Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2-1-1963 là chiến thắng lớn đầu tiên của quân và dân miền Nam trong quá trình tiến lên đánh bại quân lực Việt Nam Cộng hòa được Hoa Kỳ xây dựng và huấn luyện, hỗ trợ hành quân. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn từng đánh giá: Với chiến thắng Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng được ta, thì đến chiến thắng Bình Giã, Mỹ thấy sẽ thua ta trong chiến lược "chiến tranh đặc biệt"
Những khó khăn và chủ trương, quyết tâm của ta
Trong những năm 1961- 1962, cùng với việc gia tăng cố vấn quân sự, Mỹ giúp Việt Nam Cộng hòa xây dựng quân đội và đưa vào miền Nam Việt Nam nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Đồng thời, quốc sách ấp chiến lược nhằm tách dân ra khỏi Đảng, tách quân ra khỏi dân, “tát nước bắt cá” thực thi ngày càng gay gắt.
Những cố gắng chiến tranh của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đặc biệt là chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận, bổ lưới phòng lao…, gây cho cách mạng miền Nam nhiều thiệt hại. Trong năm 1962, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh càn quét, gây thương vong cho lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam hơn 5.000 người, lấy và làm hỏng 22.000 khẩu súng, giết 5.728 và làm bị thương 1.680 dân thường, bắt 7.284 người, đốt phá 24.188 nhà dân, tàn phá 3 vạn mẫu hoa màu... Tâm lý ngại đối đầu với các cuộc hành quân của địch có sử dụng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” khá phổ biến ở các địa phương[1].
Tường Mỹ P. Harkin cho rằng, “trực thăng vận” và “thiết xa vận” là ưu thế của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong so sánh lực lượng và thực tế đọ sức với quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Chủ trương của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa là áp dụng ngày càng phổ biến chiến thuật này vì trực thăng sẽ đưa quân đến chiến trường nhanh nhất và phục vụ tải thương có hiệu quả. Theo báo cáo, thiệt hại về nhân mạng đã giảm được tới 50 % do áp dụng chiến thuật trực thăng vận. Trong khi tính cơ động của trực thăng, xe thiết giáp rất cao, quân giải phóng miền Nam chỉ dựa vào đôi chân của mình.
Không thể để địch tung hoành, gây thêm tội ác, không thể cứ mãi né tránh các cuộc càn quét của địch, các cấp ủy Đảng và chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã họp bàn tìm biện pháp hiệu quả chống lại những chiến thuật chiến tranh hiện đại của địch.
Tháng 4-1962, địch mở cuộc hành quân Hải Yến ở Phú Yên. Quân và dân Phú Yên anh dũng chống càn và làm nên chiến thắng Phường Lụa ở đồng bằng Phú Yên, thu được thắng lợi lớn về tiệu diệt địch, có ý nghĩa về chiến thuật, hạ được xe bọc thép và máy bay lên thẳng của địch. Đây là trận đầu tiên ta chống lại có kết quả chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của quân ứng chiến cơ động của địch, thu được vũ khí. Ngày 6/9/1962, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kịp thời tổng kết chiến thắng này, phổ biến kinh nghiệm chiến đấu cho Nam Bộ và các chiến trường vận dụng, nhằm thoát khỏi khó khăn, đưa cuộc kháng chiến tiến lên.
Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương, bên cạnh việc chống phá ấp chiến lược, phải đánh bại địch về quân sự, trước hết đánh bại các chiến thuật chiến tranh hiện đại của địch. Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chống càn quét, bắn hạ máy bay lên thẳng và xe bọc thép của địch, học tập kinh nghiệm chiến thắng Phường Lụa tại Phú Yên. Trong dịp này, Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị quân sự, kết luận: “Lực lượng vũ trang ta có khả năng đánh càn quét thắng lợi, dựa vào làng xã chiến đấu. Kết hợp ba mũi giáp công. Phải đứng lại chống càn, không né tránh, đánh cả với trực thăng và xe bọc thép”của địch.
