Mạng xã hội đã trở thành một trong những phương thức quan trọng để biểu đạt suy nghĩ, tình cảm, tư tưởng của rất nhiều người. Môi trường ngôn ngữ trên mạng cũng đồng thời tác động trở lại ý thức của mỗi người, tạo ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tinh thần. Sự vẩn đục ở môi trường này có thể gây ra những nguy hại tới văn hóa ứng xử, giao tiếp, tương tác của con người hiện thực. Với sự xô bồ của thứ ngôn ngữ lai căng đang hằng ngày thâm nhập, Tiếng Việt ít nhiều phải chịu những tác động tiêu cực, đối diện thường xuyên với nguy cơ đánh mất bản sắc, rơi rụng những tinh hoa và bị che lấp bởi những yếu tố tạp nham, nguy cơ tiếng mẹ đẻ dần trở nên thiếu trong sáng, thiếu điểm tựa.
Tiếng Việt là tài sản vô giá của dân tộc, là sự phản ánh của tâm hồn, tình cảm, tư duy con người Việt Nam, là báu vật lưu giữ truyền thống văn hiến ngàn đời của cha ông. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, thậm chí từng chịu 1000 năm Bắc thuộc, 80 năm thực dân Pháp đô hộ, Tiếng Việt vẫn đứng vững, không ngừng có sự kế thừa, đổi mới và phát triển, ngày càng giàu đẹp, trong sáng hơn, hồn thiêng ngôn ngữ Việt luôn được duy trì, củng cố và tỏa sáng, dù đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có âm mưu đồng hóa, xâm lăng văn hóa, ngôn ngữ của kẻ thù hay sự lệch lạc chính từ bên trong của xã hội hiện đại, sự thờ ơ coi nhẹ của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Ảnh: ANTV
Mạng Internet đã trở thành một trong những môi trường ngôn ngữ quan trọng của người Việt. Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội, nhu cầu biểu đạt suy nghĩ bằng phương thức phát ngôn trên mạng càng có điều kiện được đáp ứng tối đa, càng khiến cho ngôn ngữ Tiếng Việt trên không gian mạng trở nên phong phú, đa dạng, phản ánh gần như mọi khía cạnh của đời sống xã hội, từ ngôn ngữ hàn lâm bàn về tư tưởng lớn lao cho đến những dòng chữ nghĩa bình dân bày tỏ suy nghĩ cá nhân, tạo nên một diện mạo mới đầy sức sống của ngôn ngữ dân tộc trên môi trường “ảo”. Tuy nhiên, bên cạnh cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt trên mạng, cũng còn đó những hiện tượng ngôn ngữ lệch chuẩn, phản văn hóa, tạo nguy cơ làm vẩn đục môi trường ngôn ngữ mạng. Biểu hiện cụ thể:
1. Hiện tượng nói tục, chửi thề tràn lan chưa thể kiểm soát. Mạng xã hội như Facebook, YouTube... là những nền tảng kết nối xã hội trực tuyến, nơi mọi người có thể nói (live stream), viết (comment) để tương tác với nhau, trở thành môi trường cho một bộ phận người dùng lợi dụng để đăng những nội dung nói và viết với ngôn ngữ dung tục, bạo lực… Một số ví dụ điển hình như hiện tượng Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Quân Kun… Thậm chí hiện tượng chửi bậy trên mạng được nhiều kẻ coi là sành điệu, làm ra đủ mọi cách để chửi sao cho thu hút được sự chú ý của đám đông. Một điều đáng lo ngại là hiện tượng chửi thề tục tĩu lại được lan truyền trong giới trẻ dưới nhiều hình thức và biến hóa liên tục, khi viết trực tiếp, khi gián tiếp qua hình thức viết tắt, tiếng lóng.
2. Hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ ngoại lai. Ngôn ngữ ngoại lai nếu không được sử dụng phù hợp bối cảnh sẽ thể hiện sự thiếu trân trọng tiếng mẹ đẻ, thiếu ý thức sáng tạo, bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt, thậm chí thiếu cảnh giác trước nguy cơ xâm lăng văn hóa của rất nhiều người mà phần đông là học sinh sinh viên, đối tượng tiếp cận thường xuyên với ngôn ngữ hoặc trào lưu mới từ bên ngoài mà chưa có sự sàng lọc đầy đủ. Giới trẻ thường xuyên sử dụng một cách dễ dãi các cách diễn đạt Âu hóa như: “đậm chất manly”, “rất sexy”, “nhìn rất style”, “thank you mày”, … Hoặc vay mượn tùy tiện yếu tố Hán Việt, “bê nguyên xi” khi chuyển ngữ và sử dụng mà không hiểu tường tận ý nghĩa, dẫn đến dùng sai như “Người đẹp Hoa ngữ”, “20 bộ phim Hoa Ngữ có nhân khí cao nhất 2019 thời điểm chờ phát sóng”, “Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư”, “Tân dòng sông ly biệt”, …
3. Hiện tượng làm biến dạng chữ Việt trên không gian mạng trở nên rất phổ biến, thậm chí ở một khía cạnh nào đó trở thành xu thế. Đặc biệt trên các mạng xã hội, khi mà chưa có những quy định cụ thể lối trình bày chữ viết, người dùng có thể viết theo cách mình thích, đôi khi là cách của riêng mình. Trong đó, giản lược ngôn ngữ là một trong những xu hướng nổi bật trong giới trẻ, thịnh hành ở các diễn đàn, blog, chat room, facebook hay tin nhắn điện thoại. Hiện tượng viết chữ Tiếng Việt không dấu ngày một phổ biến, nhiều khi gây ra những hiểu lầm, những chuyện hài hước, dở khóc dở cười. Có thể dẫn ra một số câu như: “Sáng nay anh đi đâu, em gọi hoài không được?” – “Bo may o nha” (Bỏ máy ở nhà) hoặc “Anh đang làm gì thế?” – “Anh dang o cua phong tam mat xa noi dang co em iu” (Anh đang ở cửa phóng tầm mắt xa nơi đang có em iu)… Hay như hiện tượng các chữ được sửa đổi hoặc lược đi một hoặc một số ký tự. Ví dụ: “yêu quá” viết thành “iu wá”, “thích luôn” viết thành “thik lun”, “biết rồi” viết thành “bít r”, “tao với mày” viết thành “t vs m”, “không” viết thành “ko/ kh/ kg/ k/ 0”,…Bên cạnh đó, ngôn ngữ mạng chuộng sự phá cách, phần nào đó nhằm thể hiện cá tính, nhưng đôi khi gây hỗn loạn cho Tiếng Việt. Ví dụ: “như nào” viết thành “dư lào”, “thương lắm” viết thành “xương nhắm”, “đẹp trai” viết thành “đập chai”…
4. Sử dụng vần điệu cẩu thả, “chơi chữ” không phù hợp. Vần điệu là một đặc điểm rất thú vị trong cách hành văn Tiếng Việt, tuy nhiên việc sử dụng vần một cách bừa bãi, nhảm nhí, vô nghĩa lại đang trở nên phổ biến hiện nay. Ví dụ: “buồn như con chuồn chuồn”, “chán như con gián”, “cướp trên giàn mướp”... Hay như cách chơi chữ đồng âm ngây ngô, thậm chí là thô thiển, như: “cá kiếm” (kiếm ăn, kiếm tiền), “cá trê” (“trê” gần âm với “chê”, ý là chê bai), “sữa similac” (sữa si-mi-lắc, ý là lắc đầu từ chối), “A Kay” (cay cú), “sữa đậu lành” (đọc lệch âm sữa đậu nành, chỉ sự an lành, an toàn), …
Hiện tượng ô nhiễm ngôn ngữ trên môi trường Internet có dấu hiệu lan rộng nhưng không dễ kiểm soát. Nó giống như một thứ virus mạng lây lan và được sao chép một cách nhanh chóng, khiến cho những thứ vô giá trị, nhảm nhí, lệch chuẩn đôi khi được cổ xúy bởi hiệu ứng đám đông. Sự thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ làm nảy sinh những sai lệch về thông tin, làm phát sinh hiểu lầm, thậm chí gây ra phẫn nộ, xung đột.
