Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa kết thúc thành công với trên 99 % số cử tri cả nước đi bầu cử, thực sự là ngày hội của nhân dân. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch với âm mưu chống phá bầu cử, tiếp tục luận điệu bầu cử ở Việt Nam là không khách quan, thiếu dân chủ, đồng thời ca ngợi bầu cử tự do, dân chủ ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1954-1975. Vậy chúng ta hãy xem thực chất các cuộc bầu cử tại miền Nam giai đoạn 1954-1975 tự do, dân chủ đến mức nào ?
Miền Nam Việt Nam 1954- 1975 được tiếng là tự do dân chủ trong đó có bầu cử tự do, trưng cầu dân ý tự do. Chúng ta hãy điểm lại những cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn này để thấy được nó tự do và khách quan đến đâu.
Trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại 10/1955
Nhằm khước từ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, dự kiến được tổ chức vào tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại miền Nam Việt Nam, nhằm phế truất Bảo Đại, suy tôn Quốc trưởng Ngô Đình Diệm, tiếp theo đó, thành lập Việt Nam cộng hòa và đưa ông ta lên làm Tổng thống.
Trong suốt nhiều tháng, bộ máy tuyên truyền của chính quyền miền Nam đã làm việc hết công suất, ra sức bôi xấu Bảo Đại và tô vẽ Ngô Đình Diệm. Thơ ca, hò vè và thậm chí là cả màu của lá phiếu cũng được tính toán để làm sao để người dân bỏ phiếu cho Ngô Đình Diệm nhiều hơn. Tại các địa điểm bỏ phiếu, có người hướng dẫn, trên thực tế là ép buộc cử tri đi bỏ phiếu như thế nào và tuyệt đại đa số cử tri không muốn rắc rối cho mình xảy ra ngay lập tức hoặc về sau, đều đã bỏ phiếu cho Ngô Đình Diệm.
Chính vì vậy, Ngô Đình Diệm đã chiến thắng tuyệt đối trước Bảo Đại. Trong số 5.960.302 cử tri miền Nam lúc đó, có 5.828.907 cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có 5.721.735 phiếu (98,16 %) suy tôn Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Ngoài số phiếu trắng và không hợp lệ, chỉ có 63.017 phiếu ủng hộ Bảo Đại (chiếm 1,1 %). Kết quả, Ngô Đình Diệm thắng áp đảo. Bảo Đại bị phế truất.
Cuộc trưng cầu dân ý gian lận đã đưa Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng (Ảnh tư liệu)
Thật ra, với những thủ đoạn nêu trên, cùng với tâm lý chán ghét chế độ thực dân cũ của Pháp, thì Ngô Đình Diệm cũng có thể thắng, nhưng để cho chắc ăn, ông còn gian lận trong cả quá trình kiểm phiếu. Bằng chứng là Sài Gòn chỉ có 450.000.cử tri, tuy nhiên, số phiếu bỏ cho Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn lại nhiều hơn cả số cử tri, với 605.025 phiếu.
Với đủ các thủ đoạn, Ngô Đình Diệm đã giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc trưng cầu dân ý, tỷ lệ phiếu bỏ cho ông không kém tỷ lệ phiếu bỏ cho Hồ Chí Minh trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày mùng 6 tháng 1 năm 1946 (98,14 % so với 98,4 %). Chỉ bằng một cuộc bỏ phiếu, Ngô Đình Diệm hy vọng xây dựng cho mình hình ảnh của một lãnh tụ, giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dày công xây dựng được.
Đỗ Mậu, một viên tướng của chính quyền Sài Gòn đã viết về cuộc trưng cầu dân ý như sau: "Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mau đến Bến Hải, chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Hai đài phát thanh Sài Gòn và Huế, phối hợp với báo chí trong gần một tháng trời, liên tục mạt sát Bảo Đại và thúc giục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại. Chiến dịch to lớn của một nhân vật quốc gia chống cộng theo Mỹ, để truất phế một nhân vật quốc gia khác cũng chống cộng nhưng theo Tây, còn tàn độc và khủng khiếp hơn chiến dịch hạ bệ Bảo Đại của kẻ thù là cộng sản Việt Minh thời 1948 -1949, khi giải pháp Bảo Đại mới ra đời để đối phó với Hồ Chí Minh".