Ấp Bắc, nơi đánh dấu sự phá sản bước đầu chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”
Ngày 2/1/1963, phát hiện lực lượng vũ trang giải phóng tại xã Tân Phú Trung, Cai Lậy, Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa huy động một lực lượng lớn với các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, càn quét vào căn cứ của ta. Tướng Việt Nam Cộng hòa Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và 2 đại tá cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân càn quét được đặt tên là “Đức Thắng 1/13” này. Tướng Mỹ P. Harkins, Tư lệnh MACV đích thân duyệt kế hoạch và theo dõi cuộc hành quân. Mỹ và Việt Nam Cộng hòa huy động vào cuộc hành quân 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt động quân, 3 đại đội bảo an, 3 đại đội dân vệ và 1 đơn vị biệt kích với quân số khoảng 1.400 người, có 13 xe M 113, 13 tàu chiến, 6 máy bay ném bom, 15 máy bay lên thẳng, 4 máy bay trinh sát, 6 máy bay vận tải, 12 khẩu pháo.
Đã được chuẩn bị kỹ về tư tưởng và trận địa, lực lượng vũ trang giải phóng đứng chân trên địa bàn Ấp Bắc đã nghi binh, giữ kín trận địa, bất ngờ tiến công đội hình địch đang đổ quân. Cuộc chiến đấu kéo dài từ 5 giờ sáng đến 20 giờ ngày 2/1/1963. Lực lượng vũ trang giải phóng đã bẻ gãy 5 đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên địch, bắn hỏng 14 máy bay lên thẳng, trong đó có 5 chiếc bị bắn rơi, bắn cháy 3 xe bọc thép M.113, bắn chìm 1 tàu chiến. Giữa đồng bằng, lần đầu tiên quân giải phóng miền Nam với lực lượng cấp tiểu đoàn đã trụ bám, đánh bại cuộc hành quân của địch với quân số đông hơn gấp 4 lần, có sức cơ động cao và sự chi viện hỏa lực lớn. Lực lượng vũ trang giải phóng chỉ hy sinh 18 người, bị thương 39 người và sau đó rút lui bảo toàn lực lượng, trước khi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường quân đội và hỏa lực mở đợt tiến công mới.
Nhà sử học Neil Sheehan trong cuốn “Sự lừa dối hào nhoáng” ghi lại hồi tưởng của Trung tá cố vấn Mỹ J.Paul Vann khi ngồi trên máy bay L 19 chỉ huy cuộc hành quân: “Khi quan sát 10 chiếc CH 21 chở đại đội bộ binh đang hạ cánh xuống vùng đất bùn xám lúc 7 giờ 30 phút sáng và toán quân đổ bộ không gặp trở ngại nào thì Vannhiểu ngay rằng hy vọng và ước muốn của ông ta đã không thành”. Vann biết rằng quân đội Sài Gòn đã mắc kế nghi binh của quân giải phóng. “Kết quả là đến giữa trưa, quân du kích Việt Cộng đã lập được một kỷ lục mới trong chiến tranh. Họ hạ được năm chiếc trực thăng và họ cũng đánh lừa được Vann lần thứ hai”[2].
Một phi công Mỹ tháo chạy khỏi chiếc máy bay lên thẳng bị bắn rơi tại Ấp Bắc
(Ảnh tư liệu)
Neil Sheehan đã thuật lại hồi tưởng của một phi công trực thăng Mỹ: “Hơi nóng của napal thật khủng khiếp, chỉ vài phút sau cánh đồng đã ngột ngạt hơi nóng. Anh cảm thấy khó thở và ngạc nhiên không hiểu vì sao Việt Cộng có thể chịu đựng được hơi nóng ngạt thở của loại xăng độc này. Anh khom người để xem du kích có bỏ chạy không ? cố tìm trong hàng cây dấu hiệu của sự chuyển động, nhưng chẳng tìm thấy gì. Quân du kích vẫn không rút lui”[3]. Báo Mỹ Tin hằng tuần, số ra ngày 14/9/1963 viết “Họ được huấn luyện tốt, sau những loạt dội bom napal, bắn đạn rốc két, liên thanh, nã đại bác xong, họ lại tiếp tục chiến đấu như thường”[4].
Phối hợp, chia lửa với quân và dân Ấp Bắc, quân và dân Châu Thành, Cai Lậy, Thị xã Mỹ Tho đã nổi dậy tiến công địch, diệt ác phá kèm, tiến công đồn bót, đánh phá các tuyến đường giao thông. Hàng nghìn đồng bào tham gia cuộc đấu tranh chính trị phản đối càn quét, yêu cầu cung cấp tin tức chồng con tại thị xã Mỹ Tho, làm chính quyền địch lúng túng.
