Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thanh niên là “người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”, đó là lý do Người đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục thanh niên
Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1]. Luận điểm đó chứa đựng thế giới quan khoa học của một lãnh tụ cách mạng, phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của một nhà hiền triết, một nhà văn hóa lớn, một nhà giáo dục; nó trở thành một chân lý của cách mạng.
Người nhận thấy thanh niên có những ưu điểm nổi trội: Trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới, giàu ước mơ... Đó là lứa tuổi ham hiểu biết, giàu niềm tin, tự thể nghiệm mình, có khả năng tiềm ẩn trong việc thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao quý...Do vậy, nếu biết định hướng, động viên đúng thì thanh niên sẽ say sưa với lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa. Thanh niên muốn làm người chủ của tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải “rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”[2], cần giáo dục thanh niên để thanh niên đảm nhiệm xuất sắc vai trò “người chủ tương lai của nước nhà”.
Những nội dung chủ yếu trong công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ kế cận cho cách mạng nước nhà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nguyên tắc giáo dục toàn diện, xây dựng thế hệ thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”. Người cho rằng, giáo dục bồi dưỡng cho thế hệ trẻ phải chú ý đến cả hai yếu tố đạo đức và tài năng, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kinh tế, lao động và sản xuất”, vì vậy, "Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục"[3] để thanh niên trở thành những con người gương mẫu về đạo đức, có ý thức đạo đức hoàn thiện, đầy đủ, đồng thời, có thể chất cường tráng, mạnh mẽ. Giáo dục toàn diện nhưng phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi phải biết kết hợp giữa lý luận và thực hành, lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay vì: "Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa"[4]. Xây dựng những lớp thanh niên vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, có như thế họ mới có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách, mới làm tròn được những nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề mà Đảng, dân tộc và nhân dân giao phó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên tại Đại hội đại biểu toàn quốc
Đoàn Thanh niên Cứu quốc 10/1956 (Ảnh tư liệu)
Trước hết, cần chăm lo giáo dục đạo đức các mạng cho thế hệ trẻ, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”[5]. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo Người, thanh niên muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, muốn làm được những việc lớn thì trước hết phải được giáo dục một cách đầy đủ về phẩm chất đạo đức, về bản lĩnh và ý chí cách mạng, "Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng”[6]. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm: “Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp; Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người"; Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”[7]. Thông qua giáo dục, rèn luyện để hình thành những lớp thanh niên yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ nghĩa, yêu lao động, yêu khoa học và yêu kỷ luật.
Để xứng đáng là thế hệ cách mạng của đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên phải ra sức học tập: học tập trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội; học tập qua sách vở và từ chính thực tiễn cuộc sống. Học không phải để “làm quan” như trong xã hội cũ, mà để “Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”[8].
Thứ hai, thanh niên được ví như “mùa Xuân của xã hội”, nhiệm vụ của thanh thiếu niên không chỉ là học tập, rèn luyện, mà còn phải biết cống hiến và hy sinh, thanh niên phải có tinh thần sẵn sàng “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”[9] và luôn luôn thể hiện vai trò xung kích trên các lĩnh vực, các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Trong bài nói chuyện tại Lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã ân cần chỉ bảo: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà! Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”[10]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng"[11]. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thanh niên cũng phải sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, Bác còn căn dặn "Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân,… Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa”[12]; phải đoàn kết chặt chẽ, kiên trì phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất, góp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Một trong những triết lý sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là học phải đi đôi với hành. Vì vậy, bên cạnh quan điểm xác định giáo dục, học tập như một phương thức chủ yếu để bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người còn đòi hỏi thế hệ trẻ phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng trong thực tiễn nhằm xây dựng, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết để sau này có thể cống hiến được nhiều nhất cho quê hương, cộng đồng và xã hội. Theo Người, việc rèn luyện tu dưỡng đó, cần tuân theo nguyên tắc nhất quán: điều gì phải thì cố làm cho được; điều gì trái thì hết sức tránh, dù nó là nhỏ. Mỗi một đoàn viên, thanh niên phải có tinh thần cầu tiến bộ, chủ động, sáng tạo và không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện, phải hết sức nỗ lực dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, phải lấy việc lập thân lập nghiệp phục vụ đất nước làm mục tiêu phấn đấu.
Thứ ba, việc giáo dục tuổi trẻ thông qua những tấm gương cách mạng là một vấn đề hết sức quan trọng. Hồ Chí Minh là người rất thấu hiểu điều này và Người đã từng nhắc nhở: "Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên"[13]. Đối với những tấm gương anh hùng cách mạng, với những chiến công của các anh hùng, dũng sĩ đã lập nên trong công cuộc cứu nước và giữ nước, Người căn dặn, chúng ta phải ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy… để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một ý chí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc.
Người thanh niên có giáo dục phải là người "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Với những anh hùng liệt sĩ đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc, chúng ta phải đời đời ghi nhớ công ơn của họ. Trong “Di chúc" để lại cho đồng bào cả nước, Hồ Chí Minh căn dặn: "Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta"[14].
Thứ tư, cần phải chăm lo sự nghiệp “trồng người” để không ngừng bồi dưỡng, tăng cường thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo quan điểm của Người, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Đó là những lớp thanh niên vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, là người có thể đảm đương nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm tốt sự nghiệp “trồng người”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và thế hệ đi trước (bao gồm cán bộ, các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị…) phải thường xuyên quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho thế hệ trẻ, giúp họ phát triển toàn diện về chính trị, đạo đức, văn hóa, quân sự, khoa học, kỹ thuật, cả về thể chất và tâm hồn. Riêng đối với đội ngũ thầy cô giáo làm công tác giáo dục, Người đặc biệt nhấn mạnh: trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà, "cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”[15].
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thanh niên Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Cùng với trường học, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đóng vai trò quan trọng đối với việc giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người chỉ rõ: “Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[16]. Đây là một chức năng hết sức quan trọng của Đoàn với tư cách là một tổ chức quần chúng gần Đảng nhất mà trong Điều lệ Đảng từ trước đến nay đều ghi rõ. Vì vậy, theo Người, củng cố tổ chức Đoàn là điều kiện tiên quyết để mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Nhưng muốn củng cố tổ chức Đoàn thì trước hết phải “đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ” để thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ Đoàn, làm cho tổ chức Đoàn thật sự là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, có lý tưởng cách mạng và phấn đấu kiên định vì lý tưởng đó. Đoàn Thanh niên vừa là tổ chức, vừa là môi trường cho người thanh niên yêu nước rèn luyện và cống hiến. Để phát huy vai trò của tuổi trẻ, Hồ Chí Minh căn dặn: "Trung ương Đoàn cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tinh thần yêu nước, giác ngộ giai cấp và đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên"[17].
Những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên sẽ mãi mãi tỏa sáng trong suốt hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh thời đại và quốc tế ngày nay, những tư tưởng đó lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Thấm nhuần và quán triệt một cách sâu sắc những lời dạy đó sẽ giúp thanh niên có thêm niềm tin và sức mạnh. Đó cũng là biểu hiện sinh động của phong trào toàn dân, trong đó có thanh niên "sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" để đảm đương sứ mệnh người chủ tương lai của nước nhà.
Song Nguyễn
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.377
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.400
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.471
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.471
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.179
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.90
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.265
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.265
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.299
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.277
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.616
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.120
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.420
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.386