Nhà nghiên cứu Nu-Anh Trần tại cuộc hội thảo tổ chức tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, tháng 10/2019, kết luận: "Chiến thắng của ông Diệm làm đứt đoạn cuộc tranh luận cởi mở nhưng ngắn ngủi trong lịch sử Việt Nam Cộng hòa và cũng làm mất đi xác suất là chính phủ của ông có thể phát triển thành một chế độ tự do hơn, ít chuyên chế hơn, dù chưa thể là một nền dân chủ tự do hoàn chỉnh".
Bầu cử Tổng thống và Quốc hội Việt Nam Cộng hòa năm 1967 và 1971
Sau một thời kỳ khủng hoảng chính trị nặng nề của chế độ Sài Gòn khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, với hàng chục cuộc đảo chính, chỉnh lý, từ giữa năm 1965, quyền hành tại miền Nam tập trung vào tay nhóm quân sự do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu trong Ủy ban lãnh đạoTrung ương.
Sau khi thâu tóm được quyền lực, Nguyễn Văn Thiệu tiến hàn hành cuộc bầu cử tổng thống, nhằm tô vẽ chế độ dân chủ và tiến tới thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa.
Với chế độ bầu cử tự do, cũng có các liên danh tranh cử công khai với 11 liên danh. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền công khai định hướng việc bầu cho liên danh của Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ..
Quân lực Việt Nam cộng hòa lúc này có đến hàng triệu người là một lượng cử tri khá lớn. Một người lính Việt Nam Cộng hòa tại Vùng 4 chiến thuật, đồng bằng sông Cửu Long kể lại: trong quá trình vận động bầu cử, lính tráng đã được các cấp chỉ huy quán triệt là bầu cho ông Thiệu. Đến ngày bỏ phiếu, ngay tại điểm bầu cử, một cấp chỉ huy đứng lên nói dõng dạc: "Chiến hữu bỏ phiếu cho ông Thiệu nhé. Nếu không cả đơn vị bị đẩy ra Vùng 1 chiến thuật đó". Lính tráng nghe vậy thì hầu hết đều bỏ cho ông Thiệu, một phần vì nghe lệnh chỉ huy, nhưng lý do chính là chả ai muốn bị đẩy đến vùng 1 cả, bởi bị đẩy ra đó, giáp với miền Bắc, chiến sự diễn ra ác liệt, khác gì tự đi vào chỗ chết.
Giới sinh viên miền Nam phản đối bầu cử Tổng thống và Quốc hội lưỡng viện Việt Nam Cộng hòa vì cho rằng cuộc bầu cử do Hoa Kỳ đạo diễn. Từ ngày 9/9 đến 21/9/1967, phong trào sinh viên nổi lên ở nhiều thành phố thị xã, phẩn đối bầu cử và xung đột với cảnh sát. Nhiều lãnh đạo sinh viên bị bắt, có người bị sát hại.
Không rõ Hoa Kỳ có vai trò thế nào, nhưng chắc chắn họ chi tiền ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu. Báo chí cho biết tháng 7/1967, Hoa Kỳ chi 5 triệu đồng (tương đương 314.000 USD thời giá năm 2017) để tổ chức một mặt trận tôn giáo và chính trị ủng hộ liên danh quân nhân của Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ.
Ngoài ra Nguyễn Văn Thiệu còn lắm chắc lực lượng cảnh sát, gồm hàng trăm ngàn người, qua đó để tác động đến dân chúng, bầu cho ông. Báo chí cũng tố cáo Mỹ đã chi một số tiền lớn cho lực lượng cánh sát để “mua phiếu” của lực lượng này.
Vậy là Nguyễn Văn Thiệu thắng cử Tổng thống nhiệm kỳ 1967-1971 với số phiếu vượt trội các liên danh đối lập. Liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu, được 34,8% số phiếu.
Nguyễn Văn Thiệu với màn bầu cử độc diễn năm 1971 (Ảnh tư liệu)
Đối với bầu cử Quốc hội (Lưỡng Viện), Hoa Kỳ cũng chi tiền cho các ứng cử viên thân Hoa Kỳ số tiền là 3.000 USD mỗi người (tương đương 20.000 USD thời giá năm 2010) để vận động tranh cử. Mỹ cũng cấp cho Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc cảnh sát Việt Nam Cộng hòa 10 triệu đồng (tương đương 623,8 nghìn USD thời giá năm 2017 để ngành cảnh sát vận động bỏ phiếu cho các dân biểu thân Hoa Kỳ).
