Miền Nam “đi trước về sau”, có lẽ thế mà Bác Hồ luôn dành những tình cảm chân thành cho đồng bào miền Nam mà tình cảm của Người đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc cho thấy rõ điều đó
Lá thư đầu tiên
Ngày 21/9/1954, khi những chuyến tàu đầu tiên chở những đơn vị bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc. Bức thư viết:
“Gửi bộ đội, cán bộ, đồng bào miền Nam ra Bắc,
Hôm nay, các cụ, các cô, các chú và các cháu đã ra đến nơi, tôi thân ái gửi lời hoan nghênh tất cả mọi người.
Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà.
Mong các cụ, các cô, các chú và các cháu luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ. Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà.
Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó, rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”[1].
Bức thư viết vào lúc 2 giờ sáng
Ngày 16/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi to lớn cho chúng ta: chiến tranh chấm dứt, hòa bình trở lại, quân và dân ta có điều kiện thuận lợi để phát triển và củng cố thắng lợi và một trong những điều kiện có lợi trước mắt là các chú có dịp gần Trung ương Đảng, gần Chính phủ và gần Tổng Quân ủy, có dịp học tập thêm và tiến bộ thêm”[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Các chú cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. cần phải giữ vững truyền thống anh dũng, tác phong dũng cảm, tinh thần chịu đựng gian khổ quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
Nói tóm lại: giữ vững và phát triển đạo đức cách mạng của quân đội nhân dân. Bác khuyên các chú thi đua học tập. Đơn vị nào và cá nhân nào có thành tích khá nhất sẽ được ra Thủ đô gặp Bác và gặp Trung ương”[3].
Điều đặc biệt là bức thư này được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết sau khi cả ngày 15/12/1954 Bác đi thăm các đơn vị bộ đội về và bức thư được viết vào 2:00 sáng ngày 16/12/1954.
Thư gửi các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết nhân Tết Trung Thu năm 1955
Ngày 01/6/1955, nhân dịp này Quốc tế thiếu nhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu thiếu niên và các cán bộ các trường miền Nam. Thời điểm này đã có hàng chục nghìn thiếu niên miền Nam cùng gia đình tập kết ra Bắc được học tập ở các trường học tại nhiều địa phương trên miền Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà tại miền Nam.
Trong thư, Bác nhắc nhở các cháu thiếu nhi miền Nam “phải đoàn kết chặt chẽ.
Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé.
Đoàn kết giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác.
Đoàn kết giữa các cháu miền Nam với các cháu và đồng bào địa phương.
Đoàn kết giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ"[4].
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở các cháu phải “yêu lao động, giữ kỷ luật”, trong sinh hoạt hằng ngày nên “tự lực cánh sinh”.
Người cũng nhắc nhở “các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật, có sáng kiến”[5].
Đồng thời với việc dặn dò các cháu thiếu niên, nhi đồng miền Nam đang học tập tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò cán bộ công tác tại các trường miền Nam phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu con em miền Nam như con em ruột thịt của mình, trong công tác, học tập cùng cần cố gắng thi đua trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ không ngừng.
Người cũng không quên nhắc nhở các cán bộ tại các trường học sinh miền Nam tổ chức thi đua, trước mắt là đến ngày 02/9/1955, Người sẽ có giải thưởng cho những học sinh và cán bộ các trường miền Nam có thành tích khá nhất.
Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc (Ảnh tư liệu)
Đáp lễ đồng bào miền Nam chúc mừng sinh nhật
Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc luôn biết ơn Đảng, Chính phủ, nhân dân miền Bắc, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Chính vì vậy, trong dịp 19/5/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được nhiều lời chúc mừng sinh nhật của cán bộ, đồng bào, chiến sĩ và học sinh miền Nam. Ngày 19/6/1956, Người đã có thư đáp lễ đông bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, đáp lại những tình cảm yêu mến dành cho Người.
Đầu thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi, trong hơn một năm vừa qua, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã góp công sức vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong mọi cương vị công tác ở các cơ quan chính quyền, các đoàn thể, các nông lâm trường, các công trường xí nghiệp trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Người nhắc lại chủ trương chung của Đảng và Chính phủ là "Củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam".
Người nói về tầm quan trọng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa như “cái nền” của một ngôi nhà, như “cái gốc” của một cây, miền Bắc là “cái nền cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc thực hiện thống nhất nước nhà”.
