Nguyễn Ái Quốc là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”
Thực tiễn hoạt động và những lời dạy của Người
Nguyễn Ái Quốc là người Cộng sản Việt Nam đầu tiên ruyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ của Đảng.
Trong suốt hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã là người tiên phong trong công tác tuyên truyền. Người khẳng định: “Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”[1], do đó “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”[2].
Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng xã hội Pháp năm 1919. Năm 1920, Người đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, đăng trên báo L'Humanité số ra ngày 17/7/1920.
Tác phẩm này đã giải đáp cho Người con đường giành độc lập, tự do cho đồng bào. Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách thông qua hoạt động báo chí để tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân Đông Dương, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thức tỉnh tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều và cũng qua họ tìm cách đưa một số tài liệu báo chí về nước bằng nhiều con đường khác nhau để giác ngộ tinh thần độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Người đã lựa chọn một số thanh niên tiêu biểu sang đào tạo tại Liên Xô, mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho một số thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị đội ngũ cán bộ trở về nước để tổ chức hoạt động, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, các ban, ngành của Đảng ra đời để tham mưu cho Trung ương các mặt công tác của Đảng.
Ngành Tuyên giáo là một trong những ngành ra đời sớm. Sự ra đời ngành tuyên giáo của Đảng đánh dầu bằng sự kiện ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8”.
Từ đó đến nay, ngành Tuyên giáo của Đảng đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã và đang góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tại Đại hội II năm 1951 (Ảnh tư liệu)
Sinh thời, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi bước đường hoạt động, phát triển của Ban Tuyên giáo, kịp thời cổ vũ, động viên và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng văn hoá.
Hơn một tháng sau khi nước nhà giành được độc lập Bác đã căn dặn đội viên tuyên truyền xung phong: “Phải biết rõ mục đích tuyên truyền của mình và trước khi định công tác ở đâu phải đặt rõ kế hoạch. Phải biết chịu kham khổ. Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần. Về đức tính này, phải học theo những người đi truyền giáo. Chớ có lên mặt “Quan cách mạng”[3]. Một khi cán bộ tuyên truyền đã hòa mình vào với nhân dân, hiểu nhân dân, xây dựng tình cảm tốt nhất với nhân dân, chắc chắc hoạt động tuyên truyền sẽ tạo được sức cuốn hút và cảm hoá mọi người, thu được hiệu quả cả về nhận thức lẫn hành động.
Bên cạnh việc xác định nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến vai trò có ý nghĩa quyết định của người tuyên truyền để nâng cao hiệu quả. Bác quan niệm: tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt: Thứ nhất là nhận thức về mục đích và vai trò của tuyên truyền; Thứ hai là phương pháp tuyên truyền; Thứ ba là yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt luôn thống nhất với nhau, liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp tuyên truyền. “Chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta, lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình. Chú ý đến cách phô diễn ý tưởng. Hết sức phổ thông”[4].
Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng “không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”[5]. Nếu “nói hay mà không hiểu” thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”[6].
Theo Hồ Chí Minh, việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền. Đối với mỗi đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp vì đồng bào có trình độ thấp đã hiểu thì các đối tượng khác đều nắm bắt được. “Cố vào sâu trong quần chúng. Lấy những thí dụ tầm thường trông thấy trước mắt mà nói. Tránh những danh từ khó hiểu. Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là được 500 người chỉ hiểu lờ mờ”[7].
Trong một lần nói chuyện với cán bộ tuyên truyền, Bác lại căn dặn: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta chớ bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”[8]. Trong công tác tuyên truyền liên quan đến chính sách đối ngoại, Bác nhắc: “Các báo và các ban tuyên truyền nên hướng dẫn lòng yêu nước và chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hoà, bình tĩnh có lợi cho ngoại giao...”[9].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ công an, tháng 12/1961 (Ảnh tư liệu)
Ngay cả trong những ngày ốm nặng và sắp đi xa, Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian làm việc với các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương, nghe báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, tình hình lũ lụt ở sông Hồng và không quên nhắc phải quan tâm việc phát hành loại sách “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến trên các mặt sản xuất, chiến đấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng và những lời dạy của Bác đã và đang tiếp sức cho những người làm công tác tuyên giáo phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Thực hiện lời dạy của Bác và thành tựu to lớn của công tác tuyên giáo
Học tập lời dạy của Bác, trên suốt chặng đường cách mạng 92 năm qua, trong kháng chiến và kiến quốc, Đảng ta luôn khẳng định công tác tuyên giáo có vai trò đặc biệt, là một lĩnh vực trọng yếu trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân và tổ chức nhân dân thực hiện nhiệm vụ cách mạng ở mọi thời kỳ.
Trong giai đoạn Đảng lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, công tác tuyên giáo đã góp phần tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác tuyên giáo đã làm tròn vai trò tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tuyên truyền nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước do Nhà nước và các ngành, giới, các đoàn thể chính trị-xã hội phát động, xây dựng ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng tình thần đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh cho nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng.
Trong công cuộc đổi mới những năm qua, công tác tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, từng bước vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, hành động cách mạng góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Công tác tuyên giáo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cũng còn không ít những hạn chế. Vận dụng bài học tuyên truyền của Bác, từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức phù hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nói riêng và những nhiệm vụ tuyên giáo nói chung, chắc chắn ngành Tuyên giáo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng, giao phó với phương châm công tác tuyên giáo bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần có hiệu quả vào giải quyết đúng đắn những vấn đề cấp thiết đặt ra, tạo được sự chuyển biến thật sự về chất, xây dựng được các phong trào cách mạng của nhân dân.
Tiến Duy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.415
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.415
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.72
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.72
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.161
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.161
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.72
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.172
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.234