Trong giai đoạn đẩy mạnh đấu tranh giành chính quyền 1939-1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng hiệu quả vũ khí báo chí để xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân
Chuyển biến tình hình thuận lợi cho cách mạng Việt Nam
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ngày 1/9/1939. Sau những diễn biến ác liệt, giữa năm 1945, chiến tranh đi vào hồi kết thúc với thắng lợi của Liên Xô và phe Đồng Minh. Chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, tạo cơ hội hết sức thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Việt Nam.
Đây cũng là thời kỳ có những thay đổi trong tình hình chính trị ở Việt Nam và Đông Dương. Tháng 9/1940, quân phiệt Nhật xâm lược và cùng thực dân Pháp thống trị Đông Dương, nhân dân ta lâm vào tình cảnh “một cổ hai tròng”.
Quân phiệt Nhật, thực dân Pháp và bè lũ tay sai thực hiện trở lại chính sách kiểm duyệt báo chí gắt gao phục vụ mưu đồ xâm lược và thống trị của chúng. Trong năm 1939, chính quyền thực dân đã ban hành 18 văn bản liên quan đến kiểm soát các hoạt động báo chí. Những năm sau đó, do chiến tranh ác liệt và đặc biệt từ khi Nhật xâm lược và thống trị Đông Dương, báo chí càng bị kiểm duyệt gắt gao hơn.
Giai đoạn cách mạng 1939-1945 là giai đoạn Đảng cộng sản Đông Dương bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc với nội dung cốt lõi là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến chuẩn bị mọi điều kiện để tiến lên khởi nghĩa vũ trang. Mọi hoạt động của Đảng trong đó có hoạt động báo chí đều tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói trên.
Trang nhất một số báo Cờ giải phóng (Ảnh tư liệu)
Báo chí cách mạng phục vụ nhiệm vụ đấu tranh giành chính quyền
Trong bối cảnh lịch sử nói trên, tiếp tục kế thừa và phát triển những quan điểm, chủ trương của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền trong thời kỳ trước đây, Đảng tiếp tục coi công tác báo chí là một trong những công tác quan trọng vào bậc nhất của Đảng trong công tác tư tưởng.
Báo chí là hình thức tuyên truyền cơ bản, quan trọng nhất, báo chí luôn gắn với tổ chức Đảng và ngược lại. Tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương thời kỳ này như Hội nghị Trung ương tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Võng La tháng 2/1943, Hội nghị toàn quốc của Đảng giữa tháng 8/1945…đều đề ra những nhiệm vụ của các cơ quan Đảng từ Trung ương đến chi bộ đối với công tác báo chí.
Các cơ quan Đảng từ cấp tỉnh trở lên phải xuất bản báo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Các tổ chức Đảng từ cấp huyện xuống tới chi bộ có nhiệm vụ ủng hộ vật chất cho việc xuất bản báo, mua báo Đảng, đọc báo Đảng, báo Mặt trận để hiểu rõ chủ trương đường lối của Đảng, của Mặt trận và thực hiện những nhiệm vụ đề ra.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5/1941 chỉ rõ: “Muốn cho sự tuyên truyền cho kịp thời và khỏi gián đoạn, mỗi khi các đảng bộ mất mối liên lạc với nhau thì mỗi đảng bộ địa phương phải tìm cách ra báo chí tuyên truyền. ít nhất là các ban tỉnh ủy phải có ban tuyên truyền chuyên môn xuất bản báo riêng ở trong tỉnh để tuyên truyền cho kịp thời”[1].
Đến cuối năm 1941, ở mỗi xứ đều có tờ báo là cơ quan tuyên truyền cổ động cho toàn xứ, báo Tiến lên ở Nam Kỳ, Bẻ xiềng sắt ở Trung Kỳ, Giải phóng ở Bắc Kỳ. Ngoài ra nhiều khu và liên tỉnh cũng có báo riêng.
Báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh với kẻ thù. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Báo chí là thứ vũ khí của ta mà địch căm ghét nhất”[2].
Trên mặt trận chính trị, tư tưởng, báo chí là vũ khí, phương tiện sắc bén phục vụ cho người sử dụng nó. Chính vì thế, trong khi bóp nghẹt tự do báo chí, đàn áp dòng báo chí cách mạng bằng nhiều cách từ tăng thuế, cấm công nhân viên chức đọc báo cách mạng, bắt bớ giam cầm phóng viên, đến đóng cửa các tòa soạn… , thực dân Pháp, quân phiệt Nhật và tay sai ra sức phát triển nền báo chí phản cách mạng, phục vụ mưu đồ xâm lược, thống trị của chúng, tuyên truyền cho những tư tưởng phản dân hại nước, gieo rắc tư tưởng hoài nghi đường lối, chủ trương của Đảng, gây chia rẽ tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng…
Để đáp lại, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng luôn coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, tuyên truyền tư tưởng cách mạng, chỉ rõ những tư tưởng sai lầm, đập tan những luận điệu phản động.
Báo chí của Đảng và Mặt trận Việt Minh thời kỳ này có nhiều bài thông tin tình hình thế giới, trong nước, trong đó tập trung phổ biến, giải đáp các chủ trương đường lối của Đảng và Mặt trận, nhiều bài nói về Liên Xô, cách mạng tháng Mười Nga, tình hình nước Nga, vai trò của Liên Xô trong mặt trận dân chủ quốc tế chống phát xít… góp phần định hướng tư tưởng và hành động cho cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng.
Tờ Cứu quốc số 1, ra ngày 25/1/1942 (Ảnh tư liệu)
Báo Việt Nam độc lập, số 116, ra ngày 21/01/1942 và số 126, ra ngày 11/7/1942 có bài phân tích về tương quan lực lượng giữa Liên xô và Đức, về sức mạnh của Liên xô, cơ sở để chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức.
Báo Cờ giải phóng số 1, ngày 10/10/1942 đăng bài “Liên bang Xô viết chiến thắng muôn năm”giới thiệu về những thành tựu và sức mạnh của Liên xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tạp chí Cộng sản số 2 ra ngày 24/9/1943 lý giải chủ trương giải tán Quốc tế Cộng sản và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trước sự kiện này.
Báo Việt Nam độc lập số 122 (01/4/1942) và 123 (21/4/1942) có bài “Nhật nhất định thua” phân tích tương quan lực lượng giữa phát xít Nhật và phe Đồng Minh (Mỹ, Anh, Trung Hoa dân quốc) và đi đến kết luận: “Nhật nhất định thua” trong cuộc chiến tranh xâm lược trên mặt trận Thái Bình Dương.
Báo chí là phương tiện hữu hiệu gắn liền với cuộc đấu tranh xây dựng, củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thời kỳ 1939-1945, thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai gia tăng đàn áp, đánh phá hệ thống tổ chức Đảng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng bị bắt và hy sinh, nhiều tổ chức Đảng bị phá vỡ. Chính vì thế, cuộc đấu tranh khôi phục, củng cố tổ chức Đảng diễn ra hết sức quyệt liệt. Khi của tổ chức Đảng được khôi phục, củng cố, xuất bản báo chí phục vụ trở lại công tác xây dựng Đảng về mọi mặt. Tờ báo lại là nơi chắp nối liên lạc, tập hợp đảng viên vào tổ chức.
Tháng 1/1941, Xứ ủy Nam Kỳ tái lập, ra báo Giải phóng, nhưng không tồn tại được lâu. Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5/1941, hàng loạt các tờ báo ra đời, gắn với sự phát triển tổ chức như báo Việt Nam độc lập của mặt trận Việt Minh Cao Bằng ra đời 01/8/1941, tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Đảng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp làm chủ bút ra đời tháng 9/1941 (nhưng đến 28/2/1943 mới ra số đầu tiên), báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra ngày 25/01/1942, Liên tỉnh ủy miền Đông Nam Kỳ ra báo Giải phóng đầu năm 1942, báo Cờ giải phóng của Trung ương Đảng ra đời ngày 10/10/1942, báo Giải phóng của Ban cán sự miền Đông Nam Kỳ- cơ quan tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh ở Nam Kỳ ra đời tháng 10/1943, Xứ ủy Nam Kỳ Tiền Phong xuất bản báo Tiền Phong, báo Tiến….
Hàng loạt tờ báo, tạp chí của Trung ương và các cấp bộ Đảng địa phương ra đời góp phần vào quá trình xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám.
Báo Đảng và Mặt trận với những bài viết tiêu biểu của đồng chí Trường Chinh góp phần thống nhất hệ thống tổ chức Đảng giữa Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng với bài “Để thống nhất Đảng bộ Nam Kỳ hãy kíp đi vào đường lối” đăng báo Cờ giải phóng số 15, ra ngày 17/7/1945, bài “Đừng mắc mưu giặc” (Cờ giải phóng số 2, ngày 26/8/1942) chống nạn AB, báo Cờ giải phóng số 9, ra ngày 25/12/1944 với bài “Kinh nghiệm công tác làm thế nào để nhận biết một phần tử là AB?” đưa ra những kinh nghiệm nhận diện những phần tử AB để bảo vệ tổ chức …
Báo chí là người tập hợp, tổ chức, hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng. Báo chí của Mặt trận Việt Minh, tiêu biểu là tờ Việt Nam độc lập làm tốt vai trò này. Ngay mục đích của báo được in trong số 1 “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho “Việt Nam độc lập”, bình đẳng tự do”. Tờ báo với văn phong phổ cập, dễ hiểu, dễ nhớ luôn chĩa mũi nhọn vào kẻ thù trực tiếp của cách mạng là phát xít Nhật thực dân Pháp và tay sai,vạch trần mọi âm mưu thủ đoạn và tội ác dã man của chúng, giáo dục quần chúng hiểu rõ tình hình thế giới, tình hình trong nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, phê phán những suy nghĩ và hành động sai lầm, kêu gọi nhân dân hoạt động theo chủ trương của Mặt trận Việt Minh. Tờ báo đã có ảnh hưởng vượt không gian vùng biên giới phía Bắc, trở thành vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc.
Vận dụng quan điểm của Lê nin về báo chí cách mạng, sáng tạo và hiệu quả trong sử dụng báo chí cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Xuân Nguyễn