Người cũng không quên nhắc nhở đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về vật chất để công tác, học tập và cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Đối với cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, đến thời điểm quy định hai miền hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng chính quyền Ngô đình Diệm đã cự tuyệt tổng tuyển cử, vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiểu được tâm trạng của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Người nói: “Về mặt tinh thần, nếu ai cũng hiểu rõ rằng: Cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nhưng phải gian khổ, lâu dài, thì chắc chắn tránh được khuynh hướng sốt ruột, bi quan, và những thắc mắc khác”. “Đấu tranh chính trị nhất định thắng lợi, thống nhất cả nước nhất định thành công”[6].
Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy dẫn chứng, lúc này phe xã hội chủ nghĩa đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, nhiều quốc gia ở châu Phi đã giành được độc lập, tại nhiều quốc gia khác, phong trào dân tộc chủ nghĩa lên cao chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, tình hình đó có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Cuộc đấu tranh của nhân dân ta là chính nghĩa, được nhân dân yêu chuộc hòa bình thế giới ủng hộ. Miền Bắc luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Tại miền Nam, nhân dân ta cũng liên tục đấu tranh chống chế độ thực dân mới của chính quyền Ngô Đình Diệm. Miền Bắc ngày càng được củng cố vững chắc và mạnh mẽ. Đó là những cơ sở để cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Cách mạng và kháng chiến thắng lợi là vì nhân dân ta rất đoàn kết, rất hăng hái, rất tin tưởng và đấu tranh rất bền bỉ. Trong cách mạng và kháng chiến cũng như trong cuộc đấu tranh chính trị hiện nay, đồng bào miền Nam đều xung phong, đều đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh dũng cảm và dẻo dai.
Tình hình thế giới và trong nước đều có lợi cho ta, nhân dân ta đoàn kết và tin tưởng, cho nên tuy cuộc đấu tranh chính trị hiện nay phải lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi”[7].
Ngoài việc gửi thư, Bác Hồ cũng đã đến thăm hỏi, động viên đồng bào, học sinh miền Nam. Trong tháng 11/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Trường học sinh miền Nam tại số 16 tại Chương Mỹ - Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Người chia kẹo cho các cháu, căn dặn thầy cô giáo đoàn kết, thương yêu nhau và chăm sóc học sinh một cách chu đáo.
Người cũng nhiều lần đến thăm các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết mà bức thư viết lúc 2 giờ sáng ngày 16/12/1954 là một ví dụ.
Như vậy, trong thời gian đồng bào miền Nam mới tập kết ra miền Bắc, từ tình cảm của mình với miền Nam ruột thịt, hiểu được tâm tư của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đau đáu nhớ quê hương, mong chờ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam với những nội dung nhắc nhở đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, vượt qua nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, tích cực học tập, công tác để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Người luôn khẳng định Nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đồng bào sẽ có ngày trở về xây dựng quê hương trong hòa bình và phát triển. Người cũng nói rõ vị trí, vai trò của miền Bắc trong cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Người đã khẳng định cuộc đấu tranh chính trị trong thời điểm hiện tại là đúng đắn và sẽ đến ngày đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam trở lại quê hương với niềm vui đất nước thống nhất.
Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam kể từ giữa năm 1956 đã không diễn ra như những gì đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam cũng như nhân dân cả nước mong mỏi. Tại miền Nam, chính quyền Ngô đình Diệm được sự hậu thuẫn của Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Kể từ cuối năm 1956 trở đi, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã xác định cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sẽ kéo dài với không ít những hy sinh, gian khổ đang chờ đợi trước mắt. Thực tế lịch sử đã diễn ra, không phải hai năm, mà phải 20 năm sau, sự nghiệp thống nhất đất nước mới hoàn thành, Nam Bắc một nhà, non sông thu về một mối.
Hiểu được tấm lòng của Bác, hiểu được tấm lòng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Bắc, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài đầy khó khăn gian khổ và hy sinh, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam đã đóng góp công sức và xương máu của mình vào sự nghiệp xây dựng, củng cố miền Bắc xã hội chủ nghĩa, để miền Bắc xứng đáng trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Bản thân nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc sau này cũng đã trở về miền Nam chiến đấu trong cuộc chiến tranh giải phóng. Còn những lớp học sinh miền Nam trên đất Bắc, theo thời gian, cũng đã dần trưởng thành và trở thành những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam cho đến ngày chiến thắng.
Thu Trang