Cách đây 105 năm (1919-2024), thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước sống tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến các đại biểu tham dự Hội nghị Versailles (18/6/1919) Bản Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam đòi các quyền dân tộc tự quyết cho dân tộc. 105 năm đã qua, bản yêu sách vẫn vẹn nguyên giá trị
Hoàn cảnh ra đời của Bản yêu sách
Trên hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cuối tháng 7/1917, Nguyễn Tất Thành đặt chân, trở lại nước Pháp lần thứ ba (lần thứ nhất năm 1911, lần thứ hai năm 1913, sau đó tiếp tục sang Anh hoạt động). Tại đây, Nguyễn Tất Thành gặp được những nhân sĩ tri thức yêu nước đang hoạt động ở Pháp lúc bấy giờ là cụ Phan Châu Trinh và Phăn Văn Trường cùng những người Việt Nam yêu nước khác hoạt động tại Paris. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành và những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đoàn kết lại trong một tổ chức gọi là Nhóm người Việt Nam yêu nước.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc (1914 - 1918), ngày 18/6/1919, các nước thắng trận gồm Anh, Pháp, Italia, Mỹ (riêng Nga không được mời tham dự) và các nước bại trận gồm Đức, Áo, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ họp Hội nghị tại Versailles (Pháp) để ký kết các hòa ước chính thức, giải quyết hệ quả chiến tranh và phân chia lại tài nguyên, thị trường và thuộc địa trên thế giới.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là W.Wilson mang đến Hội nghị chương trình 14 điểm nhằm tái thiết nền hòa bình thế giới sau chiến tranh để làm cơ sở thảo luận và đưa ra Hòa ước Versailles. Tham dự hội nghị, ngoài các nước thắng trận và bại trận còn có các phái đoàn ngoại giao của hơn 32 nước, trong đó có sự tham gia của Hội những người yêu nước Trung Quốc, Ai cập, Iceland, Ấn Độ, Triều Tiên với mong muốn đưa yêu sách đến Hội nghị mong được xem xét giải quyết quyền lợi cho dân tộc mình.
Trong chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ W.Wilson có điểm thứ 5 được Nguyễn Tất Thành chú ý, đó là: Điều chỉnh một cách tự do, công bằng quyền yêu sách của các thuộc địa đặt mối quan tâm tới quyền lợi của những người dân bị tác động ngang hàng với lợi ích của các chính phủ liên quan tới yêu sách. Sau đó, chính Bản yêu sách này đã được Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề: “Việt Nam yêu cầu ca”.
Một phiên họp của Hội nghị Versailles (Ảnh tư liệu)
Nội dung Bản yêu sách của nhân dân An Nam
Bản Yêu sách được ký tên Nguyễn Ái Quốc gồm 8 điểm:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và tự do hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”[1].
Bản Yêu sách toát lên những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đó là:
Lòng yêu nước nồng nàn của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi mới 21 tuổi đã quyết chí ra nước ngoài, đến tận sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc thực dân để hiểu rõ ngọn nguồn của “Tự do, bình đẳng, bác ái”, để tìm con đường cứu dân, cứu nước. 29 tuổi đã hiên ngang đứng giữa Hội nghị của những đế quốc đầu sỏ, trong lòng thủ đô nước Pháp thực dân đang cai trị đồng bào mình để vạch trần sự bịp bợm của “Chủ nghĩa Uynxơn”; đồng thời tố cáo, lên án những chính sách cai trị hà khắc cùng các thủ đoạn đàn áp, cướp bóc dã man của thực dân Pháp và tay sai ở Đông Dương.
Tiếp sau, Bản Yêu sách là các bài viết: Tâm địa thực dân; Vấn đề dân bản xứ; Đông Dương và Triều Tiên;… đều chứa đựng những nội dung tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân. Những bài viết đó, giúp nhân dân tiến bộ trên thế giới trong đó có nhân dân Pháp thấu hiểu, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa, của Việt Nam.
Mục đích con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho đồng bào. Ý chí và quyết tâm đó đã được hình thành ngay từ buổi ban đầu ra đi tìm đường cứu nước. Nghệ thuật và phương pháp đấu tranh của Người rất khôn khéo, thông minh và tài tình. Tận dụng ngay chính thành quả của các cuộc cách mạng tư sản Pháp, Mỹ, lợi dụng những điều trong 14 điểm của “Chủ nghĩa Uynxơn” đã nêu ra để đưa ra yêu sách đòi quyền tự do, bình đẳng cho dân tộc mình với những lời lẽ rất ôn hòa, có lý có tình.
