Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã sử dụng báo chí theo lời chỉ dạy của Lênin: Báo chí là người “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể” các phong trào hành động cách mạng của nhân dân. Báo Nhân Dân, ra đời từ sau Đại hội II (1951) đến nay đã thực hiện xuất sắc vai trò đó
Bác Hồ với Báo Nhân Dân
Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.
Kế thừa truyền thống báo Thanh niên, báo Tranh đấu, Cờ giải phóng, Sự thật…, tháng 2/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng quyết định xuất bản tờ báo lấy tên là Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng, nhằm phản ánh, động viên kịp thời cuộc kháng chiến, kiến quốc của quân và dân ta. Số báo đầu tiên được phát hành ngày 11/3/1951.
Suốt 18 năm (1951-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, dành nhiều tâm trí, thời gian viết bài cho báo Nhân Dân, thể hiện ở số lượng bài báo Bác viết trên báo Đảng với 1.205 bài trong tổng số 2.000 bài báo của Bác. Bởi vì, theo Bác “Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”[1]. Từ việc xác định vai trò to lớn của báo Nhân Dân, Người khẳng định: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí,
suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất”[2].
Bác phê bình một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được một việc bình thường, dễ dàng thực hiện hằng ngày, nhưng rất quan trọng, là phải đọc báo Đảng. Người chỉ rõ những cán bộ đó là “mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to”[3]. Bởi vì, cán bộ, đảng viên không xem báo Đảng “khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”[4]. Để khắc phục tình trạng ấy, Người đề nghị, “cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng”[5]. Bác còn gợi mở: Các chi bộ, cơ quan, đơn vị, nhà máy... nên tổ chức cùng nhau đọc báo. Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng, thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu, thì nên viết thư hỏi nhà báo...
Chính Người là tấm gương về đọc báo hằng ngày, trong đó báo Nhân Dân luôn được Bác đọc đầu tiên, Người còn viết: “Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo”[6].
Khi đọc báo, Bác Hồ có thói quen dùng bút chì màu đánh dấu vào những bài, những đoạn đáng chú ý, cần đọc lại. Người cũng thường có những nhận xét, góp ý về tranh, ảnh, bài viết đăng trên Báo Nhân Dân. Những từ ngữ chưa chuẩn xác được Bác đánh dấu để góp ý sửa chữa. Đặc biệt, những bài viết về gương “người tốt việc tốt”, Bác ghi bên lề “Thưởng một huy hiệu của Bác”, thể hiện sự quan tâm, sát sao của vị Chủ tịch nước với những hoạt động cụ thể của đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân.
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân (Ảnh tư liệu)
Từ bài “Phong trào mua công trái” đăng trên số báo Nhân Dân đầu tiên ra ngày 11/3/1951 với mong muốn “Phong trào mua công trái lại là một dịp để chứng tỏ lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào ta… Mong rằng các tỉnh nhớ gửi dần dần kết quả việc bán công trái để đăng lên Báo Nhân dân”[7], kêu gọi toàn dân thể hiện lòng yêu nước cụ thể bằng việc mua công trái để góp sức kháng chiến, kiến quốc; đến bài báo cuối cùng của Bác Hồ viết cho Báo Nhân Dân, cũng là bài báo cuối cùng trong sự nghiệp viết báo của Người, là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” (đăng Báo Nhân Dân, ngày 1/6/1969). Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải hết sức quan tâm công tác nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ vì “thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”[8]. Đây là một ngẫu nhiên lịch sử mang đậm ý nghĩa. Trước khi đi xa, Bác “để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”[9] và xác định trách nhiệm cho mọi người, mọi ngành chăm sóc, giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau. Báo Nhân Dân được vinh dự đăng tải bài báo cuối cùng chứa đựng tâm nguyện đó của Người.
