Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, nhà thơ Tố hữu, nói lên tiếng lòng của muôn dân Việt Nam đã thốt lên:“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế. Ôm cả non sông, mọi kiếp người”
Trọn đời vì nước, vì dân trong mỗi bước ngoặt lịch sử
Độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, đó là nguồn mạch được Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam xác định từ khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, xuyên suốt trong quá trình Đảng lãnh đạo các mạng Việt Nam theo tư tưởng của Người.
Trên con đường bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường đi cho dân tộc đi theo, ước vọng duy nhất của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là “Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…”[1]. Chỉ đến khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lý mang tính thời đại cho dân tộc và nhân dân Việt Nam, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[2]. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam được xác định ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, sự tận hiến của Hồ Chí Minh nhiều lần được Người thể hiện qua bản lĩnh và ý chí cách mạng. Bản lĩnh và trí tuệ ấy được rèn dũa qua những chặng đường cách mạng hết sức cam go, được thử thách ở những thời điểm lịch sử gay gắt, có tính bước ngoặt quyết định vận mệnh dân tộc. Vì thế, những lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh tiêu biểu cho giá trị kết tinh của truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc và hơi thở của thời đại.
Thiếu nhi Thủ đô với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, năm 1955 (Ảnh tư liệu)
Năm 1945, khi thời cơ cách mạng đến, Với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Với ý chí quật cường, toàn Đảng, toàn dân đã đồng lòng, tạo nên sức mạnh của sự cộng hưởng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Chỉ sau 15 năm từ ngày ra đời, Đảng đã giành lại độc lập dân tộc cho nhân dân Việt Nam, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và 5 năm đô hộ của phát-xít Nhật; lật nhào ách thống trị của chế độ phong kiến tay sai; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Với âm mưu và hành động của thực dân Pháp hòng biến nước ta thành thuộc địa một lần nữa, tháng 12-1946, trước giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với tuyên bố đanh thép: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[3]. Ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc trở thành ngọn đuốc soi đường để nhân dân ta tiếp tục kháng chiến, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám và xây dựng đất nước phồn vinh dưới sự dẫn dắt của Đảng. Trải qua 9 năm với đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, đã làm nên hiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp kí Hiệp định Giơnevơ công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Ngày 17-7-1966, giữa lúc Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tăng cường không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm và khí phách của toàn Đảng và toàn dân ta: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”[4]. Đi theo quyết tâm son sắt này của Người, đất nước đã làm nên một Đại thắng mùa Xuân 1975 vĩ đại, thống nhất non sông. Chỉ 55 ngày Tổng tiến công và nổi dậy, “tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất”[5], miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà, giang sơn liền một dải. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác trước lúc đi xa ““Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/… Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”[6]. Mùa xuân đại thắng 1975 cắm tiếp cột mốc vinh quang chói lọi vào lịch sử đất nước, tô đậm truyền yêu nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong giờ phút cả nước hưởng trọn chung niềm vui của độc lập, thống nhất, vang vọng tâm nguyện của Người, “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi từ biệt chúng ta trở về với thế giới người hiền, Hồ Chí Minh luôn khát khao và phấn đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân chủ và giàu mạnh, nhân dân Việt Nam được ấm no, tự do và hạnh phúc. Cuộc đời cách mạng đầy gian truân song rất đỗi vinh quang của Người xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân và cũng vì nước vì dân mà tận tâm, tận lực phấn đấu.
Bác Hồ với Bộ đội tên lửa, tháng 3/1966 (Ảnh tư liệu)
Ôm cả non sông, mọi kiếp người
Tình yêu thương mênh mông vĩ đại của Nguyễn Tất thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh dành cho con người dành cho mọi lớp người, không kể già trẻ, gái trai, vùng miền, dân tộc, màu da… Tình yêu thương con người của Bác bắt nguồn từ cuộc sống và quá trình hoạt động cách mạng. Đó là nỗi đau của Người khi phải bế em đi xin sữa, mẹ chết không được khóc, bố bị oan khuất và đẩy đi xa. Đó là cảnh nghèo đói của nhân dân Nghệ- Tĩnh, cảnh khổ sở của những dân phu làm đường Cửa Rào, Trấn Ninh. Đó là những phu xe gầy ốm, những người bán hàng rong lam lũ bên cạnh cảnh sống phè phỡn, xa hoa của bọn thống trị thực dân và vua quan cai trị ở kinh thành Huế, cảnh đấu tranh và bị đàn áp của nông dân chống thuế mà Người trực tiếp chứng kiến và giúp đỡ… Những hình ảnh đó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Người, góp phần hình thành lòng nhân ái bao la Hồ Chí Minh.
Yêu nước, thương dân là dòng chảy xuyên suốt tư duy và hành động cách mạng của Người. Vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước nhà được độc lập, nhưng theo Người: Độc lập chỉ thực sự có ý nghĩa khi trong nền độc lập đó, nhân dân được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc. Khát vọng lớn nhất của Người, “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[7]. Vả cả cuộc đời của Người, chỉ có một mục đích, “là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”[8]. Đó cũng là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.
Với tình yêu thương vô hạn đó, trọn cuộc đời của mình, Người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”; “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[9].
