Di sản văn hóa được xem là báu vật thiêng liêng, thể hiện bản sắc văn hóa, nét riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Di sản văn hóa cũng là nguồn tài nguyên du lịch hết sức quý báu và đặc biệt hấp dẫn. Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch nơi đây không chỉ là điểm sáng ở Việt Nam, mà còn đạt nhiều danh hiệu quốc tế.
Di sản Phố cổ Hội An. Ảnh: Internet
Cái tâm, cái tầm của cựu Bí thư Hồ Nghinh đối với di sản thế giới ở Quảng Nam
Khi nhắc đến 02 di sản thế giới tại Quảng Nam, chúng ta không thể không kể đến công lao của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Ông là người sớm quan tâm bảo vệ di tích, mà đối với Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là hết sức tiêu biểu. Đối với Phố cổ Hội An, năm 1976, có lần người dân đã tập trung tới “hơn 500 người với búa tạ, xà beng, cuốc… ra quân bài trừ mê tín dị đoan với từng nhóm, đội có cán bộ an ninh phụ trách. Tất cả chuẩn bị đến từng mái đình, ngôi chùa, đền miếu để phá hủy cái gọi là nơi gieo rắc mê tín dị đoan”, rất may ông Hồ Nghinh đã kịp thời ngăn lại(1).
Di tích Mỹ Sơn lại phát sinh một vấn đề khác, khiến nguy cơ gìn giữ di tích đứng trước thách thức lớn. Đó là những năm sau khi thống nhất đất nước, Huyện ủy Duy Xuyên ưu tiên nhiệm vụ xây hồ, đắp đập để lấy nước phục vụ phát triển nông nghiệp. Phần đông lãnh đạo huyện thống nhất phương án chặn dòng và xây dựng hồ chứa nước tại Khe Thẻ, điều đó đồng nghĩa với việc toàn bộ di tích Mỹ Sơn sẽ chìm dưới lòng hồ. “Mỹ Sơn đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Vừa hay tin, ông Hồ Nghinh đã trực tiếp về quê để cứu lấy Mỹ Sơn”(2).
Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của cựu Bí thư Hồ Nghinh mà Phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn đã được gìn giữ tương đối nguyên vẹn. Đó là cơ sở để công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị các di tích này từng bước được thực hiện. Đó là cơ sở để ngày 19/3/1985 Bộ Văn hóa ra Quyết định số 506/QĐ-VH công nhận Khu Phố cổ Hội An là di tích Quốc gia. Sau đó, công tác nghiên cứu về Phố cổ Hội An tiếp tục được quan tâm, các nhà khoa học đã tập hợp được nhiều tư liệu quý báu để xác định vị thế di tích Hội An. Đặc biệt, năm 1990, Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An đã được tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 22-23/3/1990 quy tụ 150 đại biểu trong nước và quốc tế với hơn 40 tham luận, trong đó có nhiều tham luận về khảo cổ học, về giá trị văn hóa, về giá trị kiến trúc… Với những giá trị hết sức đặc sắc và tiêu biểu của 02 di sản, tháng 12/1999, Phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Phố cổ Hội An trong phát triển du lịch
Trong các loại hình di tích lịch sử - văn hóa, theo thống kê, ở Hội An có 93% là di tích kiến trúc nghệ thuật. Giá trị của các công trình kiến trúc là nổi bật ở Hội An, đây là linh hồn, là thành tố quan trọng của văn hóa Hội An. Kiến trúc những ngôi nhà gỗ từ bao đời nay vẫn nép mình khiêm tốn bên nhau trong những khu phố cổ nay trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách. Theo thống kê năm 2019, Phố cổ Hội An là khu vực có mật độ di tích dày đặc với 1.432 di tích đã kiểm kê, phân loại (có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ). Các di tích nơi đây chính là tài nguyên du lịch dồi dào, phong phú thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan Hội An.
Du khách đến Hội An có thể tự do tìm hiểu, tham quan các ngôi nhà cổ hoặc mua vé tham quan công trình có giá trị kiến trúc điển hình. Hiện nay Hội An bán vé tham quan các công trình kiến trúc cổ cho 21 điểm di tích trong khu phố cổ. Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An, địa phương dành 85% tiền bán vé được dùng để trùng tu, bảo tồn di tích, 15% còn lại được dùng hoạt động của các cơ quan liên quan. Và đặc biệt, Chùa Cầu tương truyền do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỉ XVII, họa tiết thể hiện sự kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc giữa Việt - Nhật - Hoa… Trên cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân nơi đây. Chùa Cầu là tài sản quý giá của Hội An và đã được chọn làm biểu tượng của Phố cổ Hội An.
Thành phố Hội An có những hoạt động hấp dẫn để khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Gắn với không gian phố cổ, các lễ hội, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nơi đây cũng là những sản phẩm du lịch đặc sắc, đem lại nhiều cảm xúc cho du khách. Chúng ta có thể kể đến rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: tranh thêu tay, tranh vẽ, lồng đèn, tre khắc chữ Hán, hàng gốm sứ, hàng mộc… Đó sẽ là những vật lưu niệm rất tinh tế, xinh xắn mang hồn Phố cổ Hội An theo chân du khách đi khắp nơi trên thế giới. Du khách không chỉ ngắm nhìn, mua các sản phẩm mà còn trực tiếp đến thăm các xưởng thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, du khách còn được hướng dẫn tham gia vào một số công đoạn của quá trình sản xuất để có những trải nghiệm thú vị. Du khách cũng có thể tự tay làm một số sản phẩm theo hướng dẫn để đem về làm kỷ niệm cho bản thân.
Những kết quả đó đã được thể hiện rõ bằng con số về khách du lịch đến với Hội An, từ chỗ chỉ đón khoảng 200 ngàn khách năm 1999 lên mức 2,1 triệu khách năm 2014. Đặc biệt, năm 2019 là năm đạt kết quả cao nhất trước khi bị tác động bởi đại dịch Covid-19: khách tham quan tại Hội An đạt 5,35 triệu lượt (khách quốc tế đạt 4 triệu lượt); tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 1,97 triệu lượt; doanh thu vé tham quan phố cổ đạt hơn 287 tỷ đồng. Hội An tiếp tục đạt các danh hiệu quốc tế uy tín như Thành phố tuyệt vời nhất thế giới, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019…
Sau thời gian ngành du lịch bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 (năm 2020 và năm 2021), trong 6 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến Hội An đã phục hồi và tăng cao, đạt 487.000 lượt, tăng 217,47% so với cùng kỳ; lượt du khách tham quan các điểm đến trên địa bàn Hội An đạt 325.050 lượt, tăng 209,95% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Quảng Nam nói chung, thành phố Hội An nói riêng đã và đang có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả trong công tác phát triển du lịch cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Chúng ta tin tưởng rằng Hội An sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Chú thích:
(1), (2): Lê Phi (2013), Ông bí thư cứu hai di sản văn hóa thế giới, https://tienphong.vn/ong-bi-thu-cuu-hai-di-san-van-hoa-the-gioi-post632224.tpo, ngày 16/06/2013.
Anh Vũ