Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ Quốc. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông giáp Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây giáp Lào Cai. Trải qua nhiều lần thay đổi cương vực và tên gọi, năm 1891, tỉnh Hà Giang được chính thức thành lập trên cơ sở sát nhập 2 hạt là Hà Giang và Bắc Quang. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, 19 dân tộc sinh sống trên mảnh đất này trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đã tạo dựng nên các sắc thái văn hóa độc đáo, kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, kết tinh trong nếp sống nếp nghĩ, tình cảm, tâm hồn của người Hà Giang.
Đèo Mã Pì Lèng ở Hà Giang. Ảnh: vnexpress
Nhắc đến Hà Giang là người ta nghĩ đến một vùng đất núi non hùng vĩ, sơn kì thủy tú với những địa danh đã trở nên quen thuộc như đèo Mã Pì Lèng, hẻm vực Tu Sản, cột cờ Lũng Cú, Nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, … Hà Giang là vùng đất với những cảnh sắc làm say đắm lòng người như ruộng bậc thang Hoàng Su Phì rực rỡ mùa lúa chín, những bạt ngàn hoa tam giác mạch ở Mèo Vạc, Đồng Văn, dòng Nho Quế biếc xanh uốn lượn, những nếp nhà trình tường bình yên bên những gốc đào rừng nồng ấm sắc xuân, … Hà Giang còn là vùng đất của những lễ hội hết sức đặc sắc như lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, lễ hội Lồng tồng của người Tày, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ cúng Thần rừng của người Pu Péo, lễ cấp sắc của người Dao, lễ mừng cơm mới của người La Chí, … Hà Giang cũng là mảnh đất còn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú như các làn điệu dân ca, các nghề thủ công truyền thống, các tri thức địa phương độc đáo, … Hà Giang còn là mảnh đất của những sản vật quý như mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, cam sành, … Hơn hết, Hà Giang là quê hương, là nơi sinh tụ của những con người hồn hậu, mến khách, chất phác, chịu thương chịu khó và hết mực dũng cảm, kiên trung. Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Đến nay, tỉnh Hà Giang đang sở hữu 03 bảo vật quốc gia (Bia đá chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm và đôi Trống đồng Lô Lô); 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh, 22 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 18 cá nhân có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Không những thế, giá trị một số di sản của Hà Giang đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia, được cộng đồng quốc tế tôn vinh. Đó là di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận, đưa vào danh mục công viên địa chất toàn cầu.
Kiểm thảo sơ bộ tài nguyên văn hóa của Hà Giang đã thấy được sự phong phú về số lượng, sự đa dạng về sắc thái biểu đạt. Đây là những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, là lợi thế trong phát triển của Hà Giang. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến di sản thành tài sản, văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển của Hà Giang; làm thế nào để giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn, gìn giữ phát sắc, giá trị văn hóa với phát triển và hội nhập?
Bối cảnh hội nhập và phát triển hiện đang đặt ra nhiều thời cơ nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa, con người Hà Giang.
Hà Giang trong Tác phẩm "Vẻ đẹp viễn biên" của Phạm Hoài Nam. Ảnh: dantri
Về thời cơ, bối cảnh hội nhập, phát triển tạo cơ hội thuận lợi để quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Thực tế Hà Giang đã và đang thực hiện khá tốt điều này. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội, xuất bản phẩm, … bản sắc văn hóa, giá trị văn hóa của Hà Giang được giới thiệu, được lan tỏa. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi trở lại, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019). Đây là một con số khá ấn tượng trong bối cảnh các địa phương khác ngành du lịch gần như ngưng trệ, không hoạt động. Điều này cũng phản ánh sự thích ứng linh hoạt và hiệu quả của với điều kiện mới của Hà Giang. Đầu năm 2021, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá ở Việt Nam do Hãng truyền thông quốc tế CNN bình chọn.