Dù là “ông Ké”, “già Thu” ở chiến khu xưa, hay làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước sau này, Hồ Chí Minh luôn gần gũi nhân dân bằng tình cảm sẻ chia chân thành. Tình cảm của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ, với mọi tầng lớp nhân dân hết sức tự nhiên, với những việc làm rất cụ thể, thiết thực, xuất phát từ tấm lòng của Bác, quan tâm và sẻ chia của Người đối với từng con người. Trước hết, cho những người ở vị trí chiến đấu gian khổ nhất; chia sẻ đau buồn, cảm thông với những người mất mát, hy sinh; khoan dung độ lượng với những người lầm lỗi, khuyết điểm, nay thành thật hối cải; thuyết phục những người do dự, phân vân; trân trọng các cháu thiếu niên, nhi đồng; kính trọng các cụ phụ lão; sống chan hoà, gần gũi với những người giúp việc quanh mình… Tình thương yêu con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là lòng thương hại, cũng không phải là lòng trắc ẩn mà là sự đồng cảm sâu sắc của những người cùng cảnh ngộ, thấu hiểu những đau khổ, hy sinh của đồng bào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với bà con các dân tộc thiểu số (Ảnh tư liệu)
Tình yêu thương đó được thể hiện qua những hành động quan tâm, thiết thực của Người, về thăm nông dân, Bác ra tận ruộng, hỏi han và cùng tát nước, gặt lúa với bà con; về thăm công nhân, Bác xuống tận công xưởng; Bác thăm bộ đội ngay tại trận địa pháo; Bác xuống tận bếp ăn hỏi thăm bộ đội có được ăn no không, cán bộ đại đội, tiểu đoàn có cùng ăn với chiến sĩ không; Bác thăm bệnh xá, hỏi có đủ thuốc cho bộ đội không, bộ đội hay mắc bệnh gì? Có đêm, Bác đi đến từng giường các chiến sĩ trong đội bảo vệ, giắt lại màn cho từng người. Một chiến sĩ ngủ bỏ tay ra ngoài, Bác nhẹ nhàng nhấc bàn tay đặt vào trong, rồi giắt màn lại cẩn thận. Bác chuẩn bị những chiếc kẹo nhỏ làm quà cho các cháu thiếu nhi,… Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác. Bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Tình yêu thương con người của Bác rất cụ thể, rõ ràng từ việc lớn đến việc nhỏ như: lo giải phóng cho con người khỏi ách áp bức, bóc lột, được tự do, hạnh phúc; đến việc giúp cho con người thoát dần khỏi cuộc sống đói, nghèo, thiếu thốn, vất vả, thậm chí đến từng bữa cơm, manh áo, từ chỗ ở, việc làm… Tình cảm ấy, không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, mà còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã trải nghiệm và chứng kiến khi bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị mà cao quý. Tình yêu thương đó không phải bằng lời nói cao sang hay những khẩu hiệu hô hào chung chung mà bằng chính hành động, lời nói và việc làm cụ thể. Hình ảnh “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó để cứu dân nghèo”[10] trong những ngày diệt “giặc đói” sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà Bác Hồ là tấm gương thực hành tiết kiệm. Tấm gương về việc làm của Bác đã khích lệ đồng bào cả nước hưởng ứng làm theo để góp sức của Đảng, Chính phủ vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Sau này, còn rất nhiều việc làm sẻ chia đầy xúc động khác của Bác như: Dành cả tiền lương tháng, tiền nhuận bút, cả quần áo, khăn mặt để tặng cho các chiến sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ…
Bác đau nỗi đau chung của cả dân tộc, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc, đồng bào miền Nam chịu nhiều mất mát, hy sinh bởi sự tàn sát dã man của đế quốc Mỹ xâm lược. Bác luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ miền Nam với tình thương yêu sâu nặng: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”[11]; “Ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi đau khổ riêng và gộp lại tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”6. Tư tưởng của Người luôn luôn nhất quán và thống nhất với hoạt động thực tiễn là độc lập dân tộc không thể tách rời với thống nhất Tổ quốc. Người kiên định lập trường chân lý: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"[12].
Bác đau nỗi đau của mỗi gia đình người dân Việt Nam khi có người hi sinh bởi sự dày xéo nền độc lập của các thế lực ngoại xâm. Khi biết con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã gửi đến ông một bức thư. Bác cảm ơn gia đình bác sĩ “đã đem món quà quý báu nhất là con mình hiến dâng cho Tổ quốc”. Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”[13].
Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ Nam Bộ, năm 1949 (Ảnh tư liệu)
Theo Bác, yêu thương con người thì phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, giúp con người có điều kiện vươn lên, kể cả với những người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là phải giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn. Phải thực hiện tự phê bình, phê bình chân thành, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ. Bác từng nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ”[14]. Vì vậy, năm 1946, Bác tới trại giam Hỏa Lò để thăm hỏi, khuyên bảo những phạm nhân ở đây. Bác tặng áo khoác cho họ, ân cần ngồi bên họ, khuyên bảo họ, nghe họ phân trần và Người đã rưng rưng nước mắt. Quan điểm của Hồ Chí Minh là tất cả vì con người. Bác căn dặn: phải luôn luôn làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, từ đó nhân rộng gương tốt, việc tốt ra thành nhiều vườn hoa khác đẹp hơn, tốt hơn, toàn diện hơn.
Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong ứng xử giữa những con người, Bác đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”[15].
Tấm lòng nhân ái, bao dung, tình yêu thương con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho tới trước lúc đi xa, trong lời Di chúc, Người căn dặn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”[16]. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Bác là phụng sự dân tộc, nhân dân, với một tình yêu “Chỉ biết quên mình cho hết thảy.Như dòng sông chảy nặng phù sa”![17]
Chi Mai
[1] T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 26
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 534
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 131
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.176
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.532
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 187
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 272
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 175
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 33
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 470
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 280
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.49
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.280,281.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.668
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.613
[17] Trường ca Theo chân Bác, Tố Hữu