Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 – Tuyên ngôn đổi mới văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặt hái được nhiều quả ngọt, có tác dụng mở đường, cơ cấu lại nền văn hóa nước nhà. Tính chất mở đường của nó thực sự vĩ đại và cách mạng, đặt nền móng cho toàn bộ sự lãnh đạo văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam về sau.
Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. Nguồn: baotanglichsu.vn
Văn hóa là cầu nối giữa con người với con người, giữa quá khứ với tương lai, giữa dân tộc với dân tộc, giữa các quốc gia với nhau – văn hóa là một sợi dây liên kết. Có thể nhận định rằng, kinh tế, chính trị là sự khẳng định về vị thế còn văn hóa là khẳng định về sự tồn tại của một đất nước, là yếu tố phân định quốc gia này với quốc gia khác.
Văn hóa Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử, với chiều dài của thời gian và chiều sâu của tâm hồn Việt đang bước những bước tiến vào quá trình toàn cầu hóa. Giống như kinh tế, cũng sẽ có lúc vấp váp nhưng điều cốt yếu là văn hóa Việt Nam phải trụ vững và trở thành chỗ dựa cho toàn xã hội. Nhưng để có thể trụ vững được thì đòi hỏi phải có đường hướng phát triển văn hóa đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt Nam - với tư cách lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội đã đề ra đường lối văn hóa đúng đắn. Trên thực tế, Đảng đã làm điều đó, thông qua việc Đảng ta đưa ra Đề cương về văn hóa năm 1943 và nhiều văn kiện quan trọng khác về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 – tuyên ngôn đổi mới văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản đã thu được những thành tựu rất to lớn khi đi vào cuộc sống. Tác dụng mở đường, cơ cấu lại nền văn hóa Việt Nam rất rõ rệt. Nó tạo ra một sự phát triển hài hòa mới giữa cá nhân và cộng đồng, giữa dân tộc và quốc tế, mà nền văn hóa truyền thống chưa hề có. Tính chất mở đường của nó thực sự vĩ đại và cách mạng, nó đặt nền móng cho toàn bộ sự lãnh đạo văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam về sau. Đặc biệt là việc đề ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa thì Đề cương về văn hóa đã xứng đáng trở thành ngọn đuốc soi đường cho đường lối phát triển văn hóa của Đảng sau này. Giáo sư Nguyễn Đức Bình trong bài viết “Vì một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đưa ra nhận xét về giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, mà theo tôi là xác đáng, ông xem đó là “đỉnh cao của trí tuệ đương thời, là nhận thức sắc bén về tình hình, là dự báo khoa học về tương lai, là sức mạnh tinh thần to lớn mà đất nước đang cần”[1] . 80 năm trôi qua, những nội dung được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn đúng đắn đối với điều kiện nước ta hiện nay.
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, trong tình hình đang diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đứng trước những thời cơ và thử thách mới. Đối tượng của cách mạng nước ta lúc bấy giờ ngoài đế quốc Pháp còn có thêm chủ nghĩa phát xít rất hung bạo. Ngoài bọn phong kiến, còn có những phần tử phản động đủ loại tăng nhanh chưa từng thấy. Cùng lúc ấy, chủ nghĩa phục cổ, chủ nghĩa Trốtkít, chủ nghĩa Đại Đông Á,…đã tung vào xã hội Việt Nam các triết thuyết lừa dối và một chủ nghĩa dân tộc giả hiệu. Trong tình hình xã hội phức tạp như vậy, Đảng ta với trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân Việt Nam, sau khi phân tích sâu sắc những mâu thuẫn đang vận động trong xã hội, đã đi đến quyết định quan trọng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo văn hóa để phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh chính trị đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt. Trên quan điểm “mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”[2], ngay từ Hội nghị Trung ương tháng 11 năm 1940, đã nêu ra nhiệm vụ trọng đại của văn hóa mới Việt Nam: xóa bỏ hệ thống giáo dục cũ, hình thành hệ thống giáo dục mới, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Chính lúc nhiều khuynh hướng xã hội đã tung ra các triết thuyết văn hóa không phù hợp và lợi ích cơ bản của Đảng và dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam khẳng định rằng: “có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả”[3].Trên quan điểm ấy Đảng ta đã công bố bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Thực chất đây là một bản tuyên ngôn về bản chất nền văn hóa dân tộc; nó mang rõ nét một phác thảo về cương lĩnh xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo lập trường mác-xít.
Đề cương về văn hóa Việt Nam là sản phẩm tất yếu và chín muồi của khát vọng đổi mới đã chứa chấp trong lòng văn hóa hàng thập kỷ. Sau sự thất bại của Nho giáo trong việc giải quyết những vấn đề dân tộc và dân chủ đã chứa chấp cả ngàn năm trong lịch sử dân tộc, có khuynh hướng ưu tiên trong xã hội, các tầng lớp thanh niên năng động nhất của lịch sử muốn thoát khỏi các nút thắt của Nho giáo. Sự bất bình đẳng giới tính, bất bình đẳng thế hệ, bất bình đẳng tầng lớp, giai cấp, dân tộc là những cản trở to lớn trên con đường đổi mới văn hóa vào những năm 30 – 40 của thế kỷ này.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khái quát lại cả quá trình phát triển hàng ngàn năm của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời nêu lên những thủ đoạn của bọn phát xít trong các chính sách văn hóa phản động của chúng. Đề cương đã chỉ ra tiền đồ văn hóa của dân tộc Việt Nam phải gắn với cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, phản đế, phản phong dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Đề cương về văn hóa đã phân tích lịch sử văn hóa Việt Nam theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Chính phép biện chứng mác-xít đã tạo ra một cách nhìn mới của Đảng ta về mối quan hệ của văn hóa với sự vận động thực tế và toàn diện của các mâu thuẫn xã hội. Đề cương đã trình bày những nội hàm chủ yếu của văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật (khoa học) nghệ thuật (văn học, nghệ thuật). Đề cương xác định văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) mà ở đó, người Cộng sản phải hoạt động, phải lãnh đạo cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa. Cách nhìn này đã dẫn tới kết luận rằng: văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta sẽ tiến từ nền văn hóa dân chủ mới đến nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam đều chỉ ra rằng, cái gốc của đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng không phải cái gì khác mà chính là Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943; và từ cái gốc rễ “nguồn cội” ấy, cây “văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa” ở nước ta đã đâm chồi, nảy lộc, vươn cành ngày càng xanh tươi, nở hoa, kết trái, đã và đang đem lại hương thơm, vị ngọt cho đời.
[1] Tập thể tác giả, Văn hóa Việt Nam – một chặng đường, Nxb. Văn hóa thông tin và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1994, tr.28
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề cương về văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.12
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề cương về văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.12
Trung Tấn