Trở lại nước Anh, phi công S.C, từng là “bệnh nhân 91” ở Việt Nam hẳn rất mong muốn được nhanh chóng khỏe lại để quay về với công việc và cuộc sống bình thường, nhưng có lẽ anh còn ước giá như quê hương mình hiện tại có thể như Việt Nam: xứ sở đã cứu sống được tất cả mọi người khỏi dịch bệnh Covid-19.
Trước khi phi công người Anh hôn mê vào cuối tháng 3, số ca nhiễm Covid trên toàn cầu là hơn 200 nghìn, khi anh tỉnh lại và tự ngồi dậy để cập nhật tình hình từ ngày 9/6, số ca dương tính đã vượt qua con số 7 triệu (hiện giờ đã hơn 14 triệu), riêng quê hương nước Anh hiện mỗi ngày vẫn có hàng trăm ca nhiễm mới. Điều này chắc hẳn khiến cho anh càng thêm trân trọng giá trị của sức khỏe, giá trị của một cuộc sống bình yên, trân trọng hơn những giá trị Việt Nam.
Kỳ tích trong y khoa
Bệnh nhân người Anh là một ca bệnh rất đặc biệt, hệ miễn dịch phản ứng thái quá với virus tạo ra “cơn bão cytokine” chống lại cả cơ thể. Các chuyên gia nhận định Covid-19 là bệnh dịch mới trên thế giới, nguy cơ lây bệnh rất cao cho nhân viên y tế, diễn tiến bệnh của phi công người Anh lại vô cùng phức tạp, chưa từng có trong y văn thế giới! Sau khi nhiễm virus, bệnh nhân 91 diễn biến nặng dần lên đến suy đa tạng. Bệnh nhân đã có nhiều giai đoạn nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên rất mong manh. Có giai đoạn người bệnh tổn thương toàn bộ hai bên phổi rất nhanh, kèm theo đó là sự suy giảm chức năng của các tạng khác như thận, gan và rối loạn đông máu.
Thời điểm bi quan là khi phổi bệnh nhân đông đặc gần hết, chỉ còn chừng 10% hoạt động, lại thêm biến chứng tràn khí màng phổi phải và nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh đa kháng, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh xấu nhất. Tuy nhiên, chính phủ và nhân dân Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ hy vọng, quyết tâm dốc toàn lực để cứu người. Có thể nói Việt Nam đã huy động toàn bộ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc men tốt nhất, kể cả nhập từ nước ngoài về để điều trị cho người bệnh, để khi phi công người Anh tỉnh lại, thấy như mình vừa hồi sinh, đã phải thốt lên rằng: “Nếu ở một nơi nào khác trên trái đất này, tôi hẳn đã chết - sau 30 ngày tôi nằm liệt giường, họ có lẽ đã ngắt máy thở”.
Bệnh nhân 91 được chữa khỏi và xuất viện. (Nguồn: Zing)
Tình yêu thương không biên giới
Phi công người Anh đã có một hành trình rất đặc biệt, hành trình 116 ngày anh vượt qua vực thẳm của cái chết, khi chạm được tới những cánh tay của các thiên thần áo trắng.
Anh kể rằng mình không có người thân, một mình sang Việt Nam sinh sống và làm việc. Trong suốt thời gian anh nhập viện, hôn mê cho đến khi tỉnh lại, bên cạnh anh chỉ có các y bác sĩ, những người Việt Nam quan tâm và chăm sóc tận tình, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19. Từ cấp cao nhất của chính phủ cho đến những người dân bình thường đều thể hiện quyết tâm cứu sống bệnh nhân 91, tình trạng sức khỏe của “phi công người Anh” được cập nhật liên tục trên trang Facebook chính phủ Việt Nam, trong đó đầy ắp những ý kiến bình luận thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng, các lãnh đạo cấp cao và của người dân. Khi truyền thông đưa tin rằng bệnh nhân cần ghép phổi, rất nhiều người Việt đã đề nghị hiến tặng, bao gồm cả một cựu binh 70 tuổi. Phi công người Anh trả lời phỏng vấn rằng “choáng ngợp trước lòng hảo tâm của người Việt Nam và sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sỹ và y tá, cả ở đây, (bệnh viện) Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới”. Anh không có gia đình nhưng có lẽ đã tìm được gia đình thực sự của mình ở Việt Nam, nơi có những con người quan tâm và cưu mang anh như những người thân.
(Nguồn: tuoitre)
Tìm lại bầu trời
Nhờ có Việt Nam, phi công người Anh đã “tìm lại bầu trời”, khi anh được đưa về nước trên chuyến bay đặc biệt ngày 12/7, với phi hành đoàn là đồng nghiệp của anh, trên chính chiếc máy bay Boeing-787 mà anh từng cầm lái, để trở về với quê hương Anh Quốc, kết thúc hành trình tái sinh với những điều kỳ diệu nơi Việt Nam.
S.C kể lại rằng, sau khi đã tỉnh lại và gọi điện cho một số bạn bè, anh được biết từng có lúc một người bạn của mình được Bộ ngoại giao Anh thông báo rằng anh chỉ còn 10% cơ hội sống nên người bạn ấy đã lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất… chuẩn bị những việc cần làm nếu anh trở về quê hương trong quan tài. Anh hạnh phúc khi biết mình đã vượt qua lằn ranh sinh tử, và khát khao một ngày kia được trở lại công việc, để thực hiện lời hứa “chở y, bác sĩ Việt Nam bay trên bầu trời”, để tri ân tình người nơi đây. Anh nói rằng một trong những lý do anh muốn quay về nhà là “cảm thấy mình đang giành mất suất cứu chữa của người khác mà có thể họ đang bệnh rất nặng”, như một lời cảm tạ chân thành nhất đối với tấm lòng Việt Nam.
Rồi đây phi công người Anh sẽ bước vào những hành trình mới, có thể là những chuyến bay trở lại Việt Nam, có thể là những chuyến bay tiếp nối công việc của mình, nhưng có lẽ trong tâm trí anh, hành trình tại Việt Nam là hành trình kỳ diệu nhất. Cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam cũng sẽ bước vào trạng thái bình thường mới, dù còn đó nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng có một điều không bao giờ cũ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đó chính là tinh thần tương thân tương ái, giá trị nhân văn của người Việt Nam. Ngay cả trong cuộc chiến chống Covid-19, trí tuệ Việt Nam, lòng nhân hậu của con người Việt Nam lại càng tỏa sáng rực rỡ hơn, càng khiến cộng đồng quốc tế nể phục. Bằng chứng là Việt Nam được coi là trường hợp thành công nhất trên thế giới trong việc chống dịch Covid. Đại dịch không thể khuất phục tinh thần Việt Nam, mà chỉ càng làm củng cố tinh thần ấy, khi cả đất nước đã luôn hành động mạnh mẽ, đoàn kết, khi đã coi việc bảo vệ an toàn tính mạng con người là ưu tiên hàng đầu, là mệnh lệnh từ trái tim.
Minh Vũ