Bối cảnh hội nhập, phát triển cũng đưa đến cơ hội tranh thủ các nguồn lực để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh. Với tư cách là tỉnh có Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO ghi danh, là một trong các tỉnh có di sản phi vật thể nhân loại hát then, Hà Giang nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, bảo vệ và phát huy các di sản này theo Công ước quốc tế. Hà Giang cũng có nhiều cơ hội để tiếp cận với các kinh nghiệm quản lý văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị di sản văn hóa của các nước trên thế giới cũng như các địa phương khác trong cả nước. Đồng thời, thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, Hà Giang cũng huy động được các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia phát triển văn hóa.
Bối cảnh hội nhập, phát triển cũng phát huy sức sáng tạo của người Hà Giang. Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong việc khai thác, phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng xuất hiện ở Hà Giang. Hà Giang đã hình thành mô hình quản lý làng văn hóa du lịch dựa trên sự cam kết của cộng đồng; Chú trọng công tác liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành du lịch trong việc đón khách du lịch; Xây dựng bộ tiêu chí phát triển phù hợp với đặc điểm của làng theo hướng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với sản phẩm OCOP, làng văn hóa du lịch dược liệu, làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.
Về thách thức, trong quá trình hội nhập và phát triển, một trong những thách thức nổi lên mà Hà Giang cũng như nhiều địa phương phải đối mặt đấy chính là nguy cơ phai nhạt bản sắc, thậm chí đánh mất bản sắc văn hóa. Một bộ phận dân cư, đặc biệt là giới trẻ - với đặc điểm là ưa tìm tòi, khám phá, ham chuộng cái mới - ít tìm hiểu, tiếp thu văn hóa truyền thống. Trong khi đó, việc truyền dạy văn hóa truyền thống trong gia đình, trong cộng đồng lại chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức. Chính vì thế, sự đa dạng các sắc thái văn hóa tộc người của Hà Giang đang có nguy cơ giảm sút.
Một số ngành nghề thủ công truyền thống không cạnh tranh nổi với giá cả, sự tiện dụng của các sản phẩm hàng hóa hiện đại. Điển hình như nghề làm trang phục dân tộc truyền thống. Trang phục dân tộc truyền thống được làm thủ công một cách cầu kỳ, mang tính nghệ thuật cao và ẩn chứa cả kho tàng tri thức dân gian trong việc sáng tạo ra kiểu dáng, màu sắc hay những nét hoa văn độc đáo để nhận diện dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, nghề này đã bị mai một. Nguyên nhân là bởi nhu cầu sáng tạo và sử dụng trang phục truyền thống của cộng đồng đã thay đổi. Một mặt, người dân không dành nhiều thời gian cho nghề thủ công truyền thống mà tập trung cho việc lao động, sản xuất; mặt khác, các sản phẩm trang phục truyền thống dân tộc không cạnh tranh được với các hàng hóa dệt may hiện đại do giá thành cao.
Bản sắc và các giá trị văn hóa được hình thành trong một môi trường sinh thái nhân văn nhất định. Môi trường sinh thái nhân văn vừa là không gian sống, vừa là không gian thực hành văn hóa của con người. Nó có ý nghĩa rất lớn đến sự hình thành những đặc trưng văn hóa, bản sắc văn hóa của các cộng đồng người. Những cư dân sống trong vùng văn hóa biển có những phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, … khác với những cư dân ở vùng văn hóa đồng bằng hay rừng núi. Hiện tượng suy giảm diện tích rừng tự nhiên ở Hà Giang cũng tác động mạnh đến bản sắc văn hóa. Những thực hành văn hóa gắn với rừng có nguy cơ bị mai một. Những tri thức dân gian về cây thuốc, về sinh kế gắn với rừng cũng khó có cơ hội được sử dụng khi diện tích rừng ngày càng thu hẹp.
Tác phẩm "Mùa Xuân ở Lao Xa" của Lê Việt Khánh. Ảnh: dantri
Để tận dụng thời cơ, vượt qua các thách thức, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa, thiết nghĩ, thời gian tới, Hà Giang cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là của người dân về vị trí, vai trò của văn hóa, của di sản văn hóa trong phát triển. Người dân là chủ thể quan trọng trong việc sáng tạo, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa. Giá trị di sản văn hóa được bảo tồn hay không phụ thuộc rất lớn vào chủ thể này. Vì vậy, cần tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ, có hình thức phù hợp để khuyến khích, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa.