Trong tranh cử hạ viện, có những ứng cử viên mặc dù có hành động khá lạ lùng, nhưng vẫn được bầu vào hạ viện Sài Gòn. Hồi ký của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết: một ứng cử viên là quân nhân, ngay trong nghị trường, đã rút chốt một quả lựu đạn, làm mọi người chạy tán loạn. Một ứng cử viên khác, có lẽ không thạo về súng ống, lóng ngóng khi rút súng ra, đã bắn thủng trần nhà Quốc hội, làm các đại biểu khác một phen khiếp vía. Ông nguyễn Bá Cẩn cho biết, họ làm vậy để nổi tiếng khi báo chí đưa tin, được cử tri biết đến.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa năm 1971, sau khi nắm quyền hơn 4 năm, Nguyễn Văn Thiệu đã thừa kinh nghiệm để tạo lập cho mình một vị trí độc tôn trong cuộc bầu cử này. Bằng nhiều đạo luật và sắc lệnh, Nguyễn Văn Thiệu đã buộc các đối thủ phải rút khi vướng phải rất nhiều bất lợi. Nguyễn Cao Kỳ, mặc dù rất hậm hực, nhưng biết Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu, nên không dám ra tranh cử Tổng thống, mà có muốn cũng không được, vì Nguyễn Văn Thiệu đã qua Hội đồng bầu cử quốc gia cấm Nguyễn Cao Kỳ ra tranh cử Tổng thống.
Nguyễn Cao Kỳ tiết lộ: “Người muốn ứng cử phải đại diện cho một đảng lớn (tôi không phải đảng viên của một đảng nào), hoặc phải được 40 nghị sĩ, dân biểu giới thiệu và bảo đảm. Nhưng Thiệu kiểm soát tất cả các dân biểu và nghị sĩ. Người ta đỏi hỏi chữ ký giới thiệu và bảo đảm của 100 hội viên hội đồng tỉnh. Tôi biết là có đủ số hội viên muốn tôi ra ứng cử, nhưng Thiệu lại đưa ra một đạo luật cho phép ông ta được quyền cách chức họ một cách độc đoán, vì thế đã đặt họ vào một địa vị khó xử”. Nguyễn Cao Kỳ cho biết thêm, người Mỹ can thiệp rất sâu vào bầu cử: “Tôi biết ít nhất có 3 người ở Bộ Tổng tham mưu rất ghét Thiệu, nhưng họ đã được người Mỹ tiếp xúc và hứa hẹn nếu họ không can thiệp, thì sau này sang Mỹ, họ sẽ được chu cấp cho đến suốt đời”[1].
Liên danh tranh cử Tổng thống thứ hai do Dương Văn Minh đứng đầu, nhưng do biết kiểu gì Nguyễn Văn Thiệu cũng gian lận trong bầu cử, nên vào giờ chót, Liên danh Dương Văn Minh rút lui.
Cuối cùng, danh sách bầu cử tổng thống có chỉ còn có liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương, liên danh này trúng cử nhiệm kỳ hai của chế độ Sài Gòn, với số phiếu là 71 %, theo mô tả của báo chí thời đó là “bầu cử độc diễn”.
Tại cuộc hội thảo về Chủ nghĩa cộng hòa ở Nam Việt Nam, tổ chức tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, tháng 10/2019, một giảng viên lịch sử quốc tế thuộc Đại học Leeds là Sean Fear đánh giá cuộc bầu cử năm 1971 đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho nền chính trị đa nguyên từng được xem là đầy hứa hẹn vào năm 1967.
Nguyễn Văn Thiệu trúng cử tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975, nhưng chế độ Sài Gòn đã sụp đổ trước khi ông ta hết nhiệm kỳ.
Bầu cử tự do dân chủ tại miền Nam Việt Nam những năm 1954-1975 là như thế. Bề ngoài thì có vẻ dân chủ, nhất là kỳ bầu cử năm 1967, nhưng bên trong thì Hoa Kỳ can thiệp rất sâu và cuối cùng chỉ là sự độc diễn của các thế lực quân sự có quyền lợi gắn chặt với cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam.
[1] Nguyễn Cao Kỳ: Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào, Hồi ký, 1985
Bình Nguyễn