Ngôn ngữ mạng phát triển và biến đổi quá nhanh, đôi khi một vài hiện tượng ngôn ngữ nào đó bất chợt rộ lên rồi đột ngột biến mất, nhưng cũng có nhiều hiện tượng tồn tại khá lâu ở môi trường ảo trên mạng, tác động đến cả ngôn ngữ thực tiễn cuộc sống. Từng có ý kiến cho rằng cần phải xuất bản một cuốn từ điển cho ngôn ngữ của lứa tuổi “teen” (teen code), khi mà người lớn, những bậc phụ huynh không thể hiểu được con mình viết gì, như khi đọc dòng chữ: |_4`m th3' n4`0 +)3? |340 vệ su. tr0ng s4'ng cu4 tj3'ng vjệt tr3n m4ng jnt3rn3t” (Làm thế nào để bảo về sự trong sáng của Tiếng Việt trên mạng Internet), thậm chí câu này còn có thể được viết thành “lCl`/v\ ††|F_' ]\[Cl`º +)F_ ]3Clº \/F_ §µ †Pvº]\[(¬ §Cl']\[(¬ (µCl †]F_']\[(¬ \/]F_† †PvF_]\[ /v\Cl]\[(¬ ]]\[†F_Pv]\[F_†”. Nhiều từ mới được hình thành một cách thiếu hệ thống và thiếu tính thẩm mỹ, nhưng lại lấn lướt cả những từ cũ, ví dụ: vãi, vãi chưởng, bá đạo, thả thính, thánh, tự sướng, ném đá, chém gió…
Ngôn ngữ mạng như một trào lưu, dù có bao gồm cả những yếu tố tích cực, sáng tạo nhưng khi sự tùy tiện, thiếu sàng lọc, thiếu kiểm soát chưa được khắc phục thì nó có nguy cơ làm hại tới nền tảng ngôn ngữ của dân tộc, tác động xấu tới văn hóa Việt Nam. Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của Internet và mạng xã hội cũng kéo theo thứ “ngôn ngữ @”, mà nếu buông lỏng, nó sẽ diễn biến theo hướng rất khó dự đoán. Người dùng Internet, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên, cần được trang bị và giáo dục đầy đủ hơn những kĩ năng cũng như ý thức sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt, để cho dù làn sóng ngôn ngữ bên ngoài có tràn vào dữ dội thế nào, họ cũng đủ tỉnh táo và bản lĩnh để tiếp nhận một cách khoa học, tích cực trên tinh thần bảo vệ và phát huy sự trong sáng của tiếng nói dân tộc mình. Các cơ quan thông tin truyền thông cần góp phần định hướng xã hội bằng cách xây dựng những quy phạm về ngôn ngữ, sàng lọc nội dung và hình thức ngôn ngữ mạng, chống lại những xu hướng gây hại hoặc làm méo mó chuẩn mực Tiếng Việt.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Tiếng Việt cần phải được phát triển, sáng tạo sao cho bắt kịp đà tiến bộ của thời đại, nhưng để ngôn ngữ của dân tộc không bị biến dạng, hòa tan vào làn sóng ngôn ngữ ngoại lai, giữ gìn được giá trị cốt lõi, thì một trong những yêu cầu đặt ra trong xu thế Internet hóa và bùng nổ ngôn ngữ mạng đang diễn ra nhanh chóng hiện nay chính là việc phải bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt trên không gian mạng.
Minh Vũ