Nơi thượng nguồn sông Đà cực Tây Bắc của Tổ quốc hiện lưu giữ bút tích vô cùng quý giá của Vua Lê Lợi đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, cương vực non sông đã tồn tại gần 600 năm, là minh chứng hùng hồn về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Việt Nam độc lập.
Bia vua Lê Thái Tổ nơi đầu nguồn sông Đà. Ảnh tác giả cung cấp.
Tỉnh Lai Châu có 106 xã, phường, thị trấn trong đó có một đơn vị hành chính cấp xã đặc biệt nhất, duy nhất mang tên danh nhân. Đó là xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn. Nơi đây được đặt theo tên vị vua anh minh Lê Lợi (Lê Thái Tổ - vị vua gắn với sự tích Hồ Gươm) vì đang lưu giữ một bảo vật quốc gia vô cùng quý hiếm và linh thiêng bậc nhất Tây Bắc – Bia vua Lê Lợi có tuổi đời gần 600 năm. Đây là một trong những tấm bia đá đánh dấu chủ quyền cương vực non sông cổ nhất còn giữ nguyên vẹn trên tuyến biên giới phía Bắc. Đặc biệt đây là bút tích duy nhất, xa nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam để lại nơi đầu nguồn sông Đà – con sông đang đóng góp nguồn thủy năng lớn nhất cả nước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới Đất nước.
Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc. Đó là sự kiện năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại) - một bầy tôi phản nghịch của Ai Lao (nước Lào) quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu - Sơn La). Vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên dẹp loạn. Đại quân của triều đình tiến theo đường sông Hồng, rồi ngược sông Đà, bằng đường thủy và đường bộ, đánh tan quân phản nghịch Đèo Cát Hãn.
Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà văn bia để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc lưu lại cho muôn đời sau, sử cũ gọi là “Bia cổ hoài lai”.
Nội dung văn bia hùng hồn tuyên bố chủ quyền việc trấn giữ phía Tây Bắc, nhập núi sông hùng vĩ vào bản đồ nước Việt: “Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt/ Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống/ Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có/ Đất đai hiểm trở từ nay không còn/ Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ/ Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/ Đề thơ khắc vào núi đá/ Trấn giữ phía Tây nước Việt ta".
Tấm bia khắc bài minh văn của vua Lê Thái Tổ còn lại cho đến ngày nay là một di sản lịch sử văn hóa vô cùng quý báu, trải qua nắng mưa dâu bể, những trận lũ lụt hung dữ của dòng sông Đà gần 600 năm. Bia khéo ẩn mình vẹn nguyên qua các cuộc xâm lược của giặc phương Bắc, của đế quốc, thực dân để hiên ngang khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Với giá trị lịch sử to lớn, Di tích Bia vua Lê Thái Tổ thuộc xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã được công nhận “Di tích lịch sử cấp quốc gia” năm 1981. Đến năm 2016, Bia Lê Lợi được công nhận là “Bảo vật quốc gia” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử cấp quốc gia”. Đây là bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh Lai Châu cho đến thời điểm hiện tại. Cũng là bảo vật quốc gia nằm xa nhất ở cực Tây Bắc của Tổ quốc đầy linh thiêng.
Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt. Bia vua Lê Thái Tổ sừng sững giữa đất trời bao đời qua như sự khẳng định vững chắc về ý chí và niềm tin của cha ông gửi gắm tới con cháu đất Việt muôn đời sau!
Văn Dũng