Ý nghĩa "bản lề" của chiến thắng Ấp Bắc
Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu sự phát triển về chất của cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng. Đấu tranh vũ trang có bộ đội chủ lực làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, ba thứ quân phối hợp cùng nhân dân tiến công địch bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ với nổi dậy pháp ấp chiến lược.
Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7 năm 1973 nêu rõ: Chiến thắng Ấp Bắc “báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe tăng, thiết giáp của Mỹ-ngụy, đồng thời nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang”.
Giám đốc CIA tại Sài Gòn W.Conby thú nhận: “Ấp Bắc báo hiệu khả năng đánh thắng những chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và xe bọc thép đồng thời nêu bật sức mạnh của lực lượng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của cộng sản”[5].
Với chiến thắng này, Tiểu đoàn 514, lực lượng nòng cốt làm nên chiến thắng Ấp Bắc được vinh dự mang tên Tiểu đoàn Ấp Bắc. Đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được”[6].
Chiến thắng Ấp Bắc đã cổ vũ mạnh mẽ lực lượng vũ trang ta trên toàn miền Nam tiến công địch. Chiến thắng của quân và dân Ấp Bắc đầu 1963 đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, tỏ rõ bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng và cho thấy khả năng quân giải phóng miền Nam có thể đánh thắng các chiến thuật quân sự hiện đại của Mỹ-ngụy.
Để khuếch trương thắng lợi Ấp Bắc, ngày 25-3-1963, Trung ương Cục miền Nam quyết định phát động phong trào “Thi đua ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam, đẩy mạnh tiến công địch hơn nữa, nhằm đánh bại hoàn toàn các chiến thuật chiến tranh hiện đại của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Phong trào thi đua nhằm động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích và nhân dân ba vùng chiến lược quyết tâm học tập tinh thần chiến thắng Ấp Bắc, ra sức thi đua đạt và vượt tiêu chuẩn chiến thắng Ấp Bắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ cách mạng.
Các cấp uỷ Đảng lãnh đạo phong trào thi đua hướng vào những nhiệm vụ cụ thể sau: Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, xây dựng xã chiến đấu, chống càn quét lấn chiếm, phá ấp chiến lược, binh vận; Đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, nuôi quân, phòng gian bảo mật, ủng hộ bộ đội, du kích; Đẩy mạnh tòng quân, chăm sóc thương binh, làm tốt chính sách đối với liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng, chống bắt lính, chống địch vũ trang nhân dân.
Cùng thời gian trên, Đảng uỷ Ban Quân sự Miền phát động phong trào “Thi đua ấp Bắc, giết giặc lập công” trong các lực lượng vũ trang với những yêu cầu cụ thể sau: Phát huy tinh thần dũng cảm ngoan cường, linh hoạt mưu trí chiến đấu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại các loại vũ khí phương tiện của địch với khả năng mình hiện có (nhất là diệt trực thăng, xe thiết giáp M113), lấy vũ khí địch, nhanh chóng bồi dưỡng lực lượng ta; Phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa ba thứ quân và qua chiến đấu phát triển phong trào chiến tranh du kích sâu rộng trong nhân dân; Chiến đấu có hiệu quả, hỗ trợ tốt cho hoạt động chính trị, phối hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của quần chúng, phục vụ nhiệm vụ toàn dân chống phá âm mưu gom dân, lập ấp chiến lược của địch; Tổ chức, kế hoạch, chỉ huy, công tác chính trị chiến đấu được chu đáo.
Gần 60 năm đã qua, Chiến thắng Ấp Bắc đi vào lịch sử, luôn là mốc son chói lọi, là niềm tự hào của quân và dân Tiền Giang nói riêng, quân và dân miền Nam nói chung trong cuộc đụng đầu lịch sử với Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Nguyễn Minh
[1] Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 231.
[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954- 1975, tập III, đánh thắng chiến tranh đặc biệt (xuất bản lần thứ 3), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2015, tr. 227.
[3] . Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954- 1975, tập III, đánh thắng chiến tranh đặc biệt (xuất bản lần thứ 3), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2015, tr. 229.
[4] Ấp Bắc – Nhìn tư hai phía, Nxb. Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 134.
[5] W.Colby: Ba mươi năm tình báo Mỹ, bản dịch tiếng Việt, lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[6] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr. 69.