Thứ hai, Hà Giang cần có sự kiểm kê, đánh giá đúng thực trạng hệ thống di sản văn hóa mà mình đang sở hữu. Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa đã được xếp hạng, Hà Giang cũng cần có sự quan tâm nhanh chóng, kịp thời và thỏa đáng tới các di sản khác. Mặc dù Hà Giang là địa phương có số lượng di sản phong phú nhưng nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ bị mai một. Di sản, bản thân nó đã luôn phải đương đầu với những thử thách nghiệt ngã của thời gian. Chính vì thế, nó cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước khủng hoảng do thiên tai và nhân tai gây ra. Và một điều rất đáng quan ngại là những tổn thương về phương diện kinh tế nếu có xảy ra thì vẫn có thể hồi phục nhưng những tổn thương về phương diện văn hóa, cụ thể là di sản văn hóa thì rất khó phục hồi. Chính vì thế, di sản được coi là loại tài sản có thể khai thác nhiều lần, qua nhiều thế hệ nhưng không thể tái sinh. Nếu không quan tâm kịp thời đến công tác bảo tồn di sản văn hóa sẽ bị hủy hoại. Vì vậy, để biến di sản văn hóa thành tài sản và nguồn lực trực tiếp cho phát triển, Hà Giang cần xây dựng các kế hoạch dài hạn và trước mắt để bảo tồn, tôn tạo hệ thống di sản văn hóa. Phải xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Lãnh đạo địa phương cần quan tâm bố trí ngân sách thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa nói chung, cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng. Bảo tồn và phát huy tốt hệ thống di sản văn hóa sẽ hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa vừa góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, làm nên sức hấp dẫn - sức mạnh mềm văn hóa của Hà Giang.
Thứ ba, Hà Giang cần đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm cả đội ngũ cán bộ quản lý, hoạt động văn hóa và cả các nghệ nhân sáng tạo, thực hành di sản văn hóa. Một mặt, phải chú ý đến việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hiệu quả cán bộ văn hóa nhưng mặt khác, cũng cần phải có chính sách thu hút, đãi ngộ tương xứng. Đối với các nghệ nhân sáng tạo, thực hành di sản văn hóa phi vật thể cũng tương tự. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa là một đòi hỏi cấp thiết và lâu dài. Có nguồn nhân lực tốt, văn hóa Hà Giang mới có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.
Thứ tư, chú trọng phát triển du lịch dựa trên khai thác các tài nguyên sinh thái nhân văn. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh mềm văn hóa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Du lịch mang lại những trải nghiệm hết sức sinh động cho du khách về những nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng, một địa phương, một quốc gia. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu cho các địa phương, cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh loại hình dịch vụ này, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi sinh kế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội mà còn góp phần tái đầu tư cho bảo tồn các di sản văn hóa. Chính vì vậy, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có thể chuyển tải được tối đa hàm lượng văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch. Cần đầu tư để đa dạng hóa các loại hình du lịch và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt hơn nữa công tác quảng bá du lịch, các chiến lược truyền thông du lịch phải hướng tới việc xây dựng hình ảnh Hà Giang - điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn.
Dinh Vua Mèo ở Hà Giang. Ảnh: Internet
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, khai thác bản sắc, giá trị di sản văn hóa là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Khai thác di sản phải đi đôi với việc bảo tồn, gìn giữ di sản. Ứng dụng công nghệ có thể góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với di sản. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản góp phần tạo lập các bằng chứng khoa học về di sản, là căn cứ để hình thành các bảo tàng ảo hoặc đề xuất giải pháp bảo tồn phù hợp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin cũng là cách để kết nối du khách với di sản. Lễ hội hoa tam giác mạch tổ chức trên nền tảng trực tuyến ngày 27/11 vừa qua là một minh chứng sinh động.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa không chỉ có ý nghĩa đối với lĩnh vực văn hóa mà nó còn có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Chỉ có thể đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững khi huy động được sức mạnh tổng hợp của tất cả các nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa. Hà Giang, với những tiềm năng văn hóa hiện có, nếu tập trung khai thác hiệu quả, thì chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Lâm Minh Khuê