Qua việc đấu tranh trực diện với kẻ thù, tuy rằng những yêu sách với lời lẽ rất ôn hòa song những yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc cũng như của các đại biểu các dân tộc bị áp bức khác không có kết quả, ngay cả đối với Trung Quốc, để “giả ơn” vì sự hợp tác trong chiến tranh, những cường quốc Âu Tây đã chia sẻ Trung Quốc và dâng Thanh Đảo cho Nhật Bản. Tận mắt chứng kiến những sự kiện đó, Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận quan trọng rằng không thể trông cậy vào các nước khác “muốn được giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”[2].
Nêu ra các quyền cơ bản của con người mà xứ An Nam phải được hưởng. Đây là các quyền phổ quát trong đó có các quyền như: tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền bình đẳng đã được Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1789 ghi nhận. Ngoài ra còn có các đòi hỏi chính đáng khác như: quyền tự do giáo dục và sáng tạo bằng cách cho phép mở các trường học ở khắp các tỉnh nhằm nâng cao dân trí và đào tạo ra những người có chuyên môn để phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở An Nam...
Lãnh đạo Tứ cường tại Hội Nghị Versailles (từ trái qua): các Thủ tướng David George (Anh), Vittorio Orlando (Ý), Georges Clemenceau (Pháp) và Tổng thống Woodrow Wilson (Mỹ) (Ảnh tư liệu)
Tiếng vang của Bản yêu sách đối với cách mạng Việt Nam và thế giới
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX Chủ nghĩa đế quốc, thực dân trong lòng nó đã nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt, xuất hiện những khâu yếu, mắt xích yếu. Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi có tầm ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản và giải phóng dân tộc. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc – một thanh niên mảnh dẻ, trẻ tuổi thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Versailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam cùng các đoàn đại biểu của các dân tộc thuộc địa khác đã tạo ra tiếng vang lớn không chỉ trong giới chính trị mà còn ảnh hưởng lớn đến mọi tầng lớp nhân dân lao động ở Pháp lúc bấy giờ và nhân dân các dân tộc thuộc địa. Yêu sách đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc, thúc đẩy các dân tộc “nhược tiểu”đã quyết tâm. mạnh mẽ đứng lên đấu tranh đòi độc lập dân tộc và tự do, bình đẳng cho dân tộc mình.
Bản Yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc không chỉ có tác động lớn đến dư luận Pháp mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân dân Việt Nam đang chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Lần đầu tiên ở Pháp và ở Việt Nam đã biết đến cái tên gọi rất ấn tượng-Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt, từ bản Yêu sách cho thấy một điều quan trọng và ý nghĩa hơn-một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực ngay giữa vòng vây của kẻ thù.
Đây là người mà mật thám Pháp Paul Arnoux (Pôn Ácnu) chuyên theo dõi người Việt Nam ở Pháp; tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc phân phát truyền đơn in Bản Yêu sách, đã từng thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[3].
“Người Pháp coi cuộc đấu tranh đó là một “quả bom” làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam cho rằng đó là "tiếng sấm mùa Xuân". Bấy giờ ngay tại thủ đô nước Pháp, trên diễn đàn quốc tế, có một người Việt Nam ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc mình, dư luận quốc tế xôn xao bàn tán, ai mà không kính, không phục. Sự kiện này đã có tác động to lớn, động viên khích lệ tinh thần yêu nước, đánh thức tinh thần đấu tranh của nhân dân trong nước đang sống trong giai đoạn đen tối nhất dưới chế độ thực dân Pháp cai trị kể từ sau thất bại của các phong trào yêu nước diễn ra cuối thế kỷ XIX.
Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và những nhà yêu nước Việt Nam cùng Bản yêu sách của nhân dân An Nam đã khẳng định với thế giới và các đế quốc rằng: Dù là một dân tộc nhỏ bé đang sống trong cảnh đô hộ thực dân phong kiến nhưng họ vẫn luôn giữ vững ý chí đấu tranh vì quyền lợi tự do của dân tộc mình. Đây là tiếng chuông báo hiệu cho cả thế giới biết rằng một dân tộc nhỏ bé đang vươn mình trỗi dậy và hoàn toàn có thể làm nên điều kỳ diệu, giải phóng dân tộc mình thoát khỏi ách đô hộ của thực dân đế quốc nếu biết đoàn kết lại và dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác xít chân chính. Chính từ đây, thế giới bắt đầu biết đến một người thanh niên ở một dân tộc nhỏ bé nhưng vô cùng can đảm, thông minh và đầy tài năng, sẽ là người đem đến nguồn ánh sáng và đặt nền móng cho cách mạng Việt Nam. Quá trình hoạt động không ngừng nghỉ và tiếp cận với nhiều nguồn tri thức lý luận mới về con đường giải phóng dân tộc, đặc biệt là con đường cách mạng tháng Mười Nga đã giúp Nguyễn Ái Quốc xác định được con đường đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Minh Dương