Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) lấy dẫn chứng từ hai vụ việc khá nổi cộm thời gian qua liên quan đến hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam. Điểm chung là cả hai đều bị “cộng đồng mạng dập cho tơi bời”. “Lúc đó, ai bảo vệ và cách bảo vệ như thế nào, hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị, làm đơn? Kiểu bạo hành “đập cho chết chứ không phải đập cho chừa” này rất nguy hiểm” - đại biểu Bích Châu bày tỏ sự trăn trở.
Những câu chuyện bạo lực tưởng chừng chỉ diễn ra trên thế giới ảo nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất, tâm lý… của nạn nhân. Ngay cả với những người mạnh mẽ vượt qua, nhưng có ai dám chắc họ không chịu những tổn thương nào về tinh thần, thậm chí gây ám ảnh.
Hiện nay, một trong những xu hướng nguy hiểm trên mạng là hành vi ném đá hội đồng, hầu hết từ những “kẻ giấu mặt”. Chúng ta dễ dàng tìm thấy nhiều nhóm tẩy chay trên Facebook được lập ra với mục đích chỉ trích, bới móc, thóa mạ… các cá nhân, tổ chức. Đằng sau đó là một đội ngũ quản trị viên âm thầm trục lợi. Khi các hội nhóm này thu hút lượng lớn người tham gia, hoạt động ổn định, mức tương tác cao sẽ được rao bán với những mức giá khác nhau và đổi tên để hoạt động.
Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc tranh luận trên mạng xã hội cũng là xu thế và trong nhiều trường hợp là cần thiết. Trước hết, nó cho thấy khi được trao “quyền”, khán giả đã không thờ ơ trước những sự việc đang diễn ra. Người hâm mộ cất lên tiếng nói mạnh mẽ cũng góp phần cảnh tỉnh, buộc những người làm nghệ thuật, những người nổi tiếng phải cẩn trọng trong từng phát ngôn, hành động nếu không muốn bị khán giả tẩy chay. Trong không ít trường hợp, chính cư dân mạng là người phát hiện sai phạm, đưa ra cảnh báo đến cơ quan quản lý, góp phần làm “sạch” môi trường nghệ thuật và tạo ra những tác động tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, ranh giới “đập cho chừa” đôi khi rất mong manh, dễ bị lợi dụng, dẫn đến vấn nạn bạo lực trên mạng. Không ít trường hợp nhân danh góp ý, phê bình nhưng thực chất là bới móc đời tư, ném đá, xúc phạm…
Đối với việc bảo vệ mình trên không gian mạng, các quy định của pháp luật mang ý nghĩa nền tảng quan trọng, đảm bảo những hành vi vi phạm đều bị xử lý một cách nghiêm minh, công bằng; đồng thời cũng là tiền đề góp phần xây dựng văn hóa số, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Ở phương diện này, các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thiết chế cần bắt nhịp, thậm chí đi trước một bước so với sự phát triển và luôn phải được cập nhật kịp thời. Quan trọng không kém, mỗi cá nhân cần trang bị các kiến thức, kỹ năng để tăng “sức đề kháng”, biết tự bảo vệ mình, tránh rơi vào bẫy hay trở thành nạn nhân của bạo lực mạng.
Nguồn SGGP