Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến công chói lọi, tạo ra bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho dân tộc ta nói riêng và các dân tộc thuộc địa trên thế giới nói chung. Chiến thắng này bắt nguồn từ một quyết định thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thay đổi phương án từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”
Bối cảnh tình hình
Sau khi cử De Lattre de Tassigny, đại tướng lừng danh nước Pháp, Tư lệnh Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương, sang chiến trường Đông Dương thay G.Revers, hòng xoay chuyển tình thế nhưng bất thành, thực dân Pháp vội vàng triệu hồi vị tướng này về nước và cử sang chiến trường Đông Dương một nhân vật chỉ huy quân sự mới – Henri Navarre.
Sang chiến trường Đông Dương, Henri Navarre đã đề ra một kế hoạch quân sự mới. Kế hoạch quân sự của ông ta gồm 2 bước. Mục đích chính của kế hoạch này là giành một chiến thắng quân sự trên chiến trường để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán, tạo điều kiện cho Pháp rút khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương trong danh dự.
Ngay từ khi thực dân Pháp cử De Lattre de Tassigny sang Việt Nam, Đảng ta đã đề ra chủ trương với nội dung cốt lõi là: Đẩy mạnh tiến công địch, giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường. Từ đó, ta đã giành được những thắng lợi lớn, đặc biệt là ba chiến thắng lớn: Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào, chúng ta đã làm phá sản hoàn toàn kế hoạch của địch, đẩy địch ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động.
Khi Henri Navarre được điều sang chiến trường Đông Dương, tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp thông qua Kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 – 1954) của Quân ủy Trung ương, với nội dung cốt lõi là: tiến hành một số đòn tấn công vào một số hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối sơ hở. Nhằm đạt hai mục đích: Thứ nhất, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch. Thứ hai, buộc địch bị động, phân tán lực lượng thành nhiều điểm đóng quân khác nhau.
Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh (Ảnh TTXVN)
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ta đã tiến hành 05 đòn tiến công chiến lược, buộc địch bị động phân tán lực lượng thành 05 nơi đóng quân lớn, trước khi vào quyết chiến với ta tại cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, khi chúng ta tiến lên Tây Bắc và Thượng Lào, Henri Navarre vội cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng thành cụm cứ điểm mạnh (49 cứ điểm, 03 phân khu: Phân khu Bắc, phân khu Nam, phân khu Trung tâm; 02 sân bay; với số lượng khoảng 16.200 quân...). Điện Biên Phủ trở thành điểm mới trong kế hoạch tác chiến của ta cũng là điểm mới trong âm mưu của thực dân Pháp.
Quyết định lịch sử
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tổng Chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao toàn quyền quyết định ngoài mặt trận. Đó là cơ sở để Đại tướng, với bản lĩnh và trí tuệ tuyệt vời, đi đến quyết định lịch sử.
Để đánh cứ điểm Điện Biên Phủ, lúc này có hai phương án để lựa chọn:
Thứ nhất, “đánh nhanh, giải quyết nhanh” (03 ngày, 02 đêm). Ưu điểm của phương án này là nhanh, gọn, hạn chế tổn thất. Khắc phục được điểm yếu lớn nhất của chúng ta lúc này là hậu cần. Nhưng phương án này cũng có hạn chế là không bảo đảm chắc chắn thắng lợi.
Thứ hai, “đánh chắc, thắng chắc”. Nếu chọn phương án này, ưu điểm của phương án một sẽ trở thành hạn chế và ngược lại.
Nhưng phương án một vẫn là phương án được nhiều người, đặc biệt là chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, kể cả cố vấn Trung Quốc (Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh…) đồng tình.
Khi ra trận địa, sát tới giờ dự kiến nổ súng (26/01/1954), trên cơ sở quan sát, nghe báo cáo và phân tích kỹ các khía cạnh...Đại tướng thấy rất băn khoăn: Đánh có chắc thắng như lời căn dặn của Bác trước lúc lên đường hay không !
Sau một đêm thức trắng, Đại tướng đã đi đến quyết định lịch sử: Chuyển sang phương án 2 – Đánh chắc, thắng chắc. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, với quyết định vô cùng quan trọng này, sau 56 ngày đêm (13/3-07/5/1954), đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn Trung tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”. Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Peter MacDonald (người Anh) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của mọi thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.
Bài học lịch sử
Quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng này đã mở ra bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc ta nói riêng và lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới nói chung. Quyết định chuyển phương án của Đại tướng không những thể hiện bản lĩnh, trí tuệ đặc biệt của “Đại tướng của các đại tướng”, “Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam” ...mà còn để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, nóng hổi tính thời sự. Trong đó, đặc biệt là hai bài học:
Một là, bài học về lựa chọn phương pháp phù hợp thực tiễn.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và quốc tế hóa, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0, sự phát triển của nền kinh tế tri thức…đã và đang mở ra cho nhân loại nói chung và dân tộc ta nói riêng nhiều thời cơ và vận hội mới. Bên cạnh đó, cũng có không ít nguy cơ, khó khăn, thách thức. Yêu cầu đặt ra cho Đảng ta là phải sáng suốt lựa chọn phương pháp phù hợp thực tiễn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, biến nguy thành cơ...Do đó, tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học nói trên, là hết sức cần thiết và cấp thiết.
Hai là, bài học về công tác cán bộ.
Thứ nhất, lựa chọn và bố trí cán bộ, mạnh dạn trao quyền cho cán bộ. Việc chọn Đại tướng Võ Nguyên giáp và trao toàn quyền quyết định ngoài mặt trận cho thấy Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn chính xác và tin tưởng tuyệt đối vào Đại tướng.
Thứ hai, bản lĩnh và sự sáng tạo của cán bộ. Nếu không có bản lĩnh và sự sáng tạo thì Đại tướng đã không thể đưa ra quyết định lịch sử như đã phân tích ở trên.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi Đại tướng
Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu, phục chế màu)
Bài học này ngay nay vẫn còn nguyên giá trị. Đại hội XIII của Đảng khẳng định phải: “Tăng cường xây dựng Đảng về công tác cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu”(1) và đặc biệt nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” (2).
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại không những của dân tộc Việt Nam mà còn của nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý, chúng ta cùng ôn lại một trong những chiến công hiển hách, được ví như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa thế kỷ XX, với quyết định lịch sử của Đại tướng và những bài học kinh nghiệm quý báu còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, tấm gương ngời sáng về bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tiếp tục được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là những người đứng đầu học tập, phát huy. Trên cơ sở đó, Đảng ta, cùng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới sẽ kịp thời nắm bắt vận hội mới, đưa đất nước ta vững bước tiến lên theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dân tộc Việt Nam đã hy sinh bao mồ hôi, xương máu mới có được.
Văn Minh
(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.1, tr.187