Không biết từ bao giờ bát nước chè xanh đã hiện diện trong đời sống của người dân xứ Nghệ một cách gần gũi thân thuộc đến thế. Từ cuộc sống đời thường, bát nước chè xanh đã đi vào thi ca, nhạc họa mang hương vị bản sắc đậm đà trong phong tục, tập quán của người dân quê hương.
Mời nhau uống nước chè xanh là một tập quán quen thuộc, là nét văn hóa lâu đời trong đời sống của bà con Hà Tĩnh, Nghệ An. Người nhạc sỹ tài hoa An Thuyên đã từng đưa hình ảnh bát nước chè xanh vào trong bài hát “Cắt nữa vầng trăng” với lời lẽ mộc mạc, chân tình phản ánh chân thực, sinh động nét văn hóa dân dã của con người xứ Nghệ: “Bao ân tình mộc mạc làng quê, trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”.
Bát nước chè xanh xứ Nghệ. Ảnh tác giả cung cấp.
Sau những giờ lao động mệt nhọc, những ngày nông nhàn hay những đêm đông lạnh giá, đặc biệt là dịp lễ, tết, những người dân quê chân chất lại ngồi bên nhau với những bát nước chè xanh ấm đượm được từng gia đình trong thôn xóm thay phiên nhau om nấu. Ấm chè xanh giản đơn nhưng là tấm lòng hiếu khách của gia chủ. Công đoạn nấu nước chè được chuẩn bị rất cẩn thận, kỹ càng. Chè phải tươi, cành nhỏ, lá dày, được đun nấu trong nồi hoặc om trong các bình giữ nhiệt để nhiệt độ luôn nóng, nước chè có màu vàng xanh sóng sánh trông rất đẹp mắt. Chè ngon là khi uống vào có vị chan chát đầu lưỡi nhưng đọng mãi vị ngọt thanh trong cuống họng và sau đó tỏa hương thơm dịu nhẹ khoan khoái tinh thần. Buổi tối là lúc bà con chòm xóm tập trung đông nhất, trước đây gia đình nào nấu được nồi nước chè ngon, hay om ấm nước chè mới liền gọi nhau sang uống nước chuyện trò. Thời hiện đại mọi người có thể mời nhau qua zalo, facebook, qua điện thoại để rồi bên bát nước chè xanh những câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, về lao động sản xuất, về cuộc sống đời thường được tỏ bày, thấu hiểu; người ta truyền cho nhau phương thức làm ăn, kinh nghiệm sống, chia sẻ về điều hay lẽ phải, những vui buồn, động viên, nhắc nhở nhau; mọi người như xích lại gần nhau hơn bên hơi ấm của bát nước chè xanh mộc mạc.
Cách thưởng chè của người dân xứ Nghệ cũng thật đặc biệt. Nước chè ngon nhất là khi uống nóng và ăn cùng miếng kẹo cu đơ ngon ngọt đậm đà tạo nên một hương vị rất riêng không thể nào quên. Hương thơm cùng làn khói tạo nên cảm giác vừa thư thái, vừa ấm áp lắng đọng. Nếu như “rượu ngon phải có bạn hiền” thì chè xanh cũng thế, để thưởng thức bát chè ngon phải thêm người bầu bạn để cùng cảm thấu, cùng “say hương, say vị, say tình, say trong bát nước chè xanh nghĩa tình”.
Ở xứ Nghệ, mỗi phiên chợ quê đều có một góc dành cho các các gánh hàng chè xanh về tập kết buôn bán, các chị các mẹ mỗi lần đi chợ lại tranh thủ lựa chọn cho mình những bó chè ưng ý. Bó chè ngon là chè không quá già nhưng cũng không được non, lá có màu xanh đậm, cành đã có nụ thì nấu lên nước càng ngon, màu sắc càng đẹp. Có những vùng quê người dân chỉ sử dụng lá chè để nấu nước, người dân xứ Nghệ khi nấu nước chè thường bẻ cả cành thành từng khúc nhỏ, vừa lá vừa thân, vừa nụ vừa hoa, sau đó được rửa thật sạch rồi đem lên đun nấu hoặc om chè trong ấm giữ nhiệt.
Những sạp hàng chè xanh mơn mởn tại phiên chợ quê Hà Tĩnh. Ảnh tác giả cung cấp.
Dịp tết đến xuân về, bát nước chè xanh quê nhà không chỉ dùng để đãi khách mà còn là bát nước tinh túy để dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Những ngày đầu năm mới, phong tục đến nhà thăm hỏi, chúc tết nhau là một nét văn hóa đẹp và gần như không gia đình nào là không chuẩn bị một ấm chè ngon. Bát nước chè xanh vàng sánh, ấm áp tỏa hương thơm dịu nhẹ thiết đãi khách cùng với những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho khách và gia chủ để cùng nhau đón một năm mới ấm áp nghĩa tình, dồi dào sức khỏe, nhiều thành công, may mắn và hạnh phúc.
Bát nước chè xanh giản dị vậy thôi, nhưng chứa đựng trong đó bao nghĩa tình, đó là tình làng nghĩa xóm, tình bạn, tình đồng chí, tình thông gia… nuôi dưỡng những giá trị tinh thần của biết bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Chỉ một lối sinh hoạt thường nhật ấy mà thấm thía câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Vì vậy, hễ là người xứ Nghệ, dẫu có đi đâu, làm gì thì chắc rằng khi nhận được một thức quà là bó chè quê hương, nâng trên tay bát nước chè xanh, người xa quê đều lâng lâng cảm xúc về nguồn cội, đó chẳng khác gì một thức uống tiếp thêm nguồn năng lượng cho những chuyến hành trình của cuộc đời.
Nhiều người Nghệ xa quê lập nghiệp ở muôn phương đã hình thành nên nhiều làng, nhiều xóm gốc Nghệ cùng sinh sống, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Dù xa quê nhiều năm, đã sinh ra vài ba thế hệ trên vùng đất mới nhưng phong tục mời nước chè xanh hàng ngày và đặc biệt là mỗi dịp tết đến xuân về đều được người dân những nơi này giữ gìn như là một phong tục, một nét văn hóa đẹp không thể thiếu. Họ cùng ngồi lại, quây quần bên bát nước chè xanh, hàn huyên với nhau về những câu chuyện đời thường, về nỗi nhớ quê hương, về tình làng nghĩa xóm… Vì vậy tình đoàn kết của những người đồng hương càng trở nên thân thiết, gần gũi nơi quê hương thứ hai của họ, và nét đẹp văn hóa này cứ vậy được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ngày nay, nhiều vùng nông thôn đã thực sự đổi mới chuyển mình, nhà ngói mới khang trang, đường bê tông rộng mở, phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay bộ mặt của miền quê. Nhà cao, tường kín, vườn tược quy củ sạch đẹp nhưng nếp sinh hoạt ở thôn quê, phong tục thưởng thức chè xanh vẫn không hề mai một. Nếu có lần về xứ Nghệ để du ngoạn thưởng thức vẻ đẹp nên thơ của nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích dịch sử, đền chùa, miếu mạo, ta hãy cùng nhau uống bát nước chè xanh dân dã, mộc mạc nhưng thấm đượm tình quê. Lòng ta với mình, đều như gửi trọn trong mấy câu thơ “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận:
“Ai ơi cà xứ Nghệ
Càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ
Càng chát lại càng ngon …
Ai đi vô nơi đây
Xin dừng chân xứ Nghệ
Ai đi ra nơi này
Xin dừng chân xứ Nghệ…”
Đào Tùng