Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, tác động mạnh tới cộng đồng các dân tộc thiểu số, vốn được coi là đối tượng dễ bị tổn thương. Việc bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay, nhằm thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, đồng thời hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ, vừa chống dịch, vừa phát triển triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Người Cơ Tu (ở Quảng Nam, Việt Nam) giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua điệu múa Tung Tung Ya Yá (Ảnh: Kiều Giang)
Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, luôn coi việc chăm lo phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 đã khẳng định “Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”. Trong Hiến pháp Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam cũng ghi nhận “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; … giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình...”.
Trên thực tế, Chính phủ đã phê duyệt các chính sách, đề án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá dân tộc thiểu số, tích cực tuyên truyền vận động để các dân tộc cùng tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo điều kiện để nhân dân phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần củng cố các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tập quán, phong tục và bản sắc của đồng bào được gìn giữ, phát huy cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể, khuyến khích các cộng động bảo lưu những yếu tố văn hóa tích cực, phục hồi những lễ hội lành mạnh, những hoạt động mang tính biểu trưng cộng đồng, và điều chỉnh, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Chính sách mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giáo dục ý thức cộng đồng một cách tự giác, lan tỏa tinh thần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Chính sách khuyến khích đồng bào phát triển du lịch văn hóa tại địa bàn cư trú ở nhiều địa phương cũng đem đến những hiệu quả to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, vừa có thể giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nơi sinh sống, vừa củng cố và phát huy những giá trị văn hóa bản địa. Chính sách bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số cũng tác động tích cực đến sự phát triển của các cộng đồng văn hóa, tăng cường sự giao lưu, tiếp cận thông tin, củng cố những đặc trưng văn hóa trong xu thế hội nhập nói chung.
Công tác dân tộc mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song hiện nay đang phải hứng chịu những thách thức cực lớn từ đại dịch Covid-19, mà nếu không tỉnh táo và kịp thời đưa ra những giải pháp ứng phó, mục tiêu chiến lược trong việc bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số sẽ khó hoàn thành.
Đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cơ bản, rất khó để tiếp cận thông tin trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Đại dịch cũng làm hạn chế và thay đổi phương thức sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các cộng đồng dân tộc, tác động tiêu cực đến sinh kế, hoạt động văn hóa của đồng bào. Nhiều loại hình lao động, sinh hoạt được chuyển đổi theo các nền tảng công nghệ hiện đại để thích ứng với trạng thái bình thường mới lại không thể áp dụng được tới những vùng dân tộc thiểu số do điều kiện hạ tầng không cho phép. Ngay cả những sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng cũng không thể được tiến hành bình thường trong điều kiện Covid-19. Xét một cách tổng thể, các cộng đồng văn hóa của dân tộc thiểu số có nguy cơ bị cô lập trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
Dịch bệnh Covid đã tác động không nhỏ đến bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực văn hóa. Để giải quyết những bất cập này, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước những khó khăn gây ra bởi tình hình dịch Covid-19.
Đầu tiên, các ban, bộ, ngành, địa phương cần chủ động nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, cần thông tin kịp thời đến các cộng đồng văn hóa về diễn biến và cách phòng chống dịch bệnh Covid. Song song với đó là việc duy trì và cải tiến phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện phòng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần bố trí ngân sách và hỗ trợ kịp thời việc kết nối hạ tầng công nghệ, chuyển đổi phương thức một số loại hình dịch vụ văn hóa, du lịch ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, cải tiến mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong điều kiện phòng chống dịch Covid cần sớm được nghiên cứu và áp dụng vào điều kiện cụ thể.
Bảo đảm quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số là một mục tiêu chiến lược lâu dài, góp phần vào mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế, xã hội nói chung của đất nước. Trong bối cảnh các cộng đồng, dân tộc đang bị chia cắt bởi làn sóng dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, thì văn hóa trong sự đa dạng của nó, sẽ là chìa khóa quan trọng gắn kết con người, vượt qua hố sâu của dịch bệnh để xích lại gần nhau.
Nguyễn Hoan