảy dù tiếp theo xuống Cao Bằng gồm Phan Bôi và Dương Công Hoạt được thực hiện cuối tháng 11/1944. Trong lần này, không quân Anh thả hàng tiếp tế gồm radio, pin, chăn màn, quần áo, thuốc men, một số dụng cụ y tế..., riêng vũ khí mà Việt Minh đề nghị, người Anh trả lời sẽ gửi sau.
Nhóm cuối cùng gồm Nguyễn Văn Phòng, Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Văn Địch nhảy dù xuống Chương Mỹ, họ tìm được nơi ẩn náu an toàn và bắt liên lạc với Việt Minh.
Sau khi bắt liên lạc với Việt Minh, Vũ Văn Địch được đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ là Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ giữ liên lạc thường xuyên qua điện đài với người Anh, chuẩn bị tổ chức liên lạc bằng điện đài giữa Việt Minh với người Anh để nhận các chỉ thị và phối hợp hành động.
Như vậy, tham gia đội quân tình báo, các cán bộ Việt Minh đã tận dụng các kỹ năng được huấn luyện, vừa tranh thủ sự giúp đỡ của quân đội Anh để có thêm hàng tiếp tế, vừa cung cấp cho tình báo Anh những thông tin đã được Việt Minh kiểm duyệt.
Một số cán bộ được tình báo Anh đào tạo sau này trở thành những cán bộ Việt Minh kỳ cựu, đóng góp nhiều cho sự nghiệp cách mạng như Hoàng Đình Giong, Lê Giản…
Lê Minh
[1] Christopher E. Goscha (2007), “Intelligence in a time of decolonization: The case of the Democratic Republic of Vietnam at war (1945–50)”, Intelligence and National Security, Volume 22, Issue 1, p.106.
[2] Sanford B. Hunt, IV, B.A (2004), Dropping the baton: decisions in United States policy on Indochina, 1943-1945, Ibid, p.97.
[3] Hoàng Đình Giong sinh ngày 1/6/1904, tại Cao Bằng. Ông có các bí danh như Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, cụ Vũ, là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926 và hy sinh năm 1947. Ông đã lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng như: nguyên Bí thư Chi bộ Hải ngoại Long Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I), Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 6, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9.
[4] Đợt đầu (3/1943) gồm có: Hoàng Đình Giong (tức Vũ Đức, sau là Khu trưởng Khu 9, Khu 6) và Đoàn Ngọc Rê (tức Cao Dương Tiệp, Dương Công Hoạt, sau là Ủy viên Ban Dân tộc Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ). Đợt 2 (6/1943) gồm có Phan Bôi, Tô Dĩ (Lê Giản), Nguyễn Văn Phòng. Đợt 3 là Trần Hiệu và 12 người khác.