Cũng trong 18 năm đó, Bác Hồ dành luôn ân cần, chỉ bảo với những người làm báo, nhất là người làm báo Đảng, cần có những nguyên tắc chỉ đạo nhất quán, đó là, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên báo chí cách mạng đều phải có đường lối chính trị đúng. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”[10]. Vì vậy, về nội dung của báo, Bác nhấn mạnh, cùng với biểu dương cái tốt, đồng thời cũng chỉ rõ thiếu sót, hạn chế của đời sống thực tiễn, tránh “tô hồng, bôi đen” một chiều. Về cách viết, Bác dặn: Phải chú ý viết sao cho các tầng lớp nhân dân dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, nhất là cần khắc phục nhanh bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Đồng thời, Bác đề nghị, cùng với quyền của báo là phê bình các cơ quan, đơn vị, địa phương... làm trái đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thì báo cũng cần tự phê bình việc đưa thông tin chưa chính xác, hoặc cách viết chưa hấp dẫn người đọc. Theo gợi ý đó, Báo Nhân Dân đã duy trì thường xuyên mục “Ý kiến bạn đọc”, mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của báo Đảng (11/3), báo có bài tổng hợp những ý kiến khen, chê của bạn đọc trong nước và ở nước ngoài...
Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo Nhân Dân là nguồn động lực to lớn để tờ báo Đảng hoàn thành xuất sắc vai trò trong những chặng đường lịch sử của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang
Trải qua 70 năm cùng đồng hành với sự nghiệp vẻ vang của Đảng, báo Nhân Dân hoàn thành xuất sắc mục đích, tôn chỉ, xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, là tờ báo hàng đầu trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, báo Nhân Dân đã phản ánh sinh động cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta; giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước cho nhân dân; cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công, cổ vũ các chiến sĩ ngoài chiến trường và củng cố hậu phương vững mạnh. Qua việc phản ánh các hoạt động thực tiễn sinh động của đời sống chiến đấu và sản xuất, báo Nhân dân đảm nhiệm vai trò phổ biến, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, trở thành những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng.
Báo Nhân Dân, số 1, ngày 11/3/1951
Trong hành trình 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo bước chân các chiến sĩ trên chiến trường, các lực lượng ở hậu phương, báo Nhân Dân thực sự là cuốn biên niên sử hào hùng, phản ánh chân thực, sống động cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào cả nước vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Báo Nhân Dân đã giới thiệu, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, và nhiều tấm gương điển hình từ báo Đảng đã trở thành cuộc vận động thi đua rộng khắp trong cả nước, tiêu biểu như: “Chiếc gậy Trường Sơn lên đường đánh Mỹ” bắt đầu từ Ứng Hòa; “Xe không qua, nhà không tiếc” từ Quảng Bình…đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành di nguyện của Bác trước lúc đi xa “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Bắc, Nam xum họp, xuân nào vui hơn”.
35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, báo Nhân dân đã kiên trì bảo vệ đường lối của Đảng, giữ vững định hướng chính trị, thông tin kịp thời, chính xác đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Bám sát tình hình đất nước, những vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội, báo Nhân Dân đã có nhiều bài điều tra, phóng sự, nhiều bài chuyên luận cổ vũ những nhân tố mới, điển hình, tiên tiến; đồng thời, phê phán những quan điểm, nhận thức lệch lạc, những biểu hiện tiêu cực, trì trệ.
Dấu ấn chuyên mục “Những việc cần làm ngay” những năm đầu đổi mới với những câu chuyện thiết thực, cụ thể mà chứa đựng cả ý chí, quyết tâm đổi mới toàn diện. Tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, báo Nhân Dân hằng tháng mở chuyên mục “Tâm huyết với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước” trên trang nhất, được bạn đọc hoan nghênh và đóng góp nhiều ý kiến, thể hiện quyết tâm đoàn kết chung quanh Đảng, biến quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thành hiện thực. Vinh dự hơn nữa, tại Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ V mang tên “Búa Liềm Vàng”, lần đầu tiên có giải đặc biệt trao cho báo Nhân Dân với tác phẩm “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình”.
70 năm trưởng thành và phát triển, báo Nhân Dân khẳng định là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn ngôn luận của nhân dân, đóng góp vào công tác tuyên truyền, định hướng, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, khơi dậy niềm tin, ý chí quyết tâm, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Báo Nhân Dân luôn làm tốt vai trò Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng là tờ báo hàng đầu của nền báo chí nước nhà.
Nhật Ngọc
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.514
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.514
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.514, 515
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.514
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.514
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nx.b CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 515
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 52
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 579
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 624
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 102