Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở khu vực phía Bắc nước ta. Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những chủ trương đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua.
Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, phía tây tựa lưng vào núi rừng trùng điệp, phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông. Tạo hóa đã ưu đãi cho Quảng Ninh nhiều loại địa hình, hình thành nên nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Với ưu thế đó, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử, văn hoá gắn với thúc đẩy du lịch. Nhờ đó, Quảng Ninh phát triển hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách đến tham quan.
Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: tranhtra.vn
Là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, hằng năm thu hút hàng triệu du khách, lễ hội Yên Tử (TP Uông Bí) nằm trong nhóm những điểm du lịch hấp dẫn nhất cả nước. Hàng năm, có khoảng hơn 2 triệu lượt du khách về với Yên Tử, riêng du khách quốc tế là 250 nghìn lượt khách. Trong mỗi dịp Tết, mỗi ngày Yên Tử đón hàng vạn lượt du khách thập phương về tham quan. Lễ hội Yên Tử được coi là một trong những điểm du lịch đầu năm không thể thiếu của nhân dân cả nước.
Được đánh giá là một trong những ngôi đền đẹp và linh thiêng nhất Việt Nam, di tích Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) là di tích lịch sử văn hóa nhà Trần nổi tiếng. Đây là di tích văn hóa tâm linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Bắt đầu từ năm 2015, Đền Cửa Ông đã được tôn tạo với nhiều hạng mục, dự án cải tạo mở rộng làm cho không gian khu di tích được hoàn thiện, khang trang rộng rãi và sạch đẹp hơn. Dự án cải tạo, mở rộng không gian khu di tích đã mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho Đền Cửa Ông, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Quần thể Yên Tử và khu di tích đền Cửa Ông chỉ là hai trong số hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh góp phần rất quan trọng vào việc thu hút du khách đến với Quảng Ninh thời gian qua. Thấy được tầm quan trọng và vai trò đặc biệt của các di tích lịch sử, văn hóa đối với phát triển du lịch, những năm qua, Quảng Ninh đã tiến hành khôi phục, trùng tu, tôn tạo, trong đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài. Tiêu biểu như phục hồi lại đình và lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), phục dựng, tôn tạo chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên (TX Đông Triều)…
Ngoài các di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước tổ chức bảo tồn, trùng tu, tạo sức hút đối với khách du lịch, ở nhiều địa phương, người dân cũng bắt đầu có phong trào tự gìn giữ, khôi phục các di tích ở làng, xã, thôn, bản bằng nguồn vốn xã hội hóa. Việc huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn trong hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng thêm các công trình phụ trợ đã giúp phát huy tốt giá trị di tích, từ đó giúp các địa phương xây dựng thêm các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới, thu hút nhân dân và du khách thập phương tới tham quan.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã làm tốt công tác huy động nguồn vốn xã hội hóa vào việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa như: chùa Nam Thọ (TP Móng Cái) xã hội hóa trên 12 tỷ đồng; chùa Nhuệ Hổ (TX Đông Triều) huy động trên 46 tỷ đồng tiền xã hội hóa cho hoạt động tu bổ, tôn tạo; chùa Rui (TX Quảng Yên) huy động xã hội hóa được trên 35 tỷ… Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đã tạo cơ hội cho việc tôn tạo nhiều hạng mục, mở rộng nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa. Các di tích lịch sử văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh thời gian qua.
Di tích Đền Cửa Ông. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, việc khai thác những di sản này trong hoạt động du lịch ở một số nơi vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương tổ chức tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử văn hóa chưa theo đúng quy định, chất lượng còn hạn chế vì nôn nóng muốn đưa vào khai thác để thu hút du khách. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch tại một số di sản văn hóa còn phát triển tự phát, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Để các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thu hút du khách đến với Quảng Ninh cần có chủ trương, chính sách phù hợp để tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa; đồng thời, có chiến lược khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giúp du khách cảm nhận được các giá trị văn hóa của địa phương.
Thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đạt được hiệu quả cao, việc bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo tồn nguyên trạng di tích. Đồng thời khai thác có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; song cũng phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, tránh vì mục tiêu phát triển du lịch mà làm mai một, đánh mất giá trị của các di tích lịch sử văn hóa.
Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch không chỉ là sự chuyển đổi cần thiết của tỉnh Quảng Ninh mà còn là hướng đi cần được nhân rộng đối với các địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa ở nước ta